c) Môi trường kinh tế, công nghệ
TÓM TẮT CHƯƠN G
Xuất khẩu nói chung là việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng nước ngoài trên cơ sở dùng tiền tệ làm phương tiện thanh toán. Hoạt động xuất khẩu hàng hoá thường phức tạp và khó khăn hơn so với kinh doanh nội địa do bên bán và bên mua có quốc tịch, ngôn ngữ, luật pháp, tập quán... khác nhau. Hàng hoá trong xuất khẩu có thể được dịch chuyển qua biên giới một quốc gia
hoặc không, đồng tiền thanh toán có thể là ngoại tệ đối với một hoặc cả hai bên tuỳ theo thoả thuận trong hợp đồng xuất khẩu.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sôi động như hiện nay thì xuất khẩu hàng hoá ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn đối với nền kinh tế mỗi quốc gia. Nó là cách thức hữu hiệu nhất để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng sử dụng có hiệu quả nhất lợi thế so sánh của mỗi quốc gia, giải quyết công ăn việc làm cũng như cải thiện đời sống người lao động, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đối ngoại với các quốc gia khác trên thế giới. Ngoài ra xuất khẩu cũng giúp cho các doanh nghiệp ngoại thương mở rộng thị trường, nâng cao trình độ công nghệ, cải thiện sản xuất, nhờ đó mà tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Để đạt được hiệu quả kinh doanh xuất khẩu cao nhất, các doanh nghiệp ngoại thương hiện nay thường áp dụng kết hợp một vài hình thức xuất khẩu trong các hình thức chủ yếu sau đây: xuất khẩu trực tiếp, xuất khẩu uỷ thác, xuất khẩu gia công, buôn bán đối lưu, xuất khẩu tại chỗ, tạm nhập tái xuất...
Hoạt động xuất khẩu nông sản khác biệt hơn so với xuất khẩu những mặt hàng khác về khâu thu mua, phân loaị, bảo quản... do những đặc trưng riêng có của mặt hàng nông sản như: nông sản là mặt hàng thiết yếu trong đời sống, chủng loại và chất lượng rất đa dạng, phong phú song nó lại bị ảnh hưởng nhiều bởi các điều kiện tự nhiên, có tính thời vụ, có tính phân tán, dễ bị hư hỏng, giá cả không ổn định, ngoài ra độ nhạy cảm của cầu nông sản với giá của nó là rất thấp.
Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu nông sản tại mỗi doanh nghiệp ngoại thương thường bao gồm những công việc chủ yếu sau đây: nghiên cứu tiếp cận thị trường và lựa chọn đối tác kinh doanh, thu mua tạo nguồn hàng cho xuất
khẩu, xây dựng phương án kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu và tổ chức thực hiện hợp đồng xuất khẩu.
Hoạt động xuất khẩu nông sản chịu ảnh hưởng đồng thời của nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố khách quan như các yếu tố chính trị - luật pháp, yếu tố văn hoá - xã hội, yếu tố tự nhiên, yếu tố cạnh tranh, yếu tố kinh tế (tốc độ tăng trưởng kinh tế, thuế quan, tỷ giá hối đoái, hệ thống ngân hàng, trình độ kỹ thuật công nghệ, kết cấu hạ tầng...), ngoài ra còn có những yếu tố chủ quan nằm bên trong bản thân mỗi doanh nghiệp như: tiềm lực tài chính, tiềm lực con người, trình độ tổ chức quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như các hoạt động marketing và thu mua, tập trung hàng cho xuất khẩu của doanh nghiệp đó.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, người ta thường sử dụng một số các biện pháp cơ bản như: các giải pháp nâng cao chất lượng hàng hoá, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, các giải pháp về thu gom tạo nguồn hàng cho xuất khẩu hay các giải pháp về nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ nhân viên... Nhờ đó mà hoạt động xuất khẩu có thể đạt hiệu quả cao hơn, thu được lợi nhuận lớn hơn.
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một doanh nghiệp nhà nước đi đầu và có thâm niên khá lâu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Những thành tựu trong hoạt động xuất khẩu nông sản của Hapro thời gian qua đã và đang đóng góp không nhỏ vào quá trình củng cố và khẳng định thương hiệu hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trên nền tảng những lý thuyết cơ bản đã được phân tích ở chương I, chương II sẽ đi vào nghiên cứu chi tiết và cụ thể tình hình hoạt động xuất khẩu nông sản tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội trong thời gian qua (năm 2004 - 2009) để thấy được những thành công, tồn tại cũng như sự cấp thiết phải đẩy mạnh hoạt động này.