Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Ch

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 56 - 59)

3. Thiề nở Việt Nam

3.1.1. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Ch

Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người Nam Ấn Độ, thuộc dòng dõi Bàlamôn, từ nhỏ sư đã có ý chí tham học Phật pháp khắp nơi. Năm 570, sư sang Trung Quốc, vào Tràng An, đúng thời đó Chu Vũ Đế, nhà Bắc Nguỵ đang phá diệt Phật pháp. Vì thế, Sư đã lánh nạn đến đất Nghiệp (Hồ Nam), ở đây tại núi Tư Không sư đã được bái yết Tam tổ Tăng Xán. Sau lần yết kiến đầu tiên, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã ngộ đạo và trở thành một trong những đệ tử xuất sắc của tổ Tăng Xán. Tổ Tăng Xán sau khi truyền tâm ấn cho Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã nói: “Nơi đây còn có nạn, ông nên đi mau về phương Nam mà hành hoá, không nên chậm trễ”. Sư nghe theo lời tổ dạy, năm 580 đã đến Việt Nam, cư trú tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu) tỉnh Bắc Ninh ngày nay.

Sư được coi là người đã có công lao khai sáng Thiền tông, là sơ tổ của Thiền tông Việt Nam lập lên Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Về sau, vua Lý Thái Tông (1028-1054) có làm bài kệ truy tán phong tặng Sư được dịch nghĩa như sau:

Mở lối qua người Việt Nghe Ngài thông đạo thiền Nguồn tâm thông một mạch Cõi Phật rộng quanh miền Lăng già ngời bóng nguyệt Bát nhã nứt mùi sen

Biết bao giờ được gặp Ðàm đạo lẽ thâm huyền.

Trước khi thị tịch, năm 594, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã trao tâm ấn cho Pháp Hiền. Từ đó Pháp Hiền trở thành Tổ thứ hai. Sư vào núi Từ Sơn tu thiền định, đệ tử tìm đến học đạo rất đông. Thiền tông ở trong thời kỳ này có thể nói là rất thịnh hành. Ðó cũng nhờ công đức hoằng hóa của thiền sư Tỳ Ni Ðà Lưu Chi và Pháp Hiền. Thiền phái này được truyền thừa kéo dài 19 đời. Tuy nhiên hệ thống truyền thừa của Thiền phái này không được lưu lại đầy đủ, sử sách ghi chép lại không rõ Pháp danh của tất cả các vị tổ. Sơ tổ là Tỳ Ni Đa Lưu Chi (mất năm 594); đời thứ 2: thiền sư Pháp Hiền (mất năm 626); đời thứ 3: Huệ Nghiêm; đời thứ 4: Thanh Biện (mất năm 686); đời thứ 5, thứ 6 không được ghi chép lại; đời thứ 7: Long Tuyền; đời thứ 8: Định Không (mất năm 808) và 2 vị khuyết tên; đời thứ 9: Thông Biện và 2 vị khuyết tên; đời thứ 10: La Quý An (mất năm 936); đời thứ 11: Thiền Ông (mất năm 979), Sùng Phạm (mất năm 1087) và 2 vị khuyết tên; đời thứ 12: Vạn Hạnh (mất năm 1018), Định Tuệ, Đạo Hạnh (mất năm 1112),Trì Bát (mất năm 1117), Thuần Châu (mất năm 1101) và 2 vị khuyết tên; đời thứ 13: Huệ Sinh (mất năm 1063), Thiền Nham (mất 1163), Minh Không (mất năm 1141), Bản Tịnh (mất năm 1140) và 2 vị khuyết tên; đời thứ 14: Khánh Hỷ (mất năm 1142) và 4 vị khuyết tên; đời thứ 15: Giới Không, Pháp Dung (mất năm 1174) và 1 vị khuyết tên; đời thứ 16: Trí Thiền, Chân Không (mất năm1100), Đạo Lâm (mất năm 1203); đời thứ 17: Diệu Nhân (mất năm 1113), Viên Học (mất năm 1136), Tịnh Thiền (mất năm 1193) và 1 vị khuyết tên; đời thứ 18: Viên Thông (mất năm 1151) và 1 vị khuyết tên; đời thứ 19: Y Sơn (mất năm 1213) và 1 vị khuyết tên khác.

Khi tại thế, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch hai bộ kinh: Tượng Đầu Tinh Xá (tại Trung Quốc), và Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì (tại Việt Nam). Tư tưởng của hai bộ kinh này đã bao trùm tư tưởng thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi lấy kinh Tượng Đầu Tinh Xá làm nền tảng, chú trọng tư tưởng Bát nhã và tu tập thiền quán. Tư tưởng này được thể hiện rất rõ khi hành giả thiền quán, phải khai sáng trí tuệ bát nhã. Để đạt giác

ngộ phải phá trừ các kiến chấp, vượt qua ngoài ngôn ngữ văn tự hay bất cứ một hình thức nào để đạt đến bản chất tâm thật, như kinh Tượng Đầu Tinh Xá nói: bản chất của giác ngộ như một cái gì không thể dùng lời nói và chữ viết để diễn tả được.

Là một thiền kinh đại thừa, kinh Tượng Đầu Tinh Xá đã thể hiện tư tưởng siêu việt hữu vô rất rõ ràng. Dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi cũng mang tư tưởng này rất sâu sắc: tất cả các pháp (sự vật) đều hư huyễn và phi hữu phi vô. Qua lời căn dặn của Tỳ Ni Đa Lưu Chi với đệ tử Pháp Hiền trước khi thị tịch chúng ta đã thấy rõ tư tưởng thiền học này: “Tâm ấn của chư Phật không lừa dối ta đâu; tâm ấn ấy tròn đầy như thái hư, không thiếu không dư, không đi không tới, không được không mất, chẳng một chẳng khác, chẳng thường chẳng đoạn, vốn không có chỗ sinh, cũng không có chỗ diệt, cũng chẳng xa lìa và cũng chẳng phải chẳng xa lìa. Vì đối với vọng duyên mà giả lập tên ấy thôi...”

Kinh Đại Thừa Phương Quảng Tổng Trì là một kinh về Mật giáo, vì thế mà Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi có ảnh hưởng của yếu tố Mật giáo. Mật giáo bắt nguồn từ tư tưởng thâm sâu của Bát nhã đồng thời cũng bắt nguồn từ những tín ngưỡng dân gian Ấn Độ. Mật giáo chấp nhận sự có mặt của các thần linh được thờ phụng trong dân gian, nếu như ta biết sử dụng các thế lực siêu nhiên trong vũ trụ thì ta có thể rút ngắn con đường giác ngộ để thành đạo. Ở Giao Châu khuynh hướng này rất phù hợp với sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt, nên Mật giáo đã trở nên một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt thiền môn. Từ “tổng trì” nguyên là từ “Dhãrãni phiên âm là đà la ni trong Phạn ngữ có nghĩa là nắm giữ, duy trì và ngăn ngừa. Duy trì là duy trì những thiện pháp, ngăn ngừa là ngăn ngừa những ác pháp.

Vì thế mà trong phép tu tập thiền, các tổ sư thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi luôn dạy các hành giả phải luôn duy trì và nuôi dưỡng các thiện pháp, không cho tiêu tan và thất lạc song song với nó là ngăn ngừa đề phòng không cho các pháp ác phát sinh.

Có bốn loại “tổng trì” (đà la ni): pháp, nghĩa, chú và nhẫn. Pháp tổng trì là duy trì những điều học hỏi về Phật pháp không cho tán thất. Nghĩa tổng trì là duy trì yếu nghĩa của các giáo pháp không để quên mất. Chú tổng trì là duy trì các thần trú không để quên mất, đây là những lời nói bí mật được phát sinh trong khi ngồi thiền định, những mật ngữ này có những hiệu lực linh nghiệm không thể đo lường được. Nhẫn tổng trì là an trú trong thực tưởng của vạn pháp không để tán loạn. Như vậy, tổng trì có thể liên hệ rất nhiều tới thiền định. Và ngay từ buổi đầu thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã áp dụng những tư tưởng trong kinh Tổng trì của Mật giáo.

Mặc dù được đắc pháp với Tam tổ Tăng Xán tại Trung Quốc, nhưng thiền mà Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Thiền Ấn Độ đậm hơn thiền Trung Quốc. Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi bắt nguồn từ tư tưởng Bát Nhã, có khuynh hướng thiên vọng về Mật giáo, thiền chủ trương theo tinh thần bất lâp văn tự những vẫn chú trọng sự nghiên cứu kinh luận, chủ trương thực tại siêu việt không hữu, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn. Trái ngược với quan niệm thông thường của Thiền tông là chủ trương trầm tư mặc tưởng, trong sinh hoạt các thiền sư có khuynh hướng nhập thế giúp dân. Đây là một thiền phái mang tính cách dân tộc Việt Nam, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo, vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ.

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 56 - 59)