BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Nguyễn Thị Hồng Mai26 và Hoàng Huy Tuấn27
Giới thiệu
Quản lý rừng cộng đồng xuất hiện rất sớm tại Việt Nam do những cộng đồng dân tộc thiểu số thực hiện. Hình thức này chỉ chính thức được công nhận về mặt pháp lý từ năm 2004, sau khi nhà nước điều chỉnh và bổ sung luật đất đai sửa đổi 2003 và Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng năm 2004.
Những sáng kiến mới về cách tiếp cận và giao rừng cho cộng đồng quản lý được giới thiệu và được áp dụng thử nghiệm bởi các tổ chức quốc tế với sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, có quá nhiều thách thức cho sự thành công của các chương trình này: Rừng được giao phần lớn là rừng nghèo, khả năng hưởng lợi từ rừng trước mắt hầu như không có, cộng đồng nhận rừng phần lớn là những cộng đồng dân tộc thiểu số với tỷ lệ đói nghèo còn cao; trình độ dân trí thấp, năng lực của các ban quản lý rừng cộng đồng còn nhiều hạn chế, chính sách hưởng lợi từ rừng cộng đồng của nhà nước chưa rõ ràng, chưa có những thay đổi về cơ chế hưởng lợi cho phù hợp với bối cảnh của các cộng đồng hiện nay,…
Bài trình bày này mong muốn được chia sẻ những bài học và kinh nghiệm mà dự án Học hỏi về quản trị rừng (FGLG) Việt Nam đạt được sau 3 năm (2006-2009) thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế (xem thêm bài viết của Nguyễn Quang Tân và cộng sự trong kỷ yếu này để biết thêm chi tiết về dự án). Bài viết tập chung vào hai lĩnh vực chính: các điều kiện để việc quản lý rừng cộng đồng được hiện thực hóa và quản lý rừng và chia sẻ lợi ích trong chương trình quản lý rừng cộng đồng.