Hiệu quả từ việc xây dựng thành công các khu công nghiệp:

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 51 - 53)

V. SỰ HÌNH THÀNH – PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN SỰ PHÂN BỐ NGUỒN LAO

2.Hiệu quả từ việc xây dựng thành công các khu công nghiệp:

Từ việc hình thành các khu công nghiệp và các cụm sản xuất như trên, những năm qua Bình Dương đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, tạo việc làm. Trong năm 2002 tỉnh thu hút được 154 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 295,4 triệu USD, đăng ký bổ sung vốn 102,3 triệu USD. 6 tháng năm 2003, Bình Dương thu hút được 85 dự án đầu tư mới và 73 dự án bổ sung vốn hoạt động với tổng vốn đầu tư thu hút được là 304 triệu 022 ngàn USD nâng tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 701 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 3 tỷ 317 triệu USD của 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương. Đến nay đã có 479 doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp, trong đó có 339 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 1 tỷ 523 triệu USD và 140 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 1.736 tỷ đồng.

2.1. Về kinh tế:

Tuy trong các khu công nghiệp số dự án và vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ bằng khoảng 45-47% và số dự án và vốn của các doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước chỉ bằng 2-5% so tổng dự án của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước của toàn tỉnh, hoạt động của các doanh nghiệp khu công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh như:

− Giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp khu công nghiệp 6 tháng đầu năm 2003 đạt trên 4.300 tỷ đồng, tăng 42% so cùng kỳ, chiếm 45% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh và góp phần vào tỷ lệ tăng trưởng 35% của giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 389 triệu USD tăng 120% so cùng kỳ, chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và góp phần vào tỷ lệ tăng 47% so cùng kỳ của kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đó là chưa kể với trên 25 trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư hoạt động trong các khu công nghiệp đã giúp mở rộng đáng kể thị trường xuất khẩu cho Việt Nam nói chung và tỉnh

Bình Dương nói riêng bằng chính thị trường và bạn hàng của các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trong các khu công nghiệp Bình Dương.

Kim ngạch nhập khẩu các doanh nghiệp khu công nghiệp 6 tháng đầu năm 2003 đạt 336 triệu USD, chiếm 56% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh. Nhập khẩu này chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Hoạt động của các doanh nghiệp khu công nghiệp góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế. Nhiều công nghệ mới mang tính tự động hóa cao, thậm chí vi tính hóa đã được nhập vào tỉnh như sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, thép lá mạ, sản xuất bếp gas, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, công nghệ da giày... đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang nhiều khách hàng khó tính như các quốc gia Châu Âu, Mỹ, Nhật... nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và thay thế dần hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, sự phát triển của các khu công nghiệp đã thúc đẩy các hoạt động dịch vụ như bưu chính viễn thông, ngân hàng,... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư.

2.2. Về xã hội:

Các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho gần 96.000 lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp khu công nghiệp với thu nhập bình quân từ 700.000 đồng/tháng đến 900.000 đồng/tháng và hàng ngàn lao động tham gia gián tiếp trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất nguyên vật liệu và các dịch vụ như cung ứng bữa cơm, chỗ nghỉ cho công nhân...

Như vậy có thể khẳng định khu công nghiệp là nơi thu hút nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, cho việc khai thác và nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực trong nước; góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện cuộc sống người dân, tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản lý mới.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 51 - 53)