Đặc điểm của thiền Lâm Tế và Tào Động

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 51 - 55)

2. Cội nguồn của các thiền phái ở Việt Nam

2.2.4. Đặc điểm của thiền Lâm Tế và Tào Động

Cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13, hai tông phái này đã được truyền vào Nhật Bản, cho đến nay vẫn sinh động và còn ảnh hưởng lớn trong xã hội hiện đại của Nhật Bản là hai tông phái thiền căn bản tại nước này.

Thiền Lâm Tế coi trọng việc sử dụng công án để đạt ngộ thiền, còn thiền Tào Động lại chủ trương ngồi thiền trong tĩnh lặng “Toạ thiền”. Do phong cách và chủ trương khác nhau nên lĩnh vực ảnh hưởng đối với xã hội Nhật Bản của hai tông phái này cũng rất khác nhau. Thiền Lâm Tế có ảnh hưởng và thích ứng với giới thượng lưu trí thức, được các nhà cầm quyền giới quý tộc bảo trợ và phái thiền này tập trung chủ yếu ở thủ đô và các thành phố lớn. Sự phát triển của

dòng này có quan hệ với triều đình và vũ gia ở Kinh đô và Liêm Thương. Còn thiền Tào Động lại gần gũi với tầng lớp bình dân nên phái này được thịnh hành ở các miền quê, được truyền bá cho những người có vai vế ở địa phương và nhân dân địa phương.

Trải qua nhiều thế hệ, Tào Động và Lâm Tế là phái thiền chính và mẫu mực là hai phong cách khác nhau, có cung cách tu tập khác nhau, đến nay vẫn tồn tại và phát triển.

* Phép tu tập của thiền phái Tào Động

Pháp môn thiền của Tào Động giản dị, cụ thể và ưa “minh bạch”. Lối tu tập thiền của Tào Động chính là phép toạ thiền. Thiền sư Đạo Nguyên luôn nhắc nhở các đệ tử của mình trong việc tu hành, và dạy phép toạ thiền là quan trọng nhất. Để phân biệt sự khác biệt giữa toạ thiền của Tào Động và các phái thiền khác, Sư đã gọi toạ thiền của mình là Shikantaza (just sitting) nghĩa là chỉ ngồi, được dịch ra tiếng Việt là chỉ có tọa thiền. Im lặng toạ thiền (mặc chiếu thiền) là đặc trưng của thiền Tào Động, “mặc” có nghĩa là yên lặng, “chiếu” có nghĩa là giác ngộ. Giải thích rõ thêm về lối thiền im lặng dẫn đến giác ngộ thiền sư Đạo Nguyên đã nhấn mạnh: trong pháp toạ thiền Tào Động, người tu thiền phải thấy rõ việc tu tập và giác ngộ là một. Không phải là tu tập để được giác ngộ, mà giữa tu tập và giác ngộ không có sự chuyển giai đoạn. Chính vì quan niệm này mà thiền Tào Động Nhật Bản đặt trọng tâm vào toạ thiền.

Tinh thần toạ thiền của thiền Tào Động rất sâu sắc và uyên thâm. Thiền là quán tâm, nhưng pháp quán tâm của thiền Tào Động là thuận theo bản chất của tâm, tôn trọng sự tự nhiên như nó là nó vậy. Theo quan niệm của các thiền sư Tào Động, con người là sinh vật có bộ óc, nên khi toạ thiền những ý nghĩ sinh rồi diệt chỉ là điều rất tự nhiên của hoạt động bộ óc chúng ta. Thiền sư Sekkei Harada (1926- ?), trụ trì thiền viện Hosshinji, trong cuốn: "The essence of Zen" viết: "Không can thiệp vào sự hoạt động của tâm" có nghĩa là để cho những cảm xúc hư huyễn, những vọng tưởng, những quan niệm về tốt và xấu, đúng và sai

… tự chúng trôi chảy tự nhiên. Đừng can thiệp vào những ý nghĩ vì chúng chỉ là sự hoạt động tự nhiên của tâm (bộ óc). Dùng ý chí để chặn đứng những hoạt động tự nhiên của tâm, tức là cố tình dập tắt kìm chế những suy nghĩ được sinh ra trong khi ta toạ thiền, hay ta mải mê chạy theo những suy nghĩ khởi lên tuyệt đối không phải là phép tu toạ thiền mà thiền sư Đạo Nguyên truyền dạy. Toạ thiền của phái Tào Động là thiền giả không chạy theo tâm (những suy nghĩ khởi lên) và cũng không dụng ý dẹp bỏ chúng, cứ để chúng tự do nổi lên và tự do tan biến. Và khi đó thiền giả nhìn tất cả sự vật hiện tượng như quang cảnh về thực tại của đời sống.

Như vậy, quán tâm trong tĩnh lặng, cứ để những suy nghĩ ý niệm tự do khởi lên lăng xăng rồi tan biến, coi đó là quang cảnh thực tại của cuộc sống, tôn trọng bản chất tự nhiên của tâm, chính là cốt lõi của phương pháp tu tập của thiền Tào Động. Tinh thần thật giản dị mà trong sáng và sâu sắc.

* Phép tu tập của thiền phái Lâm Tế

Nếu như phái thiền Tào Động chú trọng phép tu “mặc chiếu thiền”, thì phái Lâm Tế lại nhấn mạnh phép tu tập theo lối công án để đạt đến giác ngộ. “Công án” là cách phát âm chữ Trung Quốc kung-an, nghĩa là “bức công văn đặt lên trên án thư”. Trong Thiền tông thì công án được hiểu là một đối thoại hay một biến cố nào đó xảy ra giữa thiền sư và đệ tử của ngài, và công án đã trở thành một câu chuyện thiền, một vấn đề thiền. Pháp tu tham công án là tập trung suy nghiệm cố giải thích một vấn đề thiền, đưa ra bản chất của thiền, thiền giả đặt hết tâm trí vào đó nhằm tìm ra chiết khúc bên trong. Những câu đối đáp hay câu hỏi thường không có một luật logic nào hết nhằm phá bỏ các chấp trước nảy sinh trong dòng suy tư của thiền giả. Khi giải quyết được thoại đầu hay công án này thì thiền giả có thể giác ngộ. Thường chỉ khi nào thiền giả đã đạt đến mức giữ được tâm ý không động loạn thì mới dùng đến phương tiện này. Trong phép tu thiền theo lối công án này, vai trò chỉ dẫn của vị thầy là thiền sư đã đắc đạo đặc biệt quan trọng và không thể thiếu. Người đệ tử được thầy đưa ra một công

án, từ đó phải trú tâm suy nghĩ không ngừng nghỉ vào công án đó, đây cũng chính là thiền. Vì thiền là trú tâm vào một đối tượng nào đó và tìm ra bản chất của nó, nhìn thấy thế giới như nó là.

Tuy vậy, việc coi trọng phép tu toạ thiền trong tĩnh lặng hay tu tập công án mà các thiền sư thuộc hai phái Tào Động và Lâm Tế Nhật Bản không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn cái kia. Nhấn mạnh như vậy là sự lựa chọn cho phép tu tập tinh tiến nhất của phái mình, bên cạnh đó các thiền sư Tào Động cũng không hề từ chối phép tu tham quán công án, cũng như các thiền sư phái Lâm Tế không hề phủ nhận tầm quan trọng của việc toạ thiền.

Bạch Ẩn Huệ Hạc (1686-1769) là một trong những thiền sư quan trọng nhất của tông Lâm Tế đã có công phục hưng, cải cách phái thiền này tại Nhật Bản đã viết:

"... Đừng hiểu sai ta và cho rằng cần dẹp bỏ toạ thiền và tìm một hoạt động nào đó. Điều đáng quý nhất chính là phép quán công án, phép này không cần quan tâm đến việc các ông đang yên tĩnh hay đang hoạt động. Thiền sinh nếu quán công án khi đi không biết mình đi, khi ngồi không biết mình ngồi. Nhằm đạt đến chiều sâu nhất của tâm và chứng ngộ cái sống thật sự của nó thì trong mọi tình huống không có cách nào khác hơn là đạt một tự tâm lắng đọng sâu xa ngay trong những hoạt động của mình."

Có thể nói rằng, cả ba phái thiền trên đã phát triển và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ ở Nhật Bản. Cái phong cách thiền giản dị anh hùng mã thượng coi sống chết như nhau, từ bi cần kiệm và chất phác đồng điệu với khí tiết võ sĩ đạo Nhật Bản: trung hiếu, vũ dũng, từ bi, lễ nhượng, cần kiệm, trọng danh phận… đã tạo nên nét riêng biệt của văn hoá Nhật Bản. Thiền bao trùm và ảnh hưởng sâu rộng đến hội hoạ, bút thiếp, thơ phú, võ thuật, nghệ thuật làm vườn, kiến trúc… Thiền đã ngấm vào trong nếp sống hàng ngày của người Nhật Bản, tâm thiền đã đi vào hoa, vào trà, vào nếp nghĩ hàng ngày của người dân và cuối cùng nó được nâng lên thành Đạo, có trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo.

Như vậy, Thiền tông đã được truyền đến Trung Quốc từ cuối thế kỷ thứ 5 và đến đầu thế kỷ thứ 8 với Lục Tổ Tuệ Năng, thiền đã phát triển mạnh mẽ, giai đoạn này kéo dài đến thế kỷ thứ 10. Theo Thiền sư Koun Yamada thì từ sau thế kỷ thứ 14 Thiền tông tại Trung Quốc coi như bắt đầu suy giảm, vì "các thiền tăng chỉ chú ý vào kinh kệ và niệm danh Phật" (trích: Gateless Gate). Cũng theo cuốn "Original Teachings of Ch'an Buddhism" của Chang Chung Yuan thì Thiền tông tại Trung Quốc coi như rất yếu kể từ thế kỷ thứ 13, sau đó nhờ Nhật Bản mà Thiền tông phát triển mạnh cho đến ngày nay. Có người ví hạt giống Thiền tông được mang từ Ấn Ðộ qua Trung Quốc mọc thành cây tốt đẹp, nhưng cây đó đã nở hoa và sinh trái tại Nhật.

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w