2. Cội nguồn của các thiền phái ở Việt Nam
2.1.1. Lịch sử ra đời và phát triển
Được sáng lập trong thời kì Phật pháp đang là đối tượng tranh cãi của các tông phái. Để đối lại khuynh hướng “triết lí hoá”, phân tích chi li Phật giáo của các tông khác, các vị thiền sư bèn đặt tên cho tông mình là “Thiền” để nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp toạ thiền trực ngộ yếu chỉ. Thiền tông
quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh mẽ mọi nghi thức tôn giáo và mọi lí luận về giáo pháp.
Đầu thế kỉ thứ 6, Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Quốc và được xem là Sơ tổ đầu tiên của Thiền tông tại đây. Sáu vị Tổ Thiền tông Trung Quốc là: Bồ đề đạt ma (470-543), Huệ Khả (487-593), Tăng Xán (?-606), Đạo Tín (580-651),
Hoằng Nhẫn (601-674), Huệ Năng (638-713).
Lịch sử Thiền tông đã ghi chép rất rõ về sự truyền thừa Thiền tông ở Trung Hoa như sau:
2.1.1.1. Bồ đề đạt ma, sơ Tổ của Thiền tông Trung Quốc
Sau khi thiền sư Bát nhã đa la, vị Tổ 27 của Thiền tông ở Ấn Ðộ, ấn chứng cho làm Tổ thứ 28, Bồ đề đạt ma ở lại Ấn Ðộ ít lâu, rồi vâng lời phú chúc của sư phụ, Sư sang Trung Quốc truyền đạo.
Bồ đề đạt ma đến Trung Quốc năm 520, vào đời nhà vua Lương Võ Ðế trị vì. Sau khi truyền đạo cho Lương Vũ Đế không thành, Bồ đề đạt ma đến Lạc Dương, lên chùa Thiếu Lâm trên rặng Trung Sơn phía Bắc Trung Quốc (đất Nguỵ). Suốt chín năm Bồ đề đạt ma tu thiền định quay mặt vào vách không nói. Sau này cũng tại đây Bồ đề đạt ma đã truyền tâm ấn cho Tuệ Khả và dòng thiền Trung Quốc được phát triển nối tiếp.
Để làm kim chỉ nam cho người tu thiền đời sau, Bồ đề đạt ma còn truyền lại bộ kinh Lăng Già gồm 4 quyển, rất có giá trị. Sư coi đây là đường vào tâm giới, giúp chúng sinh mở được cửa kho tri kiến của Phật.
Ngoài ra Bồ đề đạt ma được coi là tổ sư, người sáng lập phái võ Thiếu Lâm, sáng tạo ra quyền pháp Thiếu Lâm thập bát La Hán quyền, Tẩy Tủy kinh, Dịch Cân kinh.