Theo nghĩa hẹp:

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 25 - 27)

IV. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ LAO ĐỘNG VÀ PHÂN BỐ LAO ĐỘNG: 1.Khái niệm về nguồn nhân lực và các đặc trưng cơ bản:

1.2.Theo nghĩa hẹp:

Ở một không gian và thời gian xác định, xét về khả năng có thể sử dụng Bộ Luật Lao Động thì khái niệm nguồn nhân lực đồng nghĩa với nguồn lao động. Nếu xét về tình trạng hoạt động thì khái niệm nguồn nhân lực đồng nghĩa với lực lượng lao động.

1.2.1. Nguồn lao động:

− Theo từ điển thuật ngữ trong lĩnh vực lao động của Liên Xô (Matxcơva tái bản năm 1997 bản tiếng Nga), nguồn lao động là toàn bộ những người lao động dưới dạng tích cực (đang tham gia lao động) và tiềm năng (có khả năng lao động nhưng chưa có tham gia lao động).

− Theo từ điển thuật ngữ Pháp (1977 – 1985 bản tiếng Pháp), nguồn lao động không gồm những người có khả năng nhưng không có nhu cầu làm việc.

Theo quan điểm này, phạm vi dân số tính vào nguồn lao động, theo nghĩa hẹp hơn so với quan điểm nêu trong từ điển thuật ngữ về lao động của Liên Xô.

− Theo qui định của Cục Thống Kê khi tính toán cân đối nguồn lao động, nguồn lao động bao gồm toàn bộ dân số trong độ tuổi có khả năng lao động và những người ngoài tuổi lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân.

Khái niệm nguồn lao động được sử dụng trong điều tra mẫu của quốc gia về lao động - việc làm hàng năm. trong công tác thu thập tổng hợp thông tin thống kê về thị trường lao động ở Việt Nam từ năm 1996 trở lại đây, nguồn lao động gồm những người từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm và những người có độ tuổi lao động có khả năng lao động nhưng đang không có việc làm (thất nghiệp) hoặc đang đi học hoặc làm nội trợ cho gia đình mình hoặc chưa có nhu cầu làm việc.

Khái niệm này vừa phù hợp với qui định của Bộ Luật Lao Động về độ tuổi lao động, vừa bao gồm được cả những người lao động ở dạng tích cực (người đang tham gia lao động), và những người lao động còn đang ở dạng tiềm tàng (có khả năng lao động nhưng chưa tham gia vào lao động); làm căn cứ để tính toán quy mô nguồn lao động tại một thời điểm nào đó của một tỉnh, thành phố, vùng lãnh thổ cũng như chung cả nước.

1.2.2. Lực lượng lao động:

Lực lượng lao động là bộ phận của nguồn lao động đang tham gia hoạt động kinh tế, không kể là có việc làm hay không có việc làm.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số điểm khác trong lĩnh vực lao động:

− Của Liên Xô: lực lượng lao động là khái niệm định lượng của nguồn lao động.

− Theo quan điểm thuật ngữ Pháp: lực lượng lao động là số lượng và chất lượng của những người lao động được quy đổi theo các tiêu chuẩn trung bình về khả năng lao động có thể sử dụng.

− Theo quan điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO): lực lượng lao động là bộ phận dân số trong độ tuổi quy định thực tế đang có việc làm và những người thất nghiệp.

− Theo sách hướng dẫn nghiệp vụ chỉ tiêu xã hội ở Việt Nam của Tổng Cục Thống Kê quy định: lực lượng lao động là những người đủ 15 tuổi trở lên có việc làm và không có việc làm.

− Theo quan niệm của ngành lao động: lực lượng lao động gồm những người từ 15 tuổi trở lên đang tham gia vào hoạt động kinh tế, không phân biệt là có việc làm hay đang thất nghiệp.

Khái niệm này về cơ bản thống nhất với quan điểm của ILO và quy định hiện hành của Tổng Cục Thống Kê về lực lượng lao động.

Lực lượng lao động tuy là một bộ phận của nguồn lao động nhưng không đồng nhất với nguồn lao động. Lực lượng lao động không bao gồm bộ phận dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao động nhưng không tham gia hoạt động kinh tế như: đi học, làm nội trợ cho gia đình hoặc chưa có nhu cầu làm việc.

Do vậy, ngoài các đặc trưng về nhân khẩu, về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn-kỹ thuật đã nêu lực lượng lao động còn bao hàm các đặc trưng về trình độ, cơ cấu, kỹ năng, nghề nghiệp, cấu trúc đào tạo tác phong kỷ luật lao động, đạo đức nghề nghiệp, sự hiểu biết về luật pháp, khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, khả năng hội nhập với thị trường lao động trong khu vực và thế giới

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 25 - 27)