Đạo Phật Nam truyền.

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 36 - 38)

1. Sự lan toả của Phật giáo Ấn Độ vào các nước Phương Đông: Bắc truyền và Nam truyền.

1.2.Đạo Phật Nam truyền.

Đạo Phật được truyền theo hướng Nam là Đạo Phật của phái Thượng Toạ Bộ (Theravada) là Phật giáo Nguyên thuỷ hay Phật giáo Nam tông, truyền đến các nước như: Xri Lanca, Mianma, Thái Lan, Camphuchia, Lào, Inđônêxia.

Phật giáo truyền vào Xri Lanca.

Phật giáo được truyền từ Ấn Độ vào nước này từ thế kỷ thứ 3 TCN dưới thời vua Asoka do hai con trai đức vua là Ma hi đà và Tăng già mật đa. Trong thời gian dài phát triển, nhiều tông phái Phật giáo khác được hình thành và gây nhiều tranh cãi. Song Phật giáo của phái Thượng Toạ Bộ vẫn có tầm ảnh hưởng hơn cả. Trong đó phải kể đến tăng nhân Ấn Độ là Phật Âm, là người đã chú thích văn Tăng già la của Tam Tạng Phật giáo Thượng Toạ Bộ, viết thành văn Pali, và biên soạn “Thanh Tịnh Đạo Luận” hệ thống lại những giáo lý cơ bản của Đạo Phật. Trong lịch sử phát triển do nạn ngoại xâm mà Đạo Phật tại Xri Lanca có thời được thịnh hành có thời lại rơi vào trạng thái vô cùng tiêu điều.

Đến thế kỉ thứ 16, người Bồ Đào Nha vào Xri Lanca và tìm cách du nhập Đạo Thiên Chúa. Đến thế kỉ thứ 17, người Hà Lan lại ủng hộ việc khôi phục Đạo Phật tại Xri Lanca. Kể từ khi Xri Lanca giành lại nền độc lập năm 1948, Đạo Phật luôn luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội. Hiện nay ở Xri Lanca có khoảng 70% số dân là giới Tăng-già-la mà trong giới này các môn đồ đạo Phật chiếm 94%.

Phật giáo truyền vào Mianma.

Truyền thuyết cho rằng Mianma đã tiếp cận với Đạo Phật trong thời Asoka, thế kỉ thứ 3 TCN. Theo một thuyết khác, đạo Phật đã đến Mianma trong thời đức Phật còn tại thế, do hai thương nhân từ Ấn Độ mang tới. Những vị này mang theo cả tóc Phật, ngày nay được giữ trong đền Shwe-Dagon tại Yangon. Đến thế kỷ thứ 5, Phật giáo phát triển rực rỡ với sự có mặt của Thượng Toạ Bộ

và Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Kể từ thế kỉ thứ 7, hai phái Tiểu Thừa và Đại Thừa song hành tại Mianma, sau đó Mật tông cũng bắt đầu có ảnh hưởng. Thế kỉ thứ 11, nhà vua A na ra tha thuộc Vương triều Pagan tuyên bố chỉ chấp nhận Thượng Toạ Bộ và từ đó, Đại Thừa và các tông phái khác không còn thịnh hành. Tại Mianma, Pagan ở miền Bắc trở thành trung tâm Phật giáo. Phật giáo Mianma liên hệ chặt chẽ với Phật giáo Xri Lanca. Thế kỉ thứ 15, vua Đạt ma tất đề thuộc Vương triều Pegu lại xác định lần nữa rằng Phật giáo Mianma mang nặng quan điểm của Thượng Toạ Bộ. Sự có mặt của người Anh trong thế kỉ thứ 19 làm xáo trộn Phật giáo Mianma đáng kể. Mãi đến lúc giành lại độc lập năm 1947, Mianma mới trở lại cơ chế cũ. Năm 1956 tại Rangun có một cuộc kết tập kinh điển quan trọng. Đại hội kết tập đã tiến hành hiệu đính lại Tam Tạng một cách chặt chẽ bằng văn Pali, biên soạn thành Tam Tạng Pali mới. Ngày nay, 85% dân Mianma là Phật tử và Đạo Phật được xem là quốc giáo.

Phật giáo truyền vào Thái Lan

Người ta biết rất ít việc Đạo Phật được truyền bá đến Thái Lan. Kết quả khảo cổ cho thấy Phật giáo đến Thái Lan khoảng thế kỉ thứ 6 từ Mianma. Ban đầu giáo lí Tiểu Thừa có ảnh hưởng rộng rãi. Khoảng giữa thế kỉ thứ 8 và 13, Đại Thừa được truyền bá rộng hơn. Theo truyền thuyết thì giữa thế kỷ thứ 13, người Thái ở vùng Vân Nam Trung Quốc di cư về phía Nam và xây dựng nhà nước bộ tộc độc lập ở vùng Xụ khổ Thay ở thượng lưu sông Mê Nam, tộc người này đã chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc cũng như tín ngưỡng Phật giáo Đại Thừa. Khi vua Ram Khăm Hẻng lên thống trị thuộc đời thứ ba đã liên minh với Nam Mianma, từ mối bang giao này mà Phật giáo Tiểu Thừa Nam Mianma bắt đầu truyền vào Thái Lan. Giữa thế kỉ thứ 11 và 14, ảnh hưởng của Ấn Độ giáo bắt đầu phát triển. Trong thế kỉ 13, hoàng gia Thái Lan chính thức công nhận Thượng Toạ Bộ và mối liên hệ với Xri Lanca trong thời kì này càng làm cho bộ phái này phát triển thêm rộng rãi.

Sau khi xây dựng Vương triều Băng Cốc, năm 1788 vua Rama I đã từng triệu tập hội nghị Phật giáo, mời 260 vị cao tăng tới hiệu đính Tam Tạng và biên soạn Từ điển tiếng Pali. Vua Chụ La Lông Con - trị vì từ 1868 đến 1910 – đã cho xuất bản các Tạng kinh quan trọng của Đạo Phật, có thể gọi là đầy đủ nhất từ trước đến nay. Ngày nay, Đạo Phật là quốc giáo của Thái Lan và 95% dân số theo Đạo Phật.

Phật giáo truyền vào Campuchia.

Phật giáo được du nhập vào Campuchia trong thế kỉ thứ 3 SCN, (theo ghi chép của văn hệ Phạn ngữ của trường phái Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ) và đạt được đỉnh cao khoảng thế kỉ thứ 5, thứ 6. Năm 791, người ta tìm thấy gần đền Đế Thiên Đế Thích (Angkor Wat) một văn bản chứng tỏ rằng Phật giáo Đại Thừa đã có mặt nơi đây song song với việc thờ thần Thấp Bà (thần Siva). Như vậy là thời kỳ đầu có sự pha trộn giữa Thần giáo Siva và Đạo Phật tại Campuchia. Sự hỗn hợp này có lẽ bắt nguồn từ việc thờ cúng Bồ Tát Quán Thế Âm, mà Thấp Bà được xem là một hoá thân. Mọi nhà vua của Campuchia cũng đều được xem là hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Sau một thời gian thì yếu tố thần Thấp Bà hầu như bị mất đi, nhưng đến thế kỉ thứ 13, người ta lại tôn thờ thần Thấp Bà và tăng già Phật giáo bị bức hại. Theo các Cao tăng Trung Quốc thì trong thời gian này, Thượng Toạ Bộ được phát triển trong lúc Đại Thừa bị lu mờ. Một số văn bản bằng văn hệ Pali ghi năm 1309 chứng minh rằng Thượng Toạ Bộ được hoàng gia công nhận và kể từ đó là giáo phái chính thống của Campuchia. Mãi đến cuối thế kỉ thứ 19, Phật giáo truyền từ Thái Lan mới bắt đầu có ảnh hưởng. Hiện nay tăng đoàn Phật giáo Campuchia phân thành hai tông phái: Phái Đại Tông (tăng nhân chiếm 90% tăng nhân toàn quốc); Phái Pháp Tông (tăng nhân phái này chủ yếu là giới quý tộc được thượng tầng xã hội ủng hộ).

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 36 - 38)