Thiền phái Việt Nam – thiền phái Trúc Lâm

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 64 - 70)

3. Thiề nở Việt Nam

3.2. Thiền phái Việt Nam – thiền phái Trúc Lâm

Trúc Lâm là một dòng thiền Việt Nam đời nhà Trần, do vua Trần Nhân Tông (1278-1308) sáng lập. Thiền phái này được xem là tiếp nối của phái Yên Tử, phái này lại là sự hợp nhất của ba dòng thiền Việt Nam của thế kỉ thứ 12 – đó là dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Vào đời nhà Trần có thể được gọi là thời đại Phật giáo Nhất Tông – thời đại của một phái Phật giáo Duy Nhất. Người được coi là có công khởi đầu cho sự tổng hợp giữa ba thiền phái trên và là gạch nối giữa Phật giáo đời Lý và Phật giáo đời Trần chính là thiền sư Thường Chiếu. Tông phái Yên Tử xuất phát từ núi Yên Tử mà vị tổ khai sơn là thiền sư Hiện Quang. Thiền sư Viên Chứng, hiệu Trúc Lâm, thầy của vua Trần Thái Tông, là tổ thứ hai của phái Yên Tử. Vị tổ truyền thừa thứ ba là Đại Đăng Quốc sư đồng sư với vua Trần Thái Tông.

Thiền phái Trúc Lâm được hình thành trên cơ sở những tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá nhất định.

Nhà Lý đổ, nhà Trần lên cầm quyền (1226-1399), chủ trương thiết lập hệ tư tưởng mới của riêng mình. Tuy vậy, nhà Trần không hoàn toàn phủ định sạch trơn các tư tưởng nhà Lý trước đó. Vì thế mà học thuyết Trần Thái Tông được trình bày trong tác phẩm nổi tiếng “Khoá hư lục” dựa trên cơ sở tổng hợp những tư tưởng của nhà Lý được coi là một tập đại thành đầu tiên của nhà Trần. Ở tư tưởng của vua Trần Thái Tông, tất cả những yếu tố của ba phái thiền trước đó hầu như đều có mặt như: thiền, tịnh, lão, nho. Ý đồ tạo lập một hệ tư tưởng mới nhà Trần trải qua cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên Mông vẫn được tiếp tục bởi vua Trần Nhân Tông, người đã thành lập thiền phái Trúc Lâm.

Hoàn cảnh kinh tế xã hội cũng đã có những tác động nhất định đối với sự hình thành thiền phái này. Đến thời nhà Trần, nhà nước cho phép bán ruộng

công thành ruộng tư. Từ đó ruộng đất biến thành hàng hoá và việc mua bán cướp đoạt ruộng đất trong giới quý tộc cũng như nhân dân trở nên phổ biến. Việc sở hữu tư nhân về ruộng đất trong suốt chiều dài lịch sử nhà Trần đã tạo nên những biến đổi trong kết cấu giai cấp xã hội. Ruộng đất mà giới quý tộc sở hữu giờ đây không chỉ do nhà vua ban phát mà còn do sự khai khẩn biến những vùng đất rộng lớn trở thành của riêng mình, bên cạnh đó còn có đất mua của những nông dân khốn khổ, họ trở thành chủ những điền trang rộng lớn. Nhà Trần một mặt thi hành chính sách hôn nhân trong dòng tộc nên phần lớn giai cấp lãnh đạo là người nhà Trần nhưng mặt khác do đòi hỏi của hoàn cảnh lịch sử mà trong giai cấp lãnh đạo luôn có sự bổ sung những người ngoài tông tộc – những nhà nho trí thức. Từ đây giai cấp quý tộc nhà Trần đã có sự phân hoá. Một bên là tôn thất nhà vua có thế lực và sản nghiệp, có khuynh hướng ủng hộ Phật giáo và một bên là ngoại tộc đi lên bằng tài năng trí tuệ và đề cao Nho giáo. Chính vì sự đả kích phủ nhận Phật giáo của giới nho sĩ, nên giới quý tộc tôn thất nhà Trần luôn dùng quyền lực chính trị cũng như thế lực kinh tế ủng hộ và trấn hưng Phật giáo, nhằm tạo thế vững cũng như tranh thủ được sự đồng lòng của nhân dân. Vì thế mà Phật giáo thời kỳ nhà Trần phát triển rực rỡ và thế lực kinh tế của Phật giáo Trúc Lâm cũng rất lớn.

Thiền phái Trúc Lâm ra đời trong hoàn cảnh mà văn hoá, tư tưởng của Việt Nam lúc đó chịu ảnh hưởng sâu đâm nền văn hoá Ấn Độ và Trung Quốc. Ba thiền phái trước đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường ít nhiều mang màu sắc Ấn Độ và Trung Quốc. Tư tưởng văn hoá bao trùm là Phật giáo và Nho giáo. Cùng với việc phê phán những bắt chước phong tục tập quán phương Bắc mà giới nho sĩ lúc đó khởi đầu, nhà Trần đề cao ý thức độc lập dân tộc tự cường của nước Đại Việt, điều này đòi hỏi cần có một ý thức hệ độc lập tương ứng. Chính vì vậy mà Phật giáo phái Yên Tử ra đời, tiếp theo đó là thiền Trúc Lâm để đáp ứng những yêu cầu của dân tộc.

Về mặt tông phái, thiền phái Trúc Lâm thoát thai từ dòng Vô Ngôn Thông, do đó, nó mang đặc điểm là kết hợp thiền với đạo của dòng này. Tuy vậy những thiền sư có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến thiền phái Trúc Lâm là những nhà sư của triều Trần, họ đã mang trong mình sự kết hợp thiền phái của mình (thiền phái Vô Ngôn Thông) và thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và thiền phái Thảo Đường.

Vua Trần Nhân Tông được truyền thừa và là thế hệ thứ sáu của phái Yên Tử. Vua mộ đạo từ khi còn nhỏ. Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng Thái tử, vua đã cố nhường lại cho em nhưng không được, nên trèo thành trốn đi, định vào tu ở núi Yên Tử. Nhưng mới đi được nửa đường thì bại lộ tung tích, bị vua cha sai quân đi bắt về. Phải miễn cưỡng trở về nhưng vua luôn nuôi ý định xuất gia và thường xuyên tham học thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ, và kính lễ Thiền sư làm thầy. Sau khi lên làm vua, trở thành một vị anh quân và giữ vững nền độc lập nước nhà trước sự xâm lăng ồ ạt, nhưng vô hiệu quả của quân Mông Nguyên. Khi đuổi được giặc Nguyên, vua truyền ngôi lại cho thái tử Anh Tông, và năm 1299 vua vào tu ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử huyện Đông Triều, Quảng Ninh ngày nay, thực hiện chí nguyện thuở thiếu thời của mình. Ngài lấy hiệu là ''Hương Vân Ðại Ðầu Ðà'' lập trường giảng pháp, môn đồ tìm đến tu học đông đến hàng vạn người. Ngài thường đi khắp nơi để giảng đạo và phát thuốc. Cuộc đời đi tu của vua Trần Nhân Tông có thể chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất từ năm 1294 - 1299 là giai đoạn vẫn còn áy náy sự đời, tu hành chưa yên. Giai đoạn thứ hai từ năm 1299 – 1303 vua bắt đầu đi thuyết pháp giảng kinh kết hợp với ngoại giao. Giai đoạn thứ ba từ năm 1303 – 1308 là thời gian vua định cư tu luyện và trước tác. Trúc Lâm cũng là hiệu của vua Trần Nhân Tông, đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Viên chứng, tiền bối của vua Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của thiền phái Yên Tử. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là vua Trần Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang.

Thiền phái Trúc Lâm được một vị vua nhà Trần sáng lập, được xem là Thiền phái Phật giáo chính thức của Đại Việt thời đó nên có liên quan mật thiết đến triều đại nhà Trần, phải chịu một hoàn cảnh mai một sau khi triều đại này suy tàn. Vì vậy, sau ba vị Tổ nói trên, hệ thống truyền thừa của phái này không còn rõ ràng, nhưng có lẽ không bị gián đoạn bởi vì đến thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1700), người ta lại thấy xuất hiện những vị thiền sư của Trúc Lâm Yên Tử như Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Đại Thâm và nổi bật nhất là thiền sư Minh Châu Hương Hải (theo Nguyễn Hiền Đức) - người đã phục hưng tông phong Trúc Lâm. Trong thế kỉ thứ 17-18, Thiền phái này được hoà nhập vào tông Lâm Tế và vị thiền sư xuất sắc cuối cùng là Chân Nguyên Huệ Đăng.

Sau đây là hệ thống truyền thừa của thiền phái Trúc Lâm trong Đại nam

thiền uyển truyền đăng lục, được Thiền sư Phúc Điền đính bản: 1. Trần Nhân

Tông; 2.Pháp Loa; 3. Huyền Quang; 4. An Tâm ; 5. Phù Vân Tĩnh Lự; 6. Vô Trước; 7. Quốc Nhất; 8. Viên Minh; 9. Đạo Huệ; 10. Viên Ngộ; 11. Tổng Trì; 12. Khuê Sâm; 13. Sơn Đăng; 14. Hương Sơn; 15. Trí Dung; 16. Huệ Quang; 17. Chân Trụ ; 18. Vô Phiền.

Là phái Thiền duy nhất được sáng lập tại Việt Nam và đã để lại những tác phẩm có giá trị như: Thiền Lâm Thiết Chuỷ Ngữ Lục; Trúc Lâm Hậu Lục; Thạch Thất Mị Ngữ; Đại Hương Hải Ấn Thi Tập; Tăng Già Toái Sự.

Tư tưởng của Trúc Lâm chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của người thầy Tuệ Trung. Nhưng lối diễn tả của Trúc Lâm thiên trọng hơn về phương diện văn chương và hình ảnh.

Thiền sư Trúc Lâm cho rằng thể tính giác ngộ có sẵn trong mọi người và vì thế hãy tự trở về thực hiện lấy tự tính giác ngộ ấy bằng phương pháp không- truy-tầm tức là không đối tượng hoá tự tính giác ngộ ấy để chạy theo đuổi bắt hòng đạt giác ngộ. Trúc Lâm khuyên đệ tử hãy trở về quan sát tự tâm: khi nghe âm thanh, khi thấy hình sắc, khi tay cầm, chân bước… Phật tức là tâm, hãy quay

về “tìm Bụt trong nhà”. Thiền Trúc Lâm đề cao cái "tâm", "Phật ở tại tâm", Trúc Lâm viết:

"Nơi mình có ngọc, tìm đâu nữa Trước cảnh vô tâm, ấy đạo Thiền."

Trúc Lâm cho rằng chốn tâm chính là cõi Tịnh độ tâm là Niết Bàn, là Phật. Chân như, trí tuệ, thật tướng nhiệm mầu sẵn có trong mỗi con người. Vì thế con người nên hồn nhiên vui đạo, đói ăn, khát uống, mệt ngủ, Phật tính ở chính trong mỗi con người không nên cầu tìm ở đâu khác. Chúng ta thấy tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong bài phú Cư Trần lạc đạo:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên Ðói đến thì ăn, mệt ngủ liền. Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm Ðối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Trúc Lâm thường cảnh tỉnh môn đồ về vô thường của cuộc sống để khiến họ nỗ lực tinh tấn thực hiện giải thoát ngay trong hiện tại, bằng chính con người Năm uẩn giới hạn này. Thiền quán về vô thường là sắc thái giáo lý rất truyền thống mà ta thường gặp ở các kinh Nikàya và A-hàm. Pháp Thiền quán và Thiền định của Trúc Lâm cũng như giáo lý của Nguyên thủy, có thể thực hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào: đối tượng để nhìn, quan sát và phân tích có thể là hơi thở, có thể là mây trời, là cơm, là cháo, là cái chén, cái thìa ... như lời dạy của Trúc Lâm: “Này quý vị, thời gian qua đi mau chóng, mạng sống con người trôi chảy không ngừng, tại sao hằng ngày biết ăn cháo, ăn cơm mà không biết tham khảo ngay về vấn đề cái chén, cái thìa?” (Việt nam Phật Giáo Sử Luận, Nguyễn Lang, 1973, tr.317).

Thiền của Trúc Lâm tiêu biểu Thiền Việt Nam. Sống về với chính mình trong hiện tại và tại đây trên cuộc đời này: giác tỉnh đi ra khỏi tham, sân, si trong các công việc tích cực xây dựng, bảo vệ xứ sở và hạnh phúc của toàn dân. Muốn vậy phải trau dồi tâm mình. Khi tâm hồn không vướng bận là lòng không bị ràng

buộc về thành bại đắc thất và bởi sự dồn chứa kiến thức. Khi đạt được tâm trạng tự do ấy là đạt tới sự an ổn thật sự, nhân ngã và tham sân không còn lay chuyển được tự thân và thực tính sáng trong bắt đầu hiển lộ. Chỉ khi gạn lọc tự thân cõi Cực Lạc sẽ rộng mở trong tâm mình.

Về phương pháp thiền, Trúc Lâm chịu ảnh hưởng của phái Lâm Tế, thường dùng gậy đánh và tiếng hét nhưng không trực tiếp và mạnh bạo như thiền sư Tuệ Trung.

Phật giáo đời Trần nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng luôn mang tư tưởng nhập thế. Những cái đẹp đẽ cao cả, quý hiếm, Chân Như, Niết Bàn, Bồ Đề, chân tâm, Phật không ở đâu xa mà ở ngay trước mắt, trong tâm mỗi con người, trong thế giới trần tục này. Chính vì thế mà hãy bắt đầu những công việc trần tục thường ngày để đạt được cõi niết bàn ngay trong thế giới này. Trong cuộc sống, ai hướng thiện vươn tới cái tâm bao la biển cả, người đó sẽ tiến gần đến giải thoát. Trong tư tưởng của các thiền sư Phật giáo đời Trần cũng như thiền phái Trúc Lâm thì con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, nhân quần xã hội, và trong quá trình đó tâm con người mở rộng, khai mở dần dần bao chứa tâm nhiều người từ hẹp đến rộng, từ nông đến sâu, từ gia đình, xóm, làng, xã, huyện, tỉnh đến quốc gia và thiên hạ. Hoàn toàn khác với Phật giáo Ấn Độ - Trung Quốc, con đường đi đến giác ngộ của Phật giáo Việt Nam là bằng cách cứu dân độ thế, và trên con đường này tâm con người ngày càng khai mở bao trùm thiên hạ, muôn loài vạn pháp, tức đạt đến tâm Phật. Phật là thiện, trong cuộc sống phải luôn biết phân biệt những việc thiện nhỏ và những việc thiện lớn. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, bị quân Nguyên Mông xâm lược, các phật tử đã áp dụng linh hoạt giới luật của Phật giáo, sẵn sàng cầm gươm lên ngựa đánh đuổi quân giặc đang giết hại đồng bào để cứu dân cứu nước. Như vậy là không thể vì một điều thiện nhỏ cho cá nhân (không sát sinh) mà quên một điều thiện lớn cho dân tộc (đánh đuổi ngoại xâm giữ yên xã tắc ấm no hạnh phúc cho muôn dân). Thiền tông thời Trần còn có tinh thần thương người, đặc biệt

luôn đặt việc cứu người lên trên hết. Bởi vậy việc cứu cả một dân tộc, đất nước, cứu muôn dân trăm họ là công việc khẩn thiết cấp bách hơn cả dù có phải vi phạm giới sát sinh.

Tinh thần giáo dục đặc biệt mà Thiền phái Trúc Lâm đã để lại trong lịch sử là tinh thần tự chủ, tự cường, tự tri, tự giác, không vọng ngoại, tinh thần vô chấp, phóng khoáng, vị tha, dung hợp và trí tuệ.

Trong con người Trúc Lâm hội tụ đầy đủ những phong cách của một nhà văn hoá, nhà văn, nhà thơ, nhà quân sự, một thiền sư, một vị vua anh minh lỗi lạc. Tư tưởng của Trúc Lâm thể hiện tính nhất quán giữa đạo và đời, xuất thế và nhập thế. Trong thiền học, Trúc Lâm đã mở đầu dòng thiền nhập thế hoàn toàn mang tính Việt Nam, xa hẳn với truyền thống thiền Ấn Độ và Trung Quốc trước đó.

Một phần của tài liệu Vài nét về thiền Phật giáo ở VN và vai trò của nó trong xã hội hiện đại (Trang 64 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w