Những công trình công cộng

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế xã hội ở phường trung hòa, quận cầu giấy, thành phố hà nội giai đoạn 1947 2014 (Trang 93 - 96)

7. Bố cục luận văn

4.4.2.Những công trình công cộng

Hình 2: Sơ đồ làng Trung Kính Thượng khoảng từ những năm 1960 - 1998 (Tác giả phác họa theo trí nhớ của người dân làng).

Cây đa, giếng nước, sân đình luôn là những biểu tượng văn hóa đặc trưng của một làng xã cổ truyền Việt Nam. Ở làng Trung Kính Thượng, trước khi bị thu hồi đất, không gian làng vẫn còn bảo tồn được các cảnh quan vật chất ấy. Làng Thượng ngày xưa có 3 cái giếng, nay chỉ còn 2. Giếng Đất là giếng to nhất, cung cấp nước cho cả làng. Gọi là giếng Đất vì giếng được đào như một cái hồ tròn đường kính khoảng 40 – 45m thoai thoải lòng chảo, xung quanh đắp bờ đất không xây. Tục truyền rằng ngày xưa dân làng Kính Chủ phát triển ngày một đông đúc, giếng Thơi ở đầu làng không đủ cung cấp nước ăn cho người dân, nên phải đào thêm giếng này. Giếng nằm cách đình làng Thượng 400m thẳng tắp về hướng cổng Đồng (đi ra phố Nguyễn Thị Định). Vào dịp lễ hội hàng năm, dân làng chỉ lấy nước giếng này để tắm rửa ngai thờ và các đồ thờ phụng, và dùng để nấu cơm thờ các vị thần. Theo các cụ kể lại thì nước giếng Đất pha trà uống tuyệt ngon. Năm 2001, để

94

lấy đất làm bãi gửi xe (gần trụ sở Công an phường Trung Hòa) cho khu đô thị mới, người ta đã san lấp chiếc giếng này.

Giếng Đình, hay còn gọi là giếng xóm Riềng, là một giếng nhỏ, đường kính chỉ khoảng 1,1m, nằm ở lối đi từ đình hướng về phía cổng Riềng. Giếng này xưa kia được dân làng rất ưa chuộng vì nó có mạch nước ngầm tốt, rất trong và mát mẻ. Các bà các cô hay các anh thanh niên thường ra giếng này để tắm giặt, gội đầu. Nay phường đã có hệ thống nước máy cho người dân không dùng giếng nữa, nhưng đôi khi vẫn có những người lao động nhập cư vì không có điều kiện ăn ở đàng hoàng vẫn ra đó tắm gội. Trong khuôn viên của giếng có miếu thờ.

Từ cổng chính của làng đi vào khoảng 20 mét, có một chiếc giếng, đề tên là

Thiên Quang Tỉnh (giếng ánh sáng trời)1 bằng tên chữ Hán. Theo các cụ trong làng

kể, đây là chiếc giếng đầu tiên của làng, được xây từ thời cổ xưa khi dân làng quần tụ lại với nhau để lập làng, định cư làm nông nghiệp. Đường kính của giếng khoảng 1,1m. Tang giếng là 2 vành đá bán nguyệt ghép lại, đá xanh, chiều cao vành tang khoảng 10cm có chân thoải. Nước giếng mùa hạ rất mát, sang cuối thu đầu đông nước rất ấm và có khói bốc lên. Quanh năm nước không bao giờ cạn. Phía trước cửa giếng trồng cây sữa. Tục truyền rằng các bà mẹ trong làng nuôi con nếu thiếu sữa thì ra giếng làm lễ cầu xin, sau đó bứt hoa sữa, cành lá sữa về treo tại buồng nhà mình, sau đó ắt sẽ có sữa dồi dào. Từ năm 1947 – 1954, các cán bộ địch hậu của chính quyền ta làm công tác bí mật ở vùng Trung Kính – Hòa Mục đã về ẩn náu tại hầm nhà ông Nguyễn Văn Trụ. Chiếc hầm này có đường thông ra giếng để người dân chu cấp lương thực và liên lạc với các cán bộ. Năm 1985, UBND và HTX cho lấp giếng vì công tác bắc nước máy. Do giếng bị xuống cấp nhanh chóng, năm 1999, nhằm giữ gìn, bảo vệ di tích, các cụ cùng nhân dân tổ dân phố đã tổ chức quyên góp tu sửa lại giếng, khơi lại nguồn nước, cho lập bệ thờ, xây tường xung quanh, trồng lại cây sữa, cố gắng khôi phục quang cảnh xưa. Hiện nay giếng nằm trong một khuôn viên rất đẹp, có tường lửng xung quanh, xây hình lục lăng (6 cạnh), sân lát gạch. Hai bên trụ giếng có đề đôi câu đố bằng chữ Hán: “Tỉnh khí lưu

95

hậu thiên cổ dẫn, Tô giang cận tiền vạn niên trường”, dịch nghĩa ra là “Mạch nước giếng thơi ngàn xưa còn chảy mãi, dòng sông Tô Lịch muôn thuở vẫn là đây”.

Ngôi làng nào cũng có một cái đình để thờ thành hoàng. Như Đào Duy Anh đã viết: “vì đình quan hệ mật thiết với lịch sử và sinh hoạt của hương thôn, nên làng

nào cũng có; còn chùa thì bất tất mỗi làng mỗi có, vì sự thờ phật không phải là việc công của làng” [1, tr.251]. Quả thực đúng như vậy, ngoài các công việc tế tự, thờ

cúng thành hoàng làng thì đình khi xưa còn là một tòa thị chính, là chỗ để hội họp bàn việc làng, để xử kiện, phạt vạ, hay nói cách khác là nơi mọi hoạt động quan trọng của làng diễn ra. Chính vì vậy, bên cạnh chức năng tín ngưỡng, tâm linh thì đình làng còn bao quát cả những chức năng sinh hoạt cộng đồng của cư dân làng nữa. nên đình thường được đặt ở vị trí trung tâm của làng, nơi đẹp nhất.

Đình làng Trung Kính Thượng nằm ở cụm dân cư tổ 20, có vị trí đẹp nhất trên đỉnh một ngọn đồi thấp (cao khoảng 4m so với đất ở của dân). Thế đất của đình có hình con rùa, đầu trông ra xóm Đồng, chân phải trước hướng ra xóm Riềng, chân trái trước hướng ra phía Đông Nam (xóm Đình, Giếng Thơi). Hai chân sau, chân phải phía Bắc (xóm Trại), chân trái phía Đông (xóm Chùa). Năm 1947, do tiêu thổ kháng chiến chống Pháp nên Đình bị đốt cháy toàn bộ, chỉ còn 3 gian hậu cung. Đến năm 1992 – 1993, đình được cho tu sửa và lát gạch sân nền, xây tường bao quanh. Hàng năm, đình là nơi diễn ra lễ hội thờ thành hoàng vào ngày 14 tháng 2 âm lịch. Mọi hoạt động diễn ra sôi nổi với quan khách thập phương tới dự lễ. Đến năm 2001, chính quyền cho tu sửa và xây dựng một nhà văn hóa ở ngay trong khuôn viên của đình để phục vụ cho các sinh hoạt đoàn thể. Việc làm này nhìn chung không được sự ủng hộ của người dân, nhất là nhất người cao tuổi. Trong tiềm thức dân gian, đình là nơi tôn nghiêm, yên tĩnh, chỉ tổ chức những việc quan trọng. Giờ đây nó phải kiêm thêm chức năng phục vụ các sinh hoạt văn hóa, hội họp chính trị của tổ dân phố, của đội văn nghệ, là nơi vui chơi của thanh niên, của trẻ em, là nơi bỏ phiếu của các cuộc bầu cử, là nơi tổ chức những lớp học Hán Nôm và là nơi các cụ già gặp mặt mạn đàm.

96

Men theo đường cổng Đồng từ đình xuống phía đồng ruộng xưa sẽ đến sân kho HTX. Trong thời kỳ hợp tác hóa, sân kho này mang ý nghĩa quan trọng vì nó là nơi tập trung thóc lúa của cả làng, mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân đều diễn ra xung quanh sân kho. Từ khi đổi mới, sân kho mất đi vai trò của nó và bị thu hẹp dần, bây giờ chỉ là một khoảng sân nhỏ làm lối đi lại cho người dân. Phần lớn đất của sân HTX cũ được lấy để làm những công trình công cộng khác như: trường mầm non Trung Hòa, đài tưởng niệm liệt sĩ và đường đi. Một phần khác được chính quyền cấp cho một số hộ giãn dân để tái định cư. Trường mầm non Trung Hòa cũng là một công trình công cộng quan trọng của phường Trung Hòa, được chính quyền đầu tư kinh phí 400 triệu xây dựng 2 tầng từ năm 1996.

Nằm sát bên sân kho HTX là ao làng. Trong thời kỳ hợp tác hóa, ao là nơi để bà con nông dân thả bè trồng rau muống. Đến thời kỳ hợp tác hóa, nước ao bị ô nhiễm nặng vì có khá nhiều cống rãnh của khu dân cư xả thải thẳng vào lòng ao. Khoảng những năm 2003-2004 phường tiến hành nạo vét bùn và thay nước, xây tường bao quanh ao và cho người dân trong làng đấu thầu nuôi cá. Tuy nhiên đến năm 2015 việc thầu ao bị dừng lại. Ao hiện nay đã được “công hữu hóa” và là nơi tụ tập của người dân (chủ yếu là đàn ông) câu cá giải trí.

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế xã hội ở phường trung hòa, quận cầu giấy, thành phố hà nội giai đoạn 1947 2014 (Trang 93 - 96)