Chợ nơi sinh hoạt kinh tế

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế xã hội ở phường trung hòa, quận cầu giấy, thành phố hà nội giai đoạn 1947 2014 (Trang 96 - 98)

7. Bố cục luận văn

4.4.3. Chợ nơi sinh hoạt kinh tế

Nền kinh tế làng xã truyền thống của người Việt mang tính tự cấp, tự túc. Về cơ bản, từ khi đổi mới, các hộ gia đình ở Trung Hòa đều tự sản xuất và thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Sản phẩm dư thừa được mang ra chợ để trao đổi. Chợ làng có vai trò thương nghiệp rất quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa.

Thường thì chợ làng truyền thống nằm ở ngã tư đường giao thông nối với làng khác, hoặc nằm giữa đường lớn của làng, chủ yếu họp theo phiên. Chợ của làng Trung Kính Thượng trước đây nằm ở gần đường cái dưới (đường cái trên ở làng Trung Kính Hạ), từ đình đi thẳng theo hướng cổng Riềng, đến năm 1998 được chính quyền phường cho xây dựng thành chợ Rau xanh Trung Hòa, nằm cạnh

97

đường Trần Duy Hưng. Gọi là chợ Rau xanh nhưng thứ gì cũng có, từ thịt, cá, rau, củ, quả và các nhu yếu phẩm khác. Chợ đông đúc tấp nập và là nơi buôn bán, hội họp của cả phường Trung Hòa chứ không riêng gì làng Trung Kính Thượng. Do chợ ngày ấy không đủ chỗ nên người bán hàng còn bày la liệt hàng hóa ra đường đi và người buôn bán từ nơi khác đến cũng theo đó mà bày biện trải dài ra các đường đi lối lại xung quanh, tạo nên một khung cảnh sinh hoạt mang đậm tính thôn quê giữa chốn thị thành.

Đến năm 2009, do phải bàn giao mặt bằng cho dự án xây dựng trung tâm thương mại Euro Windows nên chợ Rau xanh Trung Hòa phải ngừng hoạt động. Mặc dù chính quyền phường đã cho chuyển các hoạt động buôn bán sang nơi khác nhưng người dân và thương nhân vẫn tự mở những tụ điểm buôn bán trong địa bàn làng để cho tiện và hợp lý hơn. Lâu dần những nơi này trở thành những chợ cóc, chợ tạm như chợ ở ngã tư ngõ 171 đường Nguyễn Ngọc Vũ, hay các chợ cóc ở các ngõ ngách trên đường Nguyễn Thị Định. Các hàng hóa được bày ngổn ngang ra đường, kết hợp với các cửa hàng ăn uống, kinh doanh tạo nên một khung cảnh sống động, nửa phố nửa làng.

Năm 2014 khi trung tâm thương mại Euro Windows đi vào hoạt động, chợ Trung Hòa được chuyển địa điểm vào tầng hầm của tòa nhà, các gian bán hàng được quy hoạch theo ô vuông, đánh số và quản lý chặt chẽ. Việc đưa chợ vào tầng hầm tòa nhà này thực sự không phù hợp với lối sống và văn hóa của người dân. Nói đến chợ, là nói đến buôn bán, tuy nhiên ngoài hoạt động kinh tế thì chợ còn là không gian phản ánh lối sống của từng vùng đất, từng cộng đồng người, nhất là với Thăng Long – Hà Nội từng một thuở là đất kinh kỳ nổi tiếng sành ăn, sành mặc, sành chơi và sành dùng, thế nên người xưa mới gọi Hà Nội là Kẻ Chợ. Chợ là nơi các tiểu thương từ nơi khác đến, có khi chỉ ngồi lề đường bán vài ba thứ nhỏ nhặt, nhưng lại là những thứ tinh hoa, đặc sản của nơi khác. Chợ không nhất thiết là để mua bán, mà còn là dịp để các bà các chị giao lưu gặp gỡ với bạn bè lối xóm, bà con thân thích mà thường ngày không dễ gặp nhau. Người ta có thể ra chợ mua một mớ rau, vài lạng thịt và tranh thủ nói dăm ba chuyện phiếm với nhau. Chợ, ngoài chức

98

năng lưu thông hàng hóa thì còn là nơi để kết nối, giao tiếp xã hội. Nhiều chợ ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng tương tự chợ Trung Hòa, gần như bị biến thành siêu thị, là một kiểu chợ ở những nước công nghiệp phát triển. Ở đấy không còn những nét thân thuộc và bầu không khí đặc trưng hồn cốt của chợ xưa nữa. Cũng chính vì vậy mà người dân làng Trung Kính Thượng vẫn đi chợ tạm, chợ cóc, bởi những nơi ấy bảo lưu được phần nào đó không gian văn hóa làng xã xưa.

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế xã hội ở phường trung hòa, quận cầu giấy, thành phố hà nội giai đoạn 1947 2014 (Trang 96 - 98)