Trong chu trình quản lý rừng cộng đồng, lập kế hoạch quản lý rừng 5 năm là bước tiếp theo sau giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Đây là bước hết sức quan trọng, được xem là phương án kinh doanh rừng, thậm chí cần phải được thừa nhận như phương án điều chế rừng cộng đồng đối với những khu rừng tự nhiên giao cho cộng đồng. Chương trình thí điểm Lâm nghiệp cộng đồng tại 40 xã của 10 tỉnh cũng đã thử nghiệm trình tự thủ tục Lập kế hoạch quản lý rừng cộng đồng.
Dự án ETSP, Dự án Phát triển nông thôn ở Dak Lak (RDDL) cùng với Trường Đại học Tây Nguyên đã phát triển và thử nghiệm nội dung, trình tự, thủ tục và phương pháp lập kế hoạch quản lý rừng cộng đồng tại một số địa phương của tỉnh Dak Nông và tỉnh Đăk Lắc. Mô hình rừng ổn định là cơ sở lý thuyết cho cho lập kế hoạch quản lý rừng 5 năm và hàng năm được thử nghiệm tại các địa phương trên.
Lập kế hoạch quản lý rừng vấp phải 2 vấn đề quan trọng sau:
Thứ nhất, sự không phù hợp của quy trình quy phạm lâm sinh hiện tại áp dụng trong điều kiện cộng đồng dân tộc thiểu số để lập kế hoạch quản lý rừng:
Có những sự khác biệt giữa kỹ thuật lâm sinh truyền thống và kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng cộng đồng. Kỹ thuật lâm sinh truyền thống thường áp dụng đối với các lâm trường quốc doanh, các công ty lâm nghiệp; trong khi đó kỹ thuật lâm sinh cho quản lý rừng cộng đồng thường áp dụng trên quy mô nhỏ ở trong phạm vi cộng đồng. Các dự án ETSP và RDDL đã tổ chức thử nghiệm và áp dụng giải pháp lâm sinh đơn
giản trong thực hiện kế hoạch quản lý rừng cộng đồng ở các tỉnh Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Dak Nông, Dak Lak.
Để áp dụng kỹ thuật lâm sinh vào rừng hiện nay, chủ yếu tuân theo quy phạm các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa do Bộ Lâm nghiệp ban hành năm 1993. Quy phạm này trước đây được xây dựng phục vụ cho các đơn vị kinh doanh rừng có quy mô diện tích lớn, nay ứng dụng vào điều kiện quản lý rừng cộng đồng sẽ không phù hợp với nguồn lực địa phương và gặp phải một số trở ngại:
- Cường độ khai thác lớn ứng với luân kỳ kinh doanh dài 20 – 30 năm sẽ không thích hợp, vì diện tích rừng giao cho cộng đồng không đủ lớn để tổ chức không gian và thời gian khép kín trong luân kỳ quá dài, cường độ khai thác lớn sẽ không thực tế với điều kiện đầu tư của cộng đồng.
- Các quy định về đường kính khai thác chỉ phù hợp với kinh doanh gỗ chưa đề cập đến việc áp dụng các nhu cầu đa dạng sản phẩm từ rừng của cộng đồng.
- Hướng dẫn nặng về kỹ thuật nhưng lại thiếu cụ thể hóa để có thể ứng dụng ở cộng đồng.
- Chưa đề cập đến kết hợp kiến thức bản địa và điều kiện cộng đồng để lựa chọn giải pháp kỹ thuật thích hợp.
- Tiêu chuẩn xác định đối tượng khai thác rừng cao trong khi đó giao rừng cho cộng đồng lại quá nghèo nên không tạo ra thu nhập trong một thời gian quá dài cho người nhận rừng.
Ngoài ra các phương pháp xác định trạng thái rừng, điều tra đánh giá tài nguyên rừng và các tính toán trữ sản lượng rừng phức tạp, nhiều công thức không thể áp dụng trong điều kiện của cộng đồng các đồng bào dân tộc. Trong thực tế việc giao đất giao do rừng cán bộ kỹ thuật tự điều tra đánh giá tài nguyên rừng và ấn định những kết quả này cho cộng đồng, dẫn đến cộng đồng không hiểu họ sẽ quản lý các số liệu tài nguyên đó như thế nào hoặc sẽ gây nghi ngờ vì họ không tin vào phương pháp.
Thứ hai, kế hoạch quản lý rừng cộng đồng chưa được thừa nhận và thể chế hoá như một phương án kinh doanh rừng hay phương án điều chế rừng cộng đồng:
Hiện tại ở một số nơi bản kế hoạch quản lý rừng cộng đồng 5 năm do UBND huyện phê duyệt, bản kế hoạch quản lý rừng cộng đồng hàng năm do UBND xã phê duyệt. Các bản kế hoạch này mới được thừa nhận như là kế hoạch quản lý rừng mục đích sử dụng rừng nội bộ, phi thương mại. Khai thác gỗ từ rừng tự nhiên của cộng đồng cho mục đích thương mại chưa được thừa nhận, kế hoạch khai thác gỗ từ rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý chưa được đưa vào
“hạn ngạch” hàng năm của các địa phương. Bản kế hoạch quản lý rừng cộng đồng không được xem là phương án kinh doanh hay phương án điều chế rừng tự nhiên của cộng đồng, trong khi thực tế chỉ ra rằng sự cần thiết phải được xem nó như một phương án điều chế rừng cho rừng cộng đồng như được giải thích trên.