Thiền tự bản tính không phải là một triết học, mà là một kinh nghiệm trực tiếp mà ta phải thâm nhập bằng cả con người mình, mục tiêu đầu tiên là nhằm để đạt đến và thể hiện kinh nghiệm Thiền. Để thể hiện được cái kinh nghiệm tối thượng này hay nói cách khác là “Ngộ” chúng ta phải nỗ lực hết mình bằng cách nghiên cứu và tu tập thực sự, hoặc là ta phải tu tập với một Thiền sư đã đắc pháp. Chính vì đặc trưng bản chất này của Thiền mà không phải ai cũng có thể đạt được kinh nghiệm “Ngộ” Thiền.
Mục tiêu của Thiền như chúng ta đã đề cập ở mục 3 Mục tiêu của Thiền. Chương 1 chính là sự “Giác ngộ”. Trong Phật giáo theo lời Đức Phật dạy có 8 vạn 4 ngàn pháp môn tu tập, mỗi người chúng ta tùy theo căn cơ phù hợp với pháp môn nào nên theo pháp môn ấy, điều cần nhất là phải tinh tiến chuyên cần, giờ giấc công phu không nên trễ nải. "Tu nhất kiếp, ngộ nhất thời" (Thiền) chỉ có thể dành cho những người có căn cơ, họ là những bậc xuất gia hay những vị vào trong thâm sâu cùng cốc tu hành mà hạ thủ công phu tu trong 5 năm, 10
năm chúng ta sẽ thấy những gì mà chúng ta đã đạt được. Phật dạy sự tu là tuỳ ở tâm mỗi người, mỗi người hãy tự dựa vào chính mình mà tìm cầu đến cõi “Giác ngộ”.
Ở phương Đông, đa số những người học Thiền là những tu sĩ đã hiến trọn đời mình để tham Thiền. Họ chỉ có mục đích duy nhất là: Giác ngộ; họ chỉ có công việc độc nhất trên đời là: tu tập Thiền; cuộc sống mà họ chọn là cuộc sống: giản dị, giới hạnh. Và lối tu học Thiền của họ chính là: sống và tu tập với các bậc thầy trong một thời gian rất lâu. Trong những điều kiện và hoàn cảnh này ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào họ cũng thấy Thiền, nghe Thiền, nếm Thiền và thậm chí cả ngửi Thiền nữa.
Ngày này Thiền với bản chất là đi thẳng đến tâm, con đường ngắn nhất để đạt được giác ngộ (mà nghĩa giác ngộ ở đây đã được mở rộng, không còn là một cõi niết bàn, mà là một trạng thái đạt đến giới, định, tuệ - diệt mọi nguyên nhân dẫn đến khổ đau, chứng ngộ được bản chất vô ngã, vô thường của vạn vật từ đó sống với thế giới, cảm thọ nó như là nó) đã được nhiều học giả những người có kiến thức uyên thâm đang sống và làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau thực tập để mong đạt được cảnh giới Giác ngộ. Các học giả trí thức trong quá trình thực tiễn nghiên cứu chứng nghiệm đã chọn Thiền để tu tập hàng ngày.
Mặt khác, về mặt y học, phương pháp Thiền ngày nay được áp dụng hữu ích cho những người còn trẻ cho đến khoảng 50 tuổi, bởi vì độ tuổi này thân thể còn khoẻ mạnh, trí óc minh mẫn dễ định tâm, ngồi Thiền phải tu tập hàng ngày, mỗi thời phải từ 30 phút trở lên đến một hoặc hai giờ, người lớn tuổi sẽ bị chân đau, lưng mỏi, do đó khó mà tu tập.
Vậy những ai có thể tu tập được Thiền, đó phải là những người có căn cơ, có lòng kiên định tự bản thân trải nghiệm, tu tập kiên trì theo từng cảnh giới Thiền để đạt được cõi “Giác ngộ”. Đó thường là những nhà tu hành, hoặc những vị Cư sĩ ở ẩn tu hành chứng ngộ. Những học giả trí thức tự họ nghiên cứu và kiên trì tham Thiền hàng ngày trong cuộc sống. Ta có thể nói đây là hiện tượng
“sống Thiền”, họ áp dụng Thiền ở mọi lúc mọi nơi trong văn phòng làm việc, phòng ăn, trên xe buýt… tất cả trong từng giây phút sống hàng ngày.
Tuy nhiên, vì Thiền có nhiều cấp bậc khác nhau, nên nhóm đối tượng của Thiền cũng được chia thành nhiều cấp bậc khác nhau tương ứng với cấp bậc Thiền mà họ đắc ngộ. Chúng ta có những cấp thiền sau:
Như Lai Tối thượng thừa thiền: là thứ Thiền Đức Phật truyền dậy. Ðây là phép thiền cao siêu hơn tất cả các phép thiền mà đức Như Lai đã ứng dụng.
Xuất thế gian thượng thượng thiền hay còn gọi là Đại thừa thiền: Là thứ
thiền cao siêu, đạt đại viên mãn. Pháp thiền này chỉ dành riêng cho những người thượng căn rất thông minh và lanh lợi tu. Những bậc Ðại thừa Bồ Tát đã nhiều đời, nhiều kiếp tu hành, phá hết các phiền não thô trược, chỉ còn vi tế vô minh, nếu kiếp này gặp được minh sư chỉ giáo cho phép tu Ðại thừa thiền này thì sẽ được tỏ ngộ. Yếu tố căn bản của Ðại thừa thiền là trí tuệ. Thiền giả phải lấy trí tuệ để tự quan sát tâm tính. Nếu thiếu trí tuệ, thiền giả khó được kết quả khi tu theo Ðại thừa thiền.
Xuất thế gian thiền hay còn được gọi là Nhị Thừa hoặc Tiểu thừa thiền: người tu theo các loại thiền này có thể vượt ra ngoài thế gian, thoát được sanh tử luân hồi. Thiền giả cũng phải là những người có căn cơ cao, quyết tâm và kiên nhẫn thực hành Thiền thì mới có thể đạt được sự giác ngộ vượt ra ngoài thế gian.
Thế gian thiền: (hay còn được gọi là phàm phu thiền) các pháp thiền này chưa thể đưa hành giả ra ngoài tam giới, chưa chứng được thánh quả, mà vẫn còn quanh quẩn trong vòng phàm phu hay thế gian. Các pháp thiền như Tứ thiền, Tứ không.v.v...đều thuộc phàm phu thiền.
Như vậy đối tượng của Như Lai Thiền, Xuất thế gian thượng thượng Thiền, Xuất thế gian Thiền là Đức Phật, những vị Bồ Tát nhiều kiếp tu hành và các bậc đại thiền sư. Thế gian Thiền với nhiều hình thức thiền đơn giản khác
nhau và mục tiêu khác nhau có thể phù hợp với đại đa số chúng tuỳ theo căn cơ và sự lựa chọn của mỗi người.
Hiện nay đại đa số quần chúng đã chọn cho mình cách tu tập để đạt được sự an lạc trong tâm đó là tụng kinh, niệm Phật. Chúng ta dễ dàng thấy ở một số chùa lớn ở nước ta nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh vào ngày nghỉ cuối tuần và các dịp lễ lớn rất nhiều Phật tử là những cụ bà thường đến chùa nghe giảng kinh và đạo pháp rồi tụng kinh niệm Phật. Đây cũng có thể gọi là một hình thức thiền, vì thiền chính là đình chỉ những tư tưởng khác để chuyên chú vào một cảnh. Khi tụng kinh niệm Phật, tâm của Phật tử hướng đến Đức Phật, cũng chính là hướng đến những hạnh quả của Ngài. Từ sự trú tâm đó, Phật tử nguyện thanh lọc tâm mình, sống tốt, xây dựng những hạnh lành. Ngày này, có rất nhiều Phật tử đã lập bàn thờ Phật tại gia đình và hàng ngày vào mỗi sáng sớm hoặc đêm tối trước khi ngủ (tuỳ vào điều kiện thời gian của mỗi người) họ đều lễ Phật và tụng kinh gõ mõ quy hướng Phật.
CHƯƠNG 2. THIỀN PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM