Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2006-2010 là: “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế”. Với mục tiêu trên, ta đã xây dựng định hướng thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực, trong đó cụ thể đối với ngành y tế như sau:
a/ Định hướng ngành y tế:
Từng bước mở cửa các lĩnh vực kinh doanh bệnh viện, sản xuất thuốc, sản xuất thiết bị y tế theo các cam kết quốc tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như văn hoá, giáo dục, thể thao, du lịch, …
Với định hướng trên, tiến hành xem xét, giảm bớt các điều kiện đối với đầu tư nước ngoài trong ngành y tế, có tính tới các yếu tố hội nhập và toàn cầu hóa theo lộ trình “mở cửa”; tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành này bằng việc xem xét đẩy sớm lộ trình mở cửa và khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng. Cụ thể là: khuyến khích đầu tư
nước ngoài tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bằng các phương thức thích hợp gồm BOT, BT, BTO để xây dựng cảng biển, cảng hàng không, đường cao tốc, đường sắt, viễn thông, cấp nước, thoát nước… nhằm góp phần nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.
b/ Định hướng vùng:
Trong những năm tới, dự báo vốn FDI vào ngành y tế vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào những địa phương có điều kiện thuận lợi về địa lý-tự nhiên, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài tại những vùng có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, bên cạnh những ưu đãi của đối với FDI tại các vùng đó đòi hỏi phải tăng cường đầu tư xây dựng nhanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, điện, nước ở các vùng kinh tế khó khăn bằng nguồn vốn nhà nước, vốn ODA và nguồn vốn tư nhân. Tập trung thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, Khu Công nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt (như Chu Lai, Nhơn Hội…) góp phần đẩy nhanh việc thu hẹp khỏang cách phát triển giữa các vùng).
c/ Định hướng đối tác:
i) Chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia (TNCs):
FDI trên thế giới chủ yếu là vốn của TNCs; hoạt động của các công ty này có tác động quan trọng đối với những nước tiếp nhận vốn FDI. Do đó việc thu hút các TNCs được khuyến khích cả hai hướng: Thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu dược phẩm và thiết bị y tế; tạo điều kiện để một số TNCs xây dựng các Trung tâm chăm sóc sức khoẻ, phòng khám, bệnh viện, cơ sở y tế chất lượng cao.
ii) Một số đối tác chính
Nhật Bản là một trong số các quốc gia có vốn FDI thực hiện trong ngành y tế lớn nhất ở Việt Nam. Nhật Bản cũng là nước cung cấp ODA nhiều nhất cho Việt Nam, nguồn vốn ODA này sẽ hỗ trợ tích cực cho các dự án FDI. Trong thời
gian tới, cần tập trung xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào các dự án có công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Tiến hành vận động đầu tư của Nhật Bản vào ngành y tế Việt Nam theo hình thức mới, chọn các dự án trọng điểm để vận động các tập đoàn cụ thể của Nhật Bản đầu tư.
Đối với Đài Loan, cùng với việc tiếp tục chú trọng thu hút các tập đoàn lớn cần coi trọng thu hút đầu tư của các xí nghiệp dược và thiết bị y tế vừa và nhỏ của Đài Loan vì quy mô vốn và trình độ kỹ thuật của các xí nghiệp vừa và nhỏ của Đài Loan lớn hơn nhiều so với xí nghiệp cùng loại của Việt Nam.
Cũng như các nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Hàn Quốc chịu ảnh hưởng của những nhà đầu tư đi trước, vì vậy, cần có biện pháp tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư hiện đang kinh doanh ở Việt Nam, tạo tác động tích cực với các nhà đầu tư mới.
Đối với Singapore, định hướng trong những năm tới là tăng cường hợp tác phát triển y tế thông qua các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư.