Quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng phát triển năng lực

Một phần của tài liệu Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an (Trang 26 - 29)

hướng phát triển năng lực

Đánh giá kết của học tập là một quá trình được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, gồm các bước như:

Một là: Căn cứ vào mục tiêu dạy học và mục đích học tập để xác định mục tiêu đánh giá. Đánh giá kết quả học tập là so sánh năng lực của học sinh với mức độ yêu cầu của chuẩn kiến thức và kĩ năng (năng lực) môn học ở từng chủ đề, từng lớp học, để từ đó cải thiện kịp thời hoạt động dạy và hoạt động học.

Hai là: Lượng hóa các mục tiêu dạy học để đặt ra các mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ,… nhằm xác định nội dung và các tiêu chí đánh giá. Gắn với ngữ cảnh học tập và thực tiễn cuộc sống của học sinh.

Ba là: Lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu, nội dung đã đề ra trên cơ sở các đặc điểm của đối tượng được đo lường, thẩm định và trên cơ sở hoàn cảnh xã hội. Phối hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì,

giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh, giữa đánh giá của nhà trường và đánh giá của gia đình, cộng đồng.

Bốn là: Soạn thảo công cụ: viết câu hỏi, đặt bài toán dựa trên mục tiêu đề ra và nội dung cần đánh giá. Nhiệm vụ, bài tập trong tình huống, bối cảnh thực.

Năm là: Sắp xếp câu hỏi, bài toán từ dễ đến khó, chú ý đến tính tương đương của các đề (nếu có nhiều đề) và duyệt lại đáp án.

Sáu là: Tiến hành đo lường. Các thông tin định tính về thái độ và năng lực học tập thu được qua quan sát, trả lời miệng, trình diễn,... được phân tích theo nhiều mức độ với tiêu chí rõ ràng và được lưu trữ thông qua sổ theo dõi hàng ngày; các thông tin định lượng qua bài kiểm tra được chấm điểm theo đáp án/hướng dẫn chấm.

Bảy là: Phân tích kết quả, đánh giá độ tin cậy và độ giá trị của bài thi. Trong đánh giá thành tích học tập của học sinh không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình học tập. Đánh giá thành tích học tập theo quan điểm phát triển năng lực không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp.

Tám là: Điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện công cụ đánh giá bài thi.

Việc điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện công cụ đánh giá thành tích học tập theo quan điểm phát triển năng lực của học sinh là bước quan trọng thường xuyên nhằm đánh giá đúng năng lực học sinh sau khi làm bài thi. Tạo động lực gúp học sinh khẳng định phát triển năng lực.

Đánh giá trong giáo dục là một vấn đề hết sức phức tạp và khó khăn vì nó mang tính tổng hợp nhiều yếu tố. Vì vậy, để đánh giá chính xác một học sinh, một lớp hay một khóa học, điều đầu tiên người giáo viên phải làm là xây dựng quy trình, lựa chọn phương pháp cũng như thu thập những thông tin cần thiết cho việc đánh giá. Có thể khái quát quá trình đánh giá gồm bốn bước: đo, lượng giá, đánh giá và ra quyết định.

Đo: Kết quả bài kiểm tra của mỗi học sinh được ghi nhận bằng một số đo dựa theo những quy tắc đã tính. Thông thường kết quả bài kiểm tra kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của học sinh được ghi nhận bằng điểm số. Điểm số là những ký tự gián tiếp phản ánh trình độ của mỗi học sinh về mặt định tính (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém). Điểm số không có ý nghĩa về mặt định lượng (trong thang điểm 10 bậc không thể nói trình độ của học sinh được điểm 8 là cao gấp đôi học sinh điểm 4)

Lượng giá: Dựa vào các số đo, người ta đưa ra những thông tin ước lượng về trình độ kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của một học sinh. Lượng giá là một bước trung gian giữa đo và đánh giá. Nó làm sáng tỏ hơn trình độ tương đối của một học sinh trong tập thể lớp, so với yêu cầu của chương trình học nhưng nó chưa nói lên trực tiếp thực chất trình độ của học sinh đó.

Lượng giá có hai loại: lượng giá theo chuẩn (là sự so sánh tương đối với chuẩn trung bình chung của tập hợp); lượng giá theo tiêu chí (là sự đối chiếu với những tiêu chí đã đề ra)

Đánh giá: Khâu đánh giá đòi hỏi giáo viên phải đưa ra những nhận định, phán đoán về thực chất trình độ của một học sinh trước vấn đề được kiểm tra; đồng thời đề xuất những định hướng bổ khuyết sai sót hoặc phát huy kết quả. Hiện nay, tình hình phổ biến là giáo viên chấm bài chỉ cho điểm số chứ chưa phê nhận xét, do đó giáo viên chỉ mới lượng giá mà chưa đánh giá từ đó làm chậm tiến bộ của học sinh trong học tập, khó giúp các em phát hiện ra những ưu điểm cũng như hạn chế của mình để có những định hướng phát huy ưu điểm cũng như khắc phục hạn chế của mình trong thời gian tới.

Ra quyết định: Đây là khâu cuối cùng của quá trình đánh giá. Dựa trên những định hướng đã nêu trong khâu đánh giá, giáo viên sẽ đưa ra những biện pháp cụ thể để giúp đỡ học sinh còn yếu đồng thời tạo điều kiện cho những học sinh khá giỏi phát triển.

Một phần của tài liệu Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w