Giáo dục công dân ở các trường Trung học Phổ thông huyện Tân Kỳ
Đối với môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện nay, đánh giá thông qua điểm của các bài kiểm tra theo quy định vẫn là phương thức đánh giá chủ yếu, do vậy khung đánh giá được áp dụng vẫn là khung của hình thức đánh giá thông qua kiểm tra. Khung đánh giá bao gồm các nội dung về thang điểm kiểm tra, đề kiểm tra, đáp án và biểu điểm đánh giá, phân tích kết quả và mối quan hệ giữa các nội dung trên.
Thực hiện theo Thông tư số 58/TT-BGD&ĐT hiện nay giáo viên dạy học môn giáo dục công dân ở các trường Trung học Phổ thông huyện Tân Kỳ vẫn sử dụng thang điểm cho các bài kiểm tra là thang điểm 10. Cho điểm theo thang điểm từ 0 đến 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm này khi ghi kết quả đánh giá, xếp loại học sinh.
Trên cơ sở thang điểm đó thì giáo viên xây dựng đề kiểm tra và xác định nội dung cần kiểm tra dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng và phân phối chương trình mà Bộ giáo dục và đào tạo đã quy định. Hầu hết các giáo viên dạy môn Giáo dục công dân ở các trường Trung học Phổ thông thuộc huyện Tân Kỳ đều thực hiện soạn đề kiểm tra theo các bước sau:
Trước hết phải xác định mục tiêu tức là phải đánh giá học sinh trên cả 03 mặt: về kiến thức, về kỹ năng, về thái độ và phạm vi kiểm tra tiếp đến phải xác định mức độ (biết, hiểu và vận dụng) và nội dung cần kiểm tra, thông thường để xác định nội dung kiểm tra thì giáo viên căn cứ vào chuẩn kiến thức để lập bảng 02 chiều (đối với đề kiểm tra 45 phút trở lên), một chiều thể hiện nội dung và một chiều thể hiện các mức độ cần kiểm tra sau đó xác định những nội dung tương ứng với các mức độ nhận thức đó và xác định số điểm cho mỗi nội dung căn cứ vào tổng số tiết quy định trong phân phối chương trình và mức độ quan trọng của nội dung đó nhưng phải đảm bảo theo nguyên tắc: mức độ nhận thức cơ bản có tỷ lệ điểm số cao hơn hoặc bằng các mức độ nhận thức khác; bước tiếp theo giáo viên sẽ xác định số lượng câu hỏi và hình thức kiểm tra sao cho phù hợp với thời gian kiểm tra (đề kiểm tra phải phù hợp với thời gian làm bài, phải đảm bảo thừa thời gian làm bài đủ để học sinh có thể kiểm tra lại chứ không thiếu hoặc không thừa thời gian quá nhiều)
Giáo viên xây dựng đáp án và chấm điểm, điểm của bài kiểm tra được qui về thang điểm 10 theo qui định và làm tròn đến 0.5. Tất cả giáo viên dạy môn giáo dục công dân ở các trường trung học phổ thông huyện Tân Kỳ hiện nay đều không có thói quen cho lời phê đối với bài kiểm tra, tức là chỉ chấm điểm chứ
không thực hiện bước nhận xét hay nói cách khác giáo viên chỉ mới lượng giá chứ chưa phải là đánh giá; đồng thời ở cấp học trung học phổ thông, đối với môn giáo dục công dân không có tiết trả bài kiểm tra do đó việc thực hiện nhận xét và đánh giá bài làm của học sinh còn rất hạn chế, một số giáo viên phải tự lấy một phần thời gian của tiết học sau để trả bài kiểm tra như vậy việc nhận xét cặn kẽ cũng khó được thực hiện tốt.