Cộng đồng đã tự xác lập quyền quản lý và sử dụng rừng của thôn bản
Để cộng đồng dân cư có thể xác lập được quyền quản lý và sử dụng rừng của mình thì cộng đồng phải được pháp luật công nhận là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Từ năm 2003 trở về trước, trong các văn bản pháp luật của Việt Nam do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, như: Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng năm 1972; Luật đất đai năm 1987 và Luật đất đai năm 1993 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998 và 2001); Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 chưa có các quy phạm pháp luật đối với cộng đồng dân cư. Theo Bộ luật dân sự năm 1995, cộng đồng dân cư không đủ điều kiện để được coi là pháp nhân, là tổ chức, là chủ thể trong giao dịch dân sự.
Tuy vậy, một thực tế là tại vùng rừng núi của Việt nam, cộng đồng dân cư thôn, bản, buôn, ấp, phun, sóc… (gọi chung là cộng đồng dân cư thôn) với phong tục tập quán sản xuất và đời sống văn hóa từ lâu đời gắn bó với việc sử dụng đất, sử dụng rừng; hơn thế nữa rừng của cộng đồng vẫn đang tồn tại và gắn bó với thôn bản. Cộng đồng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và phát triển rừng nói riêng.
Vậy nên, trong giai đoạn từ trước năm 2003 khi Nhà nước chưa có khung pháp lý và chính sách can thiệp thì cộng đồng dân cư đã dựa vào những tập tục, ước lệ truyền thống để xác định quyền quản lý và sử dụng đối với những khu rừng gắn liền với đời sống vật chất và tâm linh của cộng đồng, xác lập quyền quản lý và sử dụng rừng.
Trong giai đoạn này nền kinh tế thị trường mới sơ khai, chưa phát triển nên việc quản lý và đặc biệt là sử dụng rừng cộng đồng không phải sản xuất hàng hóa lâm sản để bán ra thị trường mà chủ yếu là sản xuất những lâm sản gia dụng, tư liệu tiêu dùng trong đời sống gia đình và cộng đồng. Đồng thời, rừng cộng đồng gắn liền với bảo vệ môi trường của thôn, đặc biệt là bảo vệ, duy trì nguồn nước cho cộng đồng, góp phần vào việc đáp ứng những yêu cầu về xã hội như tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống văn hóa. Phương thức quản lý rừng cộng đồng cũng đơn giản thông qua sử dụng nguồn vốn và lao động hiện có của cộng đồng là chủ yếu. Các thành viên trong cộng đồng cùng nhau quản lý, bảo vệ rừng và hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi.
Các hình thức quản lý rừng cộng đồng
- Hình thức tổ chức quản lý rừng theo dòng tộc (dòng họ), theo dân tộc: Cộng đồng tổ chức quản lý rừng và đất rừng theo dòng họ, theo dân tộc nơi có diện tích rừng và đất rừng nhỏ, do họ tự thừa nhận hay đã mặc nhiên công nhận từ các thế hệ trước. Việc tổ chức bảo vệ rừng gắn bó chặt chẽ với những tập quán truyền thống và hệ thống tư tưởng của cộng
đồng, vai trò của người trưởng tộc hoặc già làng rất quan trọng. Hầu hết các công việc quản lý rừng của họ đều có sự phân công rõ ràng, các thành viên thực hiện tự giác và nghiêm túc. Tuy nhiên, với hình thức quản lý này đôi khi cũng tạo nên mâu thuẫn cục bộ giữa các dòng họ với nhau trong cộng đồng thôn.
- Hình thức tổ chức quản lý rừng theo thôn, bản, buôn, làng (gọi chung là thôn): Đây là hình thức tổ chức quản lý rừng cộng đồng chủ yếu hiện nay. Hình thức tổ chức này dựa trên cơ sở vị trí địa lý và khu vực người dân sinh sống. Phần lớn các thôn đều xây dựng quy ước/hương ước quản lý và bảo vệ rừng cộng đồng, tổ chức lực lượng tuần tra rừng chuyên trách hoặc phân công luân phiên các hộ gia đình trong thôn. Với hình thức quản lý này có thuận lợi cơ bản là cộng đồng huy động được nhiều thành phần cùng tham gia quản lý rừng và có khả năng quản lý tất cả các loại rừng. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế là việc chia sẻ lợi ích từ rừng cộng đồng nhiều khi gặp khó khăn và phức tạp. Nhưng dù sao từ kinh nghiệm thực tiễn cho thấy đây cũng là hình thức quản lý rừng cộng đồng phù hợp nhất hiện nay.
- Hình thức quản lý rừng theo nhóm hộ/nhóm sở thích: Hình thức quản lý rừng này được thực hiện ở một số nơi. Nhóm hộ có thể hình thành từ một số hộ gia đình cư trú liền nhau trong phạm vi một thôn, một xóm hoặc gồm một số hộ gia đình có quan hệ huyết thống hoặc họ hàng; cũng có trường hợp là những cá nhân cùng lứa tuổi, cùng có mong muốn được tham gia quản lý rừng. Nhóm hộ này tự phân công để bảo vệ rừng, có thể cả nhóm cùng tham gia tuần tra rừng hàng ngày, hàng tuần hoặc luân phiên nhau; một số nhóm hộ có rừng gần nhau liên kết bảo vệ rừng. So sánh với các hình thức quản lý rừng công đồng nêu trên thì hình thức quản lý này có quy mô nhỏ, dễ dàng tổ chức, quản lý, thống nhất; phù hợp với trình độ hiện nay của cộng đồng dân cư thôn bản. Nhưng nó sẽ khó khăn trong việc bảo vệ các khu rừng ở các vùng sâu, vùng xa.