3. Thiề nở Việt Nam
3.1.3. Thiền phái Thảo Đường
Năm kỷ dậu (1069) vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành về, mang theo rất nhiều tù binh. Nhà vua đã đem số tù binh này phân phát cho các quan trong triều đình để làm quân hầu. Trong số quan triều có một vị là tăng lục (một
chức vụ trong coi về tăng sự), một hôm vị này đi vắng về thấy bản ''Ngữ lục'' của mình bị một tù binh sửa chữa. Hỏi ra mới biết đó là một vị thiền sư người Trung Quốc, theo thầy qua Chiêm Thành, chẳng may bị bắt làm tù binh. Vị thiền sư ấy là Thảo Ðường, đệ tử của thiền sư Tuyết Ðậu Minh Giác ở Trung Quốc thuộc phái Vân Môn.
Khi biết tung tích của Thảo Ðường thiền sư, vua Lý Thánh Tông liền sắc phong cho Sư làm Quốc sư (năm 1069). Thảo Ðường thiền sư lập đàn khai giảng ở chùa Khai Quốc trong thành Thăng Long. Ðệ tử đến tham học rất đông. Sư đã lập ra phái Thiền thứ ba ở Việt Nam: phái Thảo Ðường. Thiền phái này truyền được 5 đời, đắc đạo được 19 vị thiền sư.
Về tư tưởng, Thiền phái Thảo Đường chịu ảnh hưởng của tư tưởng phái thiền Vân Môn, Trung Quốc. Thiền sư Thảo Đường chịu ảnh hưởng của người thầy mình là thiền sư Tuyết Đậu rất sâu sắc, đặc biệt là tư tưởng dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo. Vân Môn và Tuyết Đậu đều là những thiền sư bác học và có khuynh hướng văn học, cả hai đều nhằm tới hoằng dương Thiền học trong giới trí thức, đưa nho gia đến gần đạo Phật và trở nên phật tử. Thiền sư Tuyết Đậu còn là một văn tài lớn. Sự nghiệp sáng tác của thiền sư được ghi lại trong tác phẩm Tuyết Đậu Ngữ Lục. Tác phẩm này đã được phổ biến rộng trong giới thiền sư của Việt Nam thời bấy giờ. Vì thế khi sang Việt Nam thiền phái Thảo Đường đã được phát triển trong giới quý tộc không xuất gia. Thiền phái này đã có ảnh hưởng lớn lao đối với Phật giáo Việt Nam thời Lý nói chung và các vị vua chúa quan quyền và trí thức nói riêng.
Vì khuynh hướng thiên trọng trí thức và văn chương nên thiền phái Thảo Đường không cắm rễ được trong quần chúng mà chỉ ảnh hưởng tới một số trí thức có khuynh hướng văn học. Hơn nữa phái thiền này còn có thế lực mạnh vì phần đông là vua quan và cư sĩ theo học. Tuy nhiên tầm ảnh hưởng không lâu dài và rộng rãi như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và thiền phái Vô Ngôn Thông.
Các thiền sư phái Thảo Đường chịu ảnh hưởng của Mật giáo, bên cạnh việc tu thiền còn chuyên về phù phép. Tiêu biểu là hai thiền sư Không Lộ và Giác Hải.