2. Cội nguồn của các thiền phái ở Việt Nam
2.1.2. Đặc điểm Thiền Trung Quốc
Thiền bắt nguồn từ Ấn Độ nhưng đã trở thành một Tông phái độc lập khi được truyền sang Trung Quốc, đặc biệt là sau thời của Lục tổ Huệ Năng. Nơi đây, Thiền tông đã hấp thụ cốt tuỷ của nền văn hoá, triết lí Trung Quốc. Nhà Ấn Độ học và Phật học người Đức H. W. Schumann viết như sau trong tác phẩm
Đại thừa Phật giáo (Mahāyāna-Buddhismus):
“Thiền tông có một người cha Ấn Độ nhưng đã chẳng trở nên trọn vẹn nếu không có người mẹ Trung Quốc. Cái “dễ thương”, cái hấp dẫn của Thiền
tông chính là những thành phần văn hoá nghệ thuật, những đặc điểm sắc thái riêng của Trung Quốc, không phải của Ấn Độ. Những gì Phật giáo mang đến Trung Quốc - với tư tưởng giải thoát tuyệt đối, trình bày một cách nghiêm nghị khắt khe với một ngón tay trỏ chỉ thẳng - những điều đó được các vị Thiền sư thừa nhận, hấp thụ với một nụ cười thầm lặng đầy thi vị. Thành tựu lớn lao của các Đại luận sư Ấn Độ là nhét “con ngỗng triết lí” vào lọ, thì - chính nơi đây, tại Trung Quốc - con ngỗng này được thả về với thiên nhiên mà không hề mang thương tích”.
Thiền được du nhập vào Trung Quốc từ rất sớm, qua quá trình truyền thừa và phát triển rộng, thiền đã thay đổi. Qua lăng kính tư tưởng và văn hoá Trung Quốc, thiền đã trở về với chính nó và được phát triển tuyệt đối ở khả năng tự chứng ngộ từ tâm của hành giả. Thiền mà Bồ đề đạt ma truyền từ Ấn Độ sang Trung Quốc mang sắc thái tư tưởng Ấn Độ - thiên về triết học thần bí, siêu hình, được phát triển thành thiền Trung Quốc rất giản dị, thực tiễn và sâu sắc.
Đặc điểm của Thiền tông có thể được thâu gọn trong bốn câu của Bồ đề đạt ma:
Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền Trực chỉ nhân tâm Kiến tính thành Phật
(Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tính thành Phật).
Trong dòng lịch sử phát triển liên tục của Phật giáo ảnh hưởng bởi sự phân nhánh Nam truyền (Nam tông) mang tính chất bảo lưu những giới luật truyền thống và Bắc truyền (Bắc tông), thiền Trung Quốc cũng chia thành hai nhánh, thiền sư Huệ Năng ở phương Nam chủ trương đốn tu đốn chứng, thiền sư Thần Tú ở phương Bắc thì dạy tiệm tu tiệm ngộ. Từ đó nguồn thiền lan rộng
không chỉ ở Trung Quốc mà còn sang các nước ở vùng Đông Nam Á tạo thành nhiều hệ phái tùy theo sắc thái đặc biệt của mỗi địa phương, mỗi dân tộc.
Người được xem là cách mạng toàn diện dấu vết cũ của thiền Ấn Độ chính là Huệ Năng, người thầy nổi bật của dòng thiền đốn siêu tuyệt. Lần đầu tiên tiếp kiến với tổ, ông đã trả lời câu hỏi của tổ là “Người đành có Nam Bắc tính Phật há có vậy sao?”
Chính câu trả lời tuyệt diệu ấy, đã là tiền đề cho đặc chất của thiền Trung Quốc phát triển sau này.
Như chúng ta đã biết Bồ đề đạt ma chủ trương: bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật, nhưng Sư chưa hoàn tất triệt để về tông chỉ của mình, bởi vì Bồ đề đạt ma vẫn còn sử dụng bốn bộ kinh Lăng Già làm nơi y cứ cho Thiền tông truyền lại cho Huệ khả; và ý nghĩa kiến tính thành Phật, Sư cũng chưa lột xác được hết ý nghĩa thâm thuý này. Cho nên tông chỉ của Bồ đề đạt ma đến tổ Huệ Năng mới đạt được sự tuyệt đối của nối tu đốn ngộ thật sự.
Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, tức là sự “ngộ” của mỗi con người không phải do văn tự mà được. Chữ nghĩa văn tự, đối với thiền tông, đôi khi lại là pháp chướng đạo.
Sự không biết chữ của tổ Huệ Năng chỉ để nhằm làm nổi bật lên ý nghĩa “bất lập văn tự” của Thiền tông. Bởi vì Thiền tông phá bỏ kiến chấp của những người lấy văn tự làm chân lý. Nếu nương vào văn tự để đạt đến chỗ siêu tuyệt thì chẳng có ngại gì. Tổ Huệ Năng cũng nhờ nghe kinh Kim Cang mà ngộ đạo. “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật.” Đây là ý nghĩa kế thừa tư tưởng Đại Thừa. Tư tưởng ấy chính là “tất cả chúng sanh đều có tánh Phật và sẽ thành Phật”. Tổ Huệ Năng đã sớm giác ngộ được điều này và đã tự khẳng định chân giá trị của con người mình: “Người có Phân chia Nam Bắc, thân quê mùa cùng Hoà Thượng chẳng đồng, nhưng Phật tính đâu có sai khác”(Pháp bảo đàn kinh).
Tổ Huệ Năng là người Trung Quốc đầu tiên làm sáng tỏ triệt để pháp kiến tính thành Phật của Bồ đề đạt ma. Giáo sư SUZUKI nói rằng: “Huệ Năng là vị tổ có công lớn đưa Thiền tông lên tột đỉnh của pháp môn này với phương pháp trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật của lối đốn ngộ và uy danh của ngài đã làm lu mờ hẳn tên tuổi của Đạt Ma tổ sư. Do đó Huệ Năng đã trở thành linh hồn của thiền học Trung Quốc”. Kể từ Huệ Năng trở về sau Thiền tông phân hoá thành năm dòng khác nhau, nhưng đó chỉ là biểu hiện cho sự phát triển lan rộng cùng khắp và đa dạng mà thôi. Năm dòng ấy đều phát triển rực rỡ theo khuynh hướng riêng của mình. Mặc dù trải qua nhiều biến đổi quyết liệt, ở nhiều phương diện, nhưng nguyên lý và chân phong thiền vẫn sinh động không suy giảm gì mấy so với thời Lục Tổ và đó là chân tinh thần vô giá của Đông Phương nay ảnh hưởng còn thấm nhuần sâu đậm trong văn hoá nhất là giới trí thức Nhật Bản” – SUZUKI .
Tóm Lại, thiền xuất hiện rất sớm ở Ấn Độ, nhưng các phuơng thức tu tập còn bị hạn chế trong khuôn khổ phần lớn chỉ vận dụng kế thừa theo vài phương pháp cổ xưa, còn câu nệ hình thức nên chưa được phổ thông và rộng rãi. Đến khi Thiền tông được Bồ đề đạt ma truyền sang Trung Quốc, Thiền được nâng lên một cấp độ rõ rệt và làm nền tảng căn bản cho sự phát triển của thiền Trung Quốc sau này. Thiền Ấn Độ mà thực chất chưa phải là một tông phái thiền theo đúng nghĩa, nhờ du nhập vào đất Trung Quốc mới biểu hiện được sức sống của mình. Và như vậy Trung Quốc, đặc biệt là Lục Tổ (thiền sư Huệ Năng) đã làm sáng giá giáo nghĩa của thiền học, như lời nhận định của SUZUKI : “Phật giáo thiền tông Trung Quốc không còn là một sản phẩm ngoại lai, và đã được biến chế lại từ nội tâm của dân tộc này thành một sáng hoá kỳ đặc? Ấy chính vì thiền chuyển được thành một sản phẩm của đất nước mới tồn tại được vượt qua các trường phái khác”.
Thiền tông chính thức được truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản vào cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13, từ đây mới trở thành một tông phái độc lập và có ảnh hưởng sâu rộng. Tuy vậy trước đó, có rất nhiều tăng sĩ Trung Quốc đến hoằng dương giáo pháp và ở lại Nhật Bản truyền bá Thiền. Những Thiền sư Trung Quốc đầu tiên đến Nhật Bản (trong thời kỳ Nại Lương) chủ yếu là đến từ hai Thiền phái Lâm Tế và Tào Động. Nhà sư Trung Quốc thời Đại Đường là Nghĩa Không được coi là người đầu tiên truyền Thiền đến Nhật Bản. Từ rất sớm đã có rất nhiều sư Nhật Bản sang học thiền tại Trung Quốc như: Đạo Chiêu đã học Thiền với các đệ tử Tuệ Mãn của tổ thứ 2 dòng Thiền Tuệ Khả, ông đã lập Thiền viện trong chùa Nguyên Hưng và đã thu hút được rất nhiều Thiền gia Nhật Bản quy theo. Thiền Sư Đạo Duệ truyền dòng thiền phương Bắc sang Nhật Bản.
Người Nhật Bản đầu tiên tiếp xúc với Thiền một cách chọn vẹn có thể kể đến nhà sư Tối Trừng - Thiên Thai tông Nhật Bản. Ông đã sang Trung Quốc và tu tập thiền một thời gian dài và ông đã truyền về Nhật Bản một chi của Thiền tông phương Nam thuộc dòng Thiền Ngưu Đầu.
Mặc dù thiền xuất hiện sau nhưng rất được xã hội Nhật Bản hưởng ứng. Vì các tông phái cũ của Nhật Bản lúc bấy giờ đã đi vào suy thoái, chỉ lo chạy theo tư lợi và danh vọng. Nên thiền với phong cách chất phác, không trọng chùa viện nguy nga hay chữ nghĩa kinh điển, chủ trương tự lực tu tập dẫn đến giác ngộ, từ bi hỷ xả. Tất cả những đặc điểm này rất phù hợp với tinh thần võ sĩ thời đại lúc bấy giờ. Đồng thời triều đình Bắc Điều Lại cũng đang muốn xây dựng lên một tôn giáo mới, tư tưởng mới để khảng định mình và thoát ra khỏi sự ràng buộc của các tông phái cũ đã mục nát và biến chất. Nên Thiền tông đã được cả giới trí thức quan lại triều đình cũng như tầng lớp bình dân hưởng ứng và chấp nhận.