Thiền viện Thường Chiếu của Hoà thượng Thích Thanh Từ

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 75 - 78)

3. Thiề nở Việt Nam

3.4.1.Thiền viện Thường Chiếu của Hoà thượng Thích Thanh Từ

Thiền viện được đặt tên theo danh xưng thiền sư Thường Chiếu nổi tiếng thời Lý. Sư họ Phạm, quê làng Phù Ninh, từng là một bậc trượng phu quân tử có tiết tháo, không khiếp phục uy quyền, xem thường công danh sự nghiệp ở đời. Sau khi xuất gia và đắc pháp ở chùa Tịnh Quả. Sư trở thành một danh tăng lỗi lạc đương thời. Sư luôn lấy đạo cả làm trọng, tỉnh lực giác tâm là chính, sống tự tại, chết ung dung. Có thể nói, môn phong của thiền sư Thường Chiếu được các thế hệ sau phát triển rực rỡ và chuyển tiếp thành dòng thiền Trúc Lâm đời Trần tiêu biểu cho Thiền tông Việt Nam.

Thiền viện Thường Chiếu vì thế mà là phương châm, là sở nguyện của Hòa thượng ân sư đối với chư Tăng: “Phản quan tự kỷ, bổn phận sự” - luôn tự soi chiếu lại chính mình. Ðây cũng chính là cương lĩnh yếu chỉ của dòng Thiền Việt Nam cuối thế kỷ 20 này.

Thiền viện Thường Chiếu được thành lập vào những năm 1973-1974. Những năm đầu đến ngày đất nước giải phóng 30/4/1975 thiền viện còn là ngôi chùa lá, mái tôn đơn xơ. Thời gian sau đó là thời kỳ vượt khó khăn và phát triển đi lên cùng với đất nước. Việc Tu, học và lao động trở thành ba yếu tố căn bản của các thiền sinh trong thiền viện. Việc tu được cụ thể hoá như hơi thở, việc học như uống nước, việc làm như ăn cơm. Trong quá trình mở rộng, các Hoà thượng Viện trưởng cũng đã sửa đổi bản Thanh Qui Chân Không, cho ra đời bản Qui Ước áp dụng chung cho các thiền viện.

Đến nay thiền viện Thường Chiếu không ngừng mở rộng dưới sự hướng dẫn của thiền sư Thích Thanh Từ. Hoà thượng sinh ngày 24/7/1924, tại ấp Tích Khánh, làng Tích Thiện, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Vĩnh Long). Từ nhỏ, Hoà thượng là người trầm mặc, ít nói, thích đọc sách, có chí xuất trần và đặc biệt rất hiếu thảo với Cha Mẹ. Sinh thời trong thời đất nước loạn lạc, dân chúng cơ cực

khổ đau, Hòa thượng càng thấm thía, càng đau xót nỗi thống khổ của con người. Vì thế Hoà thượng luôn tâm niệm: “Nếu tôi không thể làm một viên linh đơn cứu tất cả bệnh của chúng sanh, ít ra cũng là một viên thuốc bổ giúp cho người bớt khổ”. Để thực hiện tâm nguyện này, ngày 15/7/1949, Hoà thượng chính thức xuất gia tại chùa Phật Quang. Sau mười năm đầu theo học đạo, Hòa thượng bước sang thời kỳ hóa đạo. Hòa thượng là một vị giảng sư trong Giảng sư đoàn của ban Hoằng pháp, có uy tín lớn thời bấy giờ và được sự mến mộ của Phật tử xa gần.

Lối tu mà thiền sư Thích Thanh Từ hướng dẫn là sự dung hợp cốt tuỷ lối tu của ba vị Tổ là Nhị tổ Huệ Khả, Lục tổ Huệ Năng và sơ tổ Trúc Lâm.

Nơi Nhị tổ Huệ Khả, thiền viện ứng dụng pháp an tâm. Nghĩa là biết rõ tâm suy tưởng lâu nay là hư ảo, không để nó đánh lừa, lôi dẫn chúng ta chạy theo trần cảnh, nên nói “Vọng tưởng không theo”. Mỗi khi nó dấy lên đều biết rõ như vậy. Một khi hành giả nhận diện bản chất hư ảo của chúng thì chúng tự biến mất. Khi tọa thiền cũng như lúc tiếp duyên xúc cảnh đều thấy rõ, không lầm chúng.

Với Lục tổ Huệ Năng, thiền viện đã ứng dụng sáu căn không dính mắc sáu trần làm hướng tiến tu. Ðó là câu “Bất ưng trụ sắc sinh tâm...” trong kinh Kim Cang được Ngũ tổ giảng cho Lục tổ. Nhờ trí tuệ Bát nhã soi rọi thấy rõ các pháp duyên sinh, không có chủ thể (vô ngã), không cố định (vô thường) nên tâm không nhiễm trước sắc... do đó căn, cảnh không dính mắc nhau. Căn, cảnh không dính mắc nhau là Vô Niệm, Vô Tướng, Vô Trụ, đó là chủ trương của Lục Tổ. Như vậy, nếu hành giả kiến tính như Lục tổ, luôn sống với thể tính bất sinh bất diệt của mình thì còn gì bận bịu với vọng tưởng hư dối, với sáu trần giả hợp. Ði đứng nằm ngồi không lúc nào rời tự tính chính mình. Ðược thế thì ung dung tự tại, nên nói “đói ăn khát uống”.

Ðến Sơ Tổ Trúc Lâm, trong bài kệ “Câu Có Câu Không”, đoạn thứ tư nói “Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ”, là tinh thần Bát nhã của Lục tổ. Các pháp

hư giả như nón tuyết, như đôi giày bằng hoa, tạm có rồi sẽ tan mất, mới thấy đẹp rồi sẽ héo nhàu, không có gì lâu bền. Nếu chấp giữ nó là người ngu, như kẻ “ôm cây đợi thỏ”. Toàn thể pháp đối đãi đều không thật, do phương tiện bày lập, giống như dây sắn, dây bìm, khi cắt đứt được chúng, ta mới an vui tự tại. Ðấy là tinh thần hai câu kết của bài kệ “Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích”. Vừa dấy niệm là đối đãi, vừa thốt lời là đối đãi, nếu dứt hết đối đãi thì còn niệm nào để khởi, còn lời gì để nói. Ðây là luôn sống thật với thiền.

Phần sau ở hai câu kệ “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Ðối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền”, đây cũng là sự đắc ngộ của Lục Tổ khi sư thốt lên “Ðâu ngờ tính mình vốn tự thanh tịnh”. Khi đã ngộ tính mình như hòn ngọc quí vô giá có sẵn trong nhà, còn gì phải tìm kiếm đâu xa. Thấy tính mình thanh tịnh, chẳng sinh chẳng diệt, so với thân vô thường tạm bợ và tâm vọng tưởng hư ảo thì thân tâm này còn có giá trị gì. Trong thì không chấp thân, không chấp vọng tưởng làm mình, ngoài đối cảnh đã không còn dính mắc, chính đây là chủ yếu của Thiền tông, cũng là cội nguồn của Phật pháp. Ở đây tăng sinh thiền viện luôn lấy “Ðối cảnh không tâm” làm tiêu chuẩn tu hành. “Không tâm” là không tâm vọng tưởng chạy đuổi theo ngoại trần, chứ chẳng phải “không tâm” là vô tri vô giác như cây gỗ. “Không tâm” hư ảo sinh diệt mà vẫn có tâm luôn thức tỉnh, không sinh không diệt. Ðây là chỗ giải thoát sinh tử của người tu Phật.

Có thể cô đọng phép tu mà thiền viện Thường Chiếu hướng dẫn thiền sinh thực tâp như sau:

Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.

Ðối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.

Luôn luôn sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.

Tuỳ theo căn cơ và trình độ nhanh chậm, cao thấp mà mỗi thiền sinh có thể áp dụng một cách riêng cho đường lối tu tập thiền của mình.

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 75 - 78)