Một số kết quả đạt được trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh trong dạy học môn Giáo dục

Một phần của tài liệu Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an (Trang 60 - 64)

theo hướng phát triển năng lực của học sinh trong dạy học môn Giáo dục công dân ở các trường Trung học Phổ thông huyện Tân Kỳ

Trong những năm học vừa qua từ những thuận lợi nhất định đã làm cho việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá trên cơ sở kế hoạch của Bộ giáo dục và đào tạo, sự chỉ đạo của trực tiếp của Sở giáo dục và đào tạo Nghệ An, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ cũng đã được phổ biến những kiến thức cơ bản và tham gia các lớp tập huấn về đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Bước đầu các giáo viên đã nhận thức được vai trò, vị trí của công tác đánh giá trong quá trình dạy học nên đã có sự quan tâm đầu tư, nhờ đó việc thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá đối với môn Giáo dục công dân ở các trường Trung học Phổ thông huyện Tân Kỳ đã đạt được những kết quả cụ thể và tất nhiên trong quá trình thực hiện cũng không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới để công tác đánh giá ngày càng được khẳng định về vai trò, vị trí của mình, góp phần thúc đẩy đổi

mới đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh, thực hiện triết lý mới trong giáo dục - lấy người học làm trung tâm.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh được xem là khâu cuối cùng của quá trình dạy học, nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh. Để đáp lại những nỗ lực phấn đấu của giáo viên, việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy học môn Giáo dục công dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã mang lại những kết quả nhất định cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Thông qua đổi mới về phương thức kiểm tra, đánh giá bước đầu đã giúp học sinh có những thay đổi trong nhận thức về việc thực hiện kiểm tra, đánh giá. Các em đã hiểu được rằng đối với môn học để chuẩn bị cho các bài kiểm tra không chỉ đơn thuần là học thuộc những nội dung trong sách giáo khoa mà phải trên cơ sở đó để vận dụng liên hệ với thực tiễn cuộc sống, những vấn đề có liên quan tới nội dung bài học diễn ra xung quanh các em như thị trường, tiền tệ, hàng hóa, vấn đề dân chủ. Qua kết quả khảo sát tại 3 trường Trung học Phổ thông tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An cho thấy, cứ trung bình 150 học sinh thì có 100 em có suy nghĩ trên, còn 40 học sinh cho rằng phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung trong sách là được, chỉ có 10 học sinh cho rằng không cần nghiên cứu kỹ chỉ cần học thuộc nội dung trong sách thôi. Chính vì vậy, theo các em việc chuẩn bị bài ở nhà trước khi lên lớp là cần thiết để bài học mới được tốt hơn và đạt kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra, qua khảo sát các em học sinh tại trường Trung học Phổ thông Lê Lợi huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ An cho thấy cứ 150 học sinh thì có 90 học sinh cho rằng đó là việc làm cần thiết, 30 học sinh cho việc đó là rất cần thiết, 30 học sinh có suy nghĩ đối với môn giáo dục công dân thì không cần thiết phải chuẩn bị bài trước ở nhà chỉ cần đến lớp, thầy dạy tới đầu thì theo dõi tới đó; trong số đó thì cũng có 90 học sinh đã chú trọng đến việc chuẩn bị bài trước ở nhà, 30 học sinh rất chú trọng và 30 học sinh không

chú trọng; đó là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy các em đã dần dần có ý thức về việc tự học, tích cực hơn trong học tập.

Một kết quả đạt được của giáo viên trung học phổ thông dạy học môn giáo dục công dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ trong thời gian thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá đó là dần dần các em đã ý thức được rằng thông qua kết quả kiểm tra thì ngoài việc biết được điểm số của mình, các em còn biết được mình yếu ở điểm nào như theo kết quả khảo sát thì trung bình 150 học sinh thì có 60 học sinh chú trọng điểm số, 50 học sinh chú trọng đến điểm hạn chế của mình qua bài kiểm tra và 40 học sinh còn lại thì chú trọng cả hai yếu tố trên. Mặc dù số học sinh chú trọng điểm số còn nhiều nhưng kết quả đó cũng cho thấy các em đang dần dần quan tâm đến việc hoàn thiện kiến thức của mình thông qua các bài kiểm tra; cũng từ đó học sinh rất chú trọng đến việc giáo viên cho lời phê vào các bài kiểm tra hay không để mình có thể biết được điểm yếu cần khắc phục, kết quả khảo sát cho thấy cứ trung bình 150 học sinh thì có 80 học sinh cho rằng đó là việc rất cần thiết, 50 học sinh xác định đó là cần thiết và 20 học sinh thì nghĩ đó là việc không cần thiết; đồng thời đối với việc trả và sửa bài kiểm tra sau khi kiểm tra qua thống kê cho thấy cứ trung bình 150 học sinh được khảo sát thì có 90 học sinh cho rằng rất cần thiết, 40 học sinh nói việc giáo viên sửa bài là cần thiết và 20 học sinh nghĩ việc đó không cần thiết.

Đồng thời học sinh hiện nay cũng có cách nhìn nhận mới hơn về kiểm tra, đánh giá chú trọng đến vai trò của mình trong quá trình dạy học chứ không như trước đây tất cả đều do giáo viên quyết định, chính vì vậy qua khảo sát thì trung bình 150 học sinh có 90 học sinh đề xuất để đánh giá chính xác năng lực của các em ngoài việc đánh giá của giáo viên thì cũng cần tạo điều kiện cho học sinh tự đánh giá khả năng của mình đây cũng chính là xu hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá hiện nay; 40 học sinh cho rằng chỉ cần dựa vào điểm của các bài kiểm tra và 30 học sinh còn lại thì cho rằng ngoài điểm của các bài kiểm tra, nhận xét của giáo viên còn phải tham khảo ý kiến của Đoàn trường.

Như vậy, vai trò của việc thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá đối với việc phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh thể hiện rõ nét trong sự thay đổi về ý thức học tập của học sinh và ý thức của các em đối với việc thực hiện kiểm tra; nhìn chung các em đã có sự thay đổi nhất định trong nhận thức đối với bộ môn và thấy được cái hay của môn Giáo dục công dân, đặc điểm của môn Giáo dục công dân làm các em thích điều đó cho thấy các em đã chủ động, tích cực hơn đối với việc học tập bộ môn. Qua đó chúng ta cũng thấy rõ mối quan hệ giữa đổi mới kiểm tra, đánh giá và đổi mới phương pháp dạy học, chúng hỗ trợ cho nhau trong việc phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh. Khi giáo viên đổi mới phương thức đánh giá, không chỉ rập khuôn với yêu cầu học sinh tái hiện lại kiến thức trong sách mà phải suy nghĩ và liên hệ với cuộc sống xung quanh thông qua các câu hỏi giải thích, lấy ví dụ theo cách hiểu của học sinh và giải quyết những tình huống xảy ra trong cuộc sống thì trong quá trình học tập các em sẽ không chỉ học vẹt mà có thể phát huy tính sáng tạo của mình. Từ đó, kết quả học tập thể hiện qua các bài kiểm tra cũng sẽ phản ánh được một các toàn diện, chính xác hơn về năng lực của các em.

Việc thực hiện đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của học sinh ở các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn huyện Tân Kỳ đạt được những kết quả như trên là do những nguyên nhânchủ yếu sau:

Trước hết, một yếu tố quan trọng có tính chất quyết định những thành công đó là tất cả giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở các trường Trung học Phổ thông trên địa bàn huyện đều được đào tạo đúng chuyên môn, nên có kiến thức vững vàng, tạo được niềm tin cho các em trong quá trình dạy học; đội ngũ giáo viên trẻ năng động, nhiệt huyết với công việc nên cũng nhanh chóng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và phương thức kiểm tra, đánh giá; vận dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy học thu hút sự tham gia của học sinh; các giáo viên bước đầu đã nắm được những vấn đề cơ bản liên quan đến công tác

đánh giá và nghiêm chỉnh thực hiện nhờ đó đã có sự thay đổi cả về hình thức lẫn nội dung kiểm tra trong thời gian qua cụ thể:

Về nội dung: nội dung kiểm tra hiện nay đối với bộ môn được các giáo viên không chỉ tập trung vào nội dung có trong sách, không chỉ đơn giản là một bài tái hiện lại kiến thức sẵn có mà đòi hỏi học sinh phải nâng lên một mức độ cao hơn là hiểu, giải thích và lấy được ví dụ (vận dụng bậc thấp) cho những vấn đề đã được học khi cần thiết; nội dung kiểm tra phong phú hơn ở chỗ nó không chỉ tập trung vào những kiến thức đang học mà còn chú trọng đến những kiến thức đã được học trước đó và kiến thức mở rộng.

Về hình thức: nhìn chung, bước đầu các giáo viên đã sử dụng linh hoạt các loại đánh giá phù hợp với đặc thù của bộ môn; thực hiện đánh giá thường xuyên đối với học sinh được chú trọng hơn với nhiều hình thức khác nhau thông qua thái độ học tập trên lớp và chuẩn bị bài trước ở nhà như đóng góp ý kiến xây dựng bài, trả lời được những câu hỏi khó, căn cứ vào kết quả thảo luận nhóm.

Với những thay đổi bước đầu đó thì học sinh đã chủ động hơn trong quá trình học tập đồng thời cũng luôn cố gắng phấn đấu trong suốt quá trình vì kết quả học tập của các em không chỉ dựa trên điểm số của các lần kiểm tra.

Một phần của tài liệu Đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực học sinh trong dạy học môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông huyện tân kỳ, tỉnh nghệ an (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w