3. Thiề nở Việt Nam
3.1.2. Thiền phái Vô Ngôn Thông
Hơn 200 năm sau khi Thiền phái Trung Quốc đầu tiên được truyền vào Việt Nam, thì năm 820, Vô Ngôn Thông truyền thiền phái thứ hai vào Việt Nam.
Vô Ngôn Thông họ Trịnh, quê ở Quảng Châu. Sư tính tình điềm đạm ít nói, nhưng rất thông minh học rộng nên được gọi là Vô Ngôn Thông. Sư là đệ tử của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải – người khai sáng 2 phái thiền lớn ở Trung Quốc là thiền Qui Ngưỡng và thiền Lâm Tế. Sau khi rời Bách Trượng xuống
núi, Sư đến trụ trì chùa Hoà An. Năm 820, Sư đến Việt Nam ở chùa Kiến Sơ (do thiền sư Lập Đức trụ trì), làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay. Ở đây nhiều năm liền Sư chỉ quay mặt vào vách toạ thiền và không ai biết tông tích của Sư. Vị trù trì thầm biết Sư là cao tăng đắc đạo nên rất cảm phục và hết lòng săn sóc hầu hạ Sư. Vì thế thiền sư Vô Ngôn Thông đổi tên hiệu vị trụ trì là Cảm Thành.
Trước khi viên tịch thiền sư Vô Ngôn Thông cho gọi sư Cảm Thành vào truyền trao tâm ấn và căn dặn Sư qua bài Kệ dịch nghĩa là: Hết thảy các pháp, đều tự tâm sinh; tâm nếu không sinh, pháp không chỗ trú. Nếu hiểu được vấn đề ấy thì làm việc gì cũng không trở ngại, cái tâm pháp ấy nếu không gặp được bậc tâm căn, chớ nên truyền bậy. Sư tịch năm 826, và thiền sư Cảm Thành trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Vô Ngôn Thông.
Sự truyền trao thiền pháp trong phái Vô Ngôn Thông diễn ra liên tục được 17 đời (theo Trần Văn Giáp có 16 đời). Sơ tổ là thiền sư Vô Ngôn Thông (mất năm826); đời thứ 2: Cảm Thành (mất năm 860); Đời thứ 3: Thiện Hội (mất năm 900); đời thứ 4: Vân Phong (mất năm 959); Đời thứ 5: Khuông Việt Chân Lưu (mất năm 1011) và 1 vị khuyết tên; Đời thứ 6: Đa Bảo và 1 vị khuyết tên; Đời thứ 7: Định Hương (mất năm 1051), Thiền Lão và 1 vị khuyết tên; Đời thứ 8: Viên Chiếu (mất năm 1090), Cứu Chỉ (mất 1067), Bảo Tính (mất năm 1034), Minh Tâm (mất năm 1034), Quảng Trí (mất năm 1090), Lý Thái Tông (mất năm 1028) và 1 vị khuyết tên; Đời thứ 9: Thông Biên (mất năm 1134), Mãn Giác (mất năm 1096), Ngộ Ấn (mất năm 1088) và 3 vị khuyết tên; Đời thứ 10: Đạo Huệ (mất năm 1172), Biện Tài, Bảo Giám (mất năm 1173), Không Lộ (mất năm 1141), Bản Tịnh (mất năm 1177) và 3 vị khuyết tên; Đời thứ 11: Minh Trí (mất năm 1190), Tín Học (mất năm 1190), Tịnh Không (mất năm 1170), Đại Xả (mất năm 1180), Tĩnh Lực (mất năm 1175), Trí Bảo (mất năm 1193), Trường Nguyên (mất năm 1165), Tịnh Giới (mất năm 1207), Giác Hải, Nguyện Học (mất năm 1174) và 3 vị khuyết tên; Đời thứ 12: Quảng Nghiêm (mất năm 1190) và 8 vị
khuyết tên; Đời thứ 13: Thường Chiếu (mất năm 1203) và 6 vị khuyết tên; Đời thứ 14: Thông Thiền (mất năm 1228), Thần Nghi (mất năm 1216) và 3 vị khuyết tên; Đời thứ 15: Tức Lự, Hiện Quang (mất năm 1221), Ẩn Không, và 2 vị khuyết tên; Đời thứ 16: Ứng Vương, Đạo Viên và 5 vị khuyết tên; Đời thứ 17: Tiêu Diêu, Giới Minh, Giới Viên, Nhất Tông Quốc Sư.
Tư tưởng của phái Vô Ngôn Thông theo đúng tư tưởng của dòng thiền Huệ Năng, chủ trương tu thiền đốn ngộ do ảnh hưởng của Vô Ngôn Thông với thiền sư Bách Trượng. Tư tưởng ấy được thể hiện ngay trong câu trả lời của thiền sư Bách Trượng với một vị tăng, chính vì câu trả lời ấy mà thiền sư Vô Ngôn Thông đốn ngộ. Vị tăng hỏi thiền sư Bách Trượng:
Thế nào là pháp môn đốn ngộ của phái Ðại thừa? Bách Trượng thiền sư dạy rằng:
Tâm địa nhược thông, huệ nhật tự chiếu (nếu tâm địa được thông thì mặt trời tuệ tự nhiên chiếu sáng).
Như vậy nội dung thiền học của Bách Trượng thiền sư là con người phải đạt đến cảnh giới tâm hoàn toàn vắng lặng, không còn phiền não, phân biệt thức, tức thì trí tuệ sẵn có trong con người sẽ được bừng sáng. Tư tưởng thiền học của phái Vô Ngôn Thông không nằm ngoài ý nghĩa trên, đây là tư tưởng thiền đốn ngộ của phương Nam Trung Quốc. Chúng ta càng thấy rõ hơn phương pháp đạt ngộ của pháp thiền Vô Ngôn Thông qua lời căn dặn đệ tử của Sư trước khi thị tịch: chú trọng đến pháp tâm, tất thảy đều sinh ra từ tâm. Để đạt ngộ, thiền giả hãy tự cầu ở mình, quay vào tìm hướng từ trong tâm mình mà không cầu ở bên ngoài. Đây cũng chính là nguyên tắc Vô đắc của thiền phái Vô Ngôn Thông. Vô
đắc tức là không có đối tượng của sự giác ngộ. Trước hết nó có nghĩa là sự giác
ngộ không thể do một ai khác trao truyền cho mình, mà mình phải tự đạt đến. Thực chất của sự trao truyền tâm ấn là sự trao truyền không-trao-truyền: không có người trao truyền, không có người tiếp nhận sự trao truyền và cũng không có vật thể là đối tượng để trao và nhận. Tất cả quá trình ấy là từ tâm của mỗi chúng
ta. Trong phương pháp thiền quán nguyên tắc vô đắc là hành giả không chạy theo một đối tượng nào đó mà được gọi là giác ngộ. Trong thiền quán không tồn tại chủ thể và đối tượng thiền quán, chủ thể và đối tượng là một, sự giác ngộ đã có sẵn trong tâm chúng ta. Nếu thiền giả vẫn mải miết đi tìm sự giác ngộ bên ngoài tức là còn luẩn quẩn trong thế giới nhị nguyên. Vì bản chất của giác ngộ là không có cá tính độc lập (không), không có hình thể để nhận biết (vô tướng), không thể theo đuổi và nắm bắt (vô tác)-ba đặc tính này của giác ngộ được gọi là ba cánh cửa giải thoát trong đạo Phật.
Trong phương pháp thiền, phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh pháp thiền thoại đầu. Qua những thoại đầu ngắn gọn bằng những hình ảnh trực quan, thiền sư cố đưa đệ tử của mình trở về với thế giới thực tại. Dùng thoại đầu là công cụ để tháo gỡ sự đạt ngộ mà không phải là những giải thích về đạt ngộ, thúc đẩy thiền giả nhanh đạt đến giác ngộ.
Nếu như phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng của thiền Ấn Độ, thì thiền phái Vô Ngôn Thông lại mang đậm sắc thái thiền Trung Quốc. Sự ảnh hưởng này được thể hiện trong lối tổ chức tu viện. Chính Vô Ngôn Thông đã đem những thanh quy của thiền do Bách Trượng sáng tác cho tu viện của mình áp dụng vào sinh hoạt thiền viện Việt Nam. Đặc trưng của thiền Trung Quốc còn được thể hiện trong việc sử dụng thoại đầu, chủ trương đốn ngộ và vô đắc vốn rất gần gũi với giáo lý thiền phái Nam Phương ở Trung Quốc. Tuy nhiên cả hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đều có sự biến đổi linh hoạt, không quá thiên về thần bí hoặc trầm tư mặc tưởng mà rất gần gũi với đời sống xã hội, mang tinh thần nhập thế cao trong khi vẫn duy trì được sinh hoạt tâm linh độc lập của mình.