ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN, CẢNH QUAN MÔI TRƯỜNG: 1.Điều kiện tự nhiên:

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 31 - 34)

1. Điều kiện tự nhiên:

— Vị trí địa lý:

Địa giới hành chính: Phía đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh, phía Nam giáp TP. Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước.

Tỉnh Bình Dương có 7 đơn vị hành chính gồm: huyện Thuận An, huyện Dĩ An, huyện Bến Cát, huyện Tân Uyên, huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và thị xã Thủ Dầu Một.

— Địa hình:

Địa hình tương đối bằng phẳng thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp, kết cấu địa chất vững chắc phù hợp để xây dựng các khu công nghiệp tập trung, các khu dân cư và các trung tâm thương mại và dịch vụ.

— Khí hậu, thời tiết:

Khí hậu của tỉnh Bình Dương mang tính chất nhiệt đới, cận xích đạo-gió mùa, với tổng bức xạ và tổng lượng nhiệt năm cao và ổn định (cán cân bức xạ năm 75 – 80Kcalo/cm2, tổng tích ôn 9.288 – 9.684oC/năm), nhiệt độ bình quân cao đều quanh năm, biến động từ 25,8 đến 26,9oC.

Mùa mưa: lượng mưa lớn và phân thành hai mùa rõ rệt, tổng lượng mưa trung bình năm dao động từ 1.597,4mm đến 2.279,1mm/năm.

Mùa khô: nắng nhiều, bức xạ lớn, lượng bốc hơi cao trung bình năm từ 1.113 – 1.387mm; trong đó, lượng bốc hơi mùa khô chiếm tới 75 – 80% cả năm, gây ra hạn hán, vì vậy đối với sản xuất nông nghiệp chọn cây trồng lâu năm chịu hạn không cần tưới rất có ý nghĩa quan trọng.

— Chế độ thủy văn:

Tỉnh Bình Dương có mạng lưới sông ngòi, ao hồ khá phong phú, các sông lớn như: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và hồ Dầu Tiếng.

2. Tài nguyên thiên nhiên:

— Tài nguyên nước:

Nguồn nước mặt: Hệ thống cung cấp nguồn nước mặt chính ngoài ba con sông lớn như: sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé còn có hồ Dầu Tiếng. Tổng lưu lượng dòng chảy của các sông khoảng 26 tỷ m2/năm, đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm của tỉnh Bình Dương tồn tại ở 2 dạng: lỗ hổng và khe nứt, chất lượng nước tương đối tốt. Nguồn nước ngầm cần được quản lý khai thác sử dụng có hiệu quả, ưu tiên dành cho chương trình nước sạch sinh hoạt cho nông thôn. Nơi giàu nguồn nước ngầm có thể khai thác ở quy mô vừa phải để phát triển kinh tế vườn, tưới cho rau sạch...

— Tài nguyên khoáng sản:

Tỉnh Bình Dương là tỉnh giàu tiềm năng về tài nguyên khoáng sản bao gồm: khoáng sản phi kim loại như kaolin, sét gạch tại các huyện Tân Uyên, Thuận An và Dĩ An; cát có trữ lượng khai thác cao ở cù lao Rùa; đá làm vật liệu xây dựng khai thác ở xã Thường Tân – Tân Uyên; nguyên liệu laterit với trữ lượng lớn phân bố ở 4 huyện phía Nam như: Bến Cát, Tân Uyên, Thị xã Thủ Dầu một và Thuận An.

— Tài nguyên đất đai:

Bình Dương có diện tích tự nhiên là 269.554,54 được phân làm 6 nhóm chính với 13 loại đất. Hai nhóm đất có diện tích lớn nhất là: đất xám với diện tích 141.916,06 ha chiếm 56,65%; đất đỏ vàng diện tích 64.843.00 ha chiếm 24,06%; các nhóm đất còn lại: đất phèn diện tích 3.204.00 ha chiếm 1,19%, đất phù sa diện tích 15.475.00 ha chiếm 5,74%, đất dốc tụ diện tích 32.598.00 ha chiếm 12,09%, đất xói mòn trơ sỏi đá 91,00 ha chiếm 0,03% và sông hồ thủy lợi với diện tích 11.427,48 ha.

— Tài nguyên rừng:

Bình Dương có diện tích rừng là 12.790(1) ha chiếm 4,74% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở các huyện: Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng. Trữ lượng gỗ của rừng của Bình Dương còn khoảng 260.100m3; trong đó rừng tự nhiên trữ lượng gỗ còn 239.500m3, rừng trồng còn 20.600m3.

— Tài nguyên nhân văn:

Bình Dương đã có một lịch sử phát triển lâu đời, qua các di chỉ văn hóa khảo cổ Vườn Dzũ – Cù Lao Rùa, Gò Đá, Dốc Chùa... đã chứng minh con người tiền sử đã có mặt trên vùng đất Bình Dương xưa từ thời hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới cách ngày nay trên 10 ngàn năm. Chính sự phát triển đó đã làm cơ sở cho Bình Dương nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung bước vào thời kỳ phát triển đa dạng về cơ cấu dân cư, dân tộc và văn hóa.

3. Cảnh quan môi trường:

Nghiên cứu hiện trạng môi trường tỉnh Bình Dương bao gồm nhiều nội dung như sau: suy thoái rừng, suy thoái và ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và môi trường ở các khu công nghiệp, suy thoái đất, môi trường sống ở đô thị và nông thôn.

Diện tích rừng bị thu hẹp, giảm độ che phủ đã gây ra ảnh hưởng lớn đến môi trường. Theo kết quả kiểm kê đất đai theo Chỉ thị 24/1999/CT-TTg, diện tích cây lâu năm 143.866 ha. Do vậy, độ che phủ tổng cộng của rừng và cây lâu năm lên đến 58,11%. Kế hoạch sử dụng đất trong tương lai phải thực hiện cả việc trồng mới bảo vệ rừng đã có, đồng thời lựa chọn trồng các loại cây lâu năm phù hợp với điều kiện sinh thái và có hiệu quả kinh tế cao. Xem đây là một quan điểm đặt ra cho quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Bình Dương.

Nguồn nước của một số khu vực, đặc biệt là các huyện phía Nam của tỉnh Bình Dương bị ô nhiễm. Nguyên nhân gây ô nhiễm do sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu không hợp lý từ các trại chăn nuôi, rác công nghiệp và đô thị chưa được xử lý, nước thải từ khu dân cư tập trung, bệnh viện, chợ, một số xí nghiệp công nghiệp...

Suy thoái đất: hiện tượng xói mòn – rửa trôi làm bạc màu đất luôn xảy ra ở mọi nơi đối với đất canh tác nông nghiệp.

Không tích cực vào đầu tư hệ thống thủy lợi, sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên.

4. Nhận xét chung điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường: quan môi trường:

Bình Dương có lợi thế rất lớn về vị trí địa lý: nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng phát triển kinh tế lớn nhất và năng động nhất của cả nước. Nằm sát cạnh TP. Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế, tài chính, công nghiệp và khoa học công nghệ của cả nước. Bình Dương một mặt dễ dàng thu hút được các nguồn vốn, tiếp nhận nhanh chóng các kiến thức trong chuyển giao khoa học công nghệ, các thông tin kinh tế thị trường, một mặt lại tận dụng được hầu hết các cơ sở hạ tầng lớn sẵn có của TP. Hồ Chí Minh như: sân bay, bến cảng, đường bộ.

Dân số và lực lượng lao động trong độ tuổi không nhiều, đội ngũ cán bộ khoa học và công nhân kỹ thuật chưa thực sự dồi dào.

Quá trình phát triển công nghiệp nhanh trong những năm gần đây dẫn đến một số mặt bất cập khó giải quyết, nhất là ô nhiễm môi trường sinh thái, nhu cầu về nhà ở, tệ nạn xã hội gia tăng... đang là vấn đề nan giải đối với những khu vực có khu công nghiệp tập trung.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành phát triển các khu công nghiệp và tác động của nó đến sự phân bố nguồn lao động tỉnh Bình Dương (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)