Tổ chức bộ máy làng xã

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế xã hội ở phường trung hòa, quận cầu giấy, thành phố hà nội giai đoạn 1947 2014 (Trang 25 - 30)

7. Bố cục luận văn

1.3.2. Tổ chức bộ máy làng xã

Tổ chức chính quyền của các xã thôn tại vùng Trung Kính – Hòa Mục trước đây (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945) cũng căn bản giống như tổ chức chính

quyền các xã thôn khác1 thuộc đồng bằng Bắc Bộ, thường là như sau:

- Hệ thống lý dịch: Đứng đầu là các chức xã trưởng, sau đổi thành lý trưởng

chịu trách nhiệm trước cấp huyện, quản lý điều hành toàn dân xã, thực hiện mọi chế độ, chính sách do cấp trên truyền xuống và một số chủ trương do Hội đồng kỳ mục của bản xã đề ra trong khuôn khổ luật lệ. Giúp việc cho lý trưởng có hương trưởng, tri bạ giúp giữ sổ sách về đinh điền, thuế khóa v.v…

- Hội đồng kỳ mục: Hội đồng này ở mỗi xã thường không quá 25 người, gồm

tiên chỉ, thứ chỉ và một số lão thượng có uy tín, đó gọi là kỳ. Mục gồm các quan chức về hưu, các ấm tử, khoa bảng và lý trưởng đương chức. Hội họp lại bầu ra một vị đứng đầu gọi là chánh hội. Lý trưởng thường đóng vai trò như là ủy viên thường trực của hội. Hội hoạt động trên tinh thần chăm lo việc làng, việc nước.

- Tổ chức lực lượng an ninh: Lực lượng bảo vệ chủ yếu đặt ở dưới các thôn, có

các đội tuần phiên, đứng đầu là thủ phiên, dưới là tuần phu hay tuần đinh. Đội của thôn nào chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh của thôn ấy, do thôn cấp thù lao. Trong

Khoán ước của thôn Trung Kính Thượng chép: “điều 5: bản thôn có đội tuần phiên mà không có người ra làm thì thay giáp trưởng hoặc đến tuổi lão lệ cũng nộp vọng số tiền y như giáp trưởng”; điều 8 ghi: “…dân làng cùng nhau lập lệ cấm từ nay về sau những người chăn nuôi gia súc phải nhốt gia súc lại, không được bừa bãi, nếu người nào không theo bản thôn giao cho tuần phiên bắt lại, mỗi con nộp phạt 3 mạch tiền” hay “trong bản thôn trước nay có kẻ gian trộm cắp…nay hội họp ở đình định lệ: từ nay về sau người nào không thi hành lệ trên bất kể già trẻ, trên dưới, nếu ai đục tường khoét vách nhà người khác ăn cắp mà bị tuần phiên, hay người trong bản thôn bắt, sẽ phạt 3 quan 6 mạch tiền, đánh 30 roi, nộp 3 mâm cỗ” [103].

Ở cấp thôn, xóm và giáp:

1 Ở đây chúng tôi có tham khảo và sử dụng tư liệu từ các công trình nghiên cứu về các khu vực làng xã lân cận như: Nhân Chính, Yên Hòa. Xin xem: [13; tr.41-46], [3].

26

Cấp thôn: các thôn ở Trung Hòa trước đây đều có thôn trưởng đứng đầu. Thôn trưởng do quan viên và đinh nam trong thôn bầu ra, rồi do cấp xã chuẩn y. Thôn chỉ có thôn trưởng không có có phó. Bên cạnh đó còn có tổng cán và thủ phiên giúp việc an ninh, có trùm thôn giúp việc hôn quan tang tế hay ca hát, âm nhạc v.v…cũng gọi là trùm trưởng. Trên danh nghĩa, thôn không có hội đồng gì theo quy chế của nhà nước, nhưng thôn trưởng muốn xin ý kiến có thể mời quan viên hàng thôn và các trưởng tộc họp tại đình bàn bạc. Nhìn chung, vai trò của thôn

trưởng khá quan trọng trong đời sống xã hội của thôn. Trong Khoán ước của thôn

Trung Kính Thượng chép: “Các vị thôn trưởng bản thôn có ai tuổi quá 40 thì được

miễn sưu dịch, việc đó giao cho hạng đinh tráng. Đến 55 tuổi lên hạng lão khao vọng nộp 6 quan tiền cổ”, hay một số điều khác quy định các trách nhiệm và quyền

lợi của thôn trưởng.

Cấp xóm: việc chia xóm và đặt tên ở các thôn làng đồng bằng Bắc Bộ thường dựa theo điều kiện địa lý và tự nhiên. Theo người dân kể lại, thôn Trung Kính Thượng trước đây có một số xóm như: xóm Đình là xóm ở quanh ngôi đình làng, xóm Chùa là ở xung quanh chùa Diên Phúc, xóm Giếng ở quanh khu vực Giếng Thơi đầu làng, xóm Cổng Đồng ở quanh khu vực cổng Đồng (tức là cổng đi ra đồng ruộng). Hay ở thôn Trung Kính Hạ có các xóm: xóm Điếm ở quanh khu vực điếm canh cũ (nay vẫn còn di tích), xóm Trại ở quanh khu vực trại chăn nuôi…Mỗi xóm đều có ngõ xóm, đường của xóm nối ra đường làng, nên mới có câu “đường làng ngõ xóm”. Nhìn chung, cư dân của các xóm cùng nhau chia sẻ quyền lợi chung về các công trình vật chất đường ngõ, giếng công, bờ cây ao cá, có cuộc sống tinh thần gần gũi, bảo vệ lẫn nhau trong khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau, đậm đà tình nghĩa, vậy nên người Việt xưa hay nói “thiếu anh em xa, mua láng giềng gần”, hay“tắt lửa tối đèn có nhau”.

Đơn vị giáp: ở đồng bằng Bắc Bộ, hầu như làng xã nào cũng có giáp. GS Từ Chi cho rằng giáp là tổ chức của nam giới theo lứa tuổi và mang tính chất phức tạp, không đơn thuần như tổ chức cấp xóm, và “cơ cấu của nó có phần ẩn tàng, một cơ

27

cách vận hành không dễ hiện lên ngay” [87, tr.46 – 47]. Còn GS Phan Đại Doãn

nhận xét, giáp là một tổ chức đa dạng, đa năng, rất linh hoạt và ít nhiều mang sự kết hợp yếu tố dòng họ với yếu tố địa vực, tín ngưỡng và tuổi tác [16, tr.266]. Theo các cụ ở làng Trung Kính Thượng, ngày xưa ở làng có 4 giáp: Giáp cả, nhất, nhì và ba.

Khoán ước của làng có khá nhiều điều quy định về trách nhiệm và các nghĩa vụ của

thành viên các giáp như: điều 4 “Lễ kỳ phúc tại đình…4 phiên giáp làm cỗ bàn kính

biếu, các vị sắc mục đem lễ biếu”, điều 24 “…trong giáp ai đến 55 tuổi thì tiền thuế, tiền đóng trong năm, việc quan dịch đều được miễn”, điều 26 “4 giáp hễ có việc quan dịch , thì mỗi giáp phụ trách 1 năm, đầu năm họp nhau lại rồi chiếu theo sổ đinh tính các khoản quan vụ rồi bổ theo đầu người”, điều 38 “4 giáp và 16 giáp trưởng tham gia việc quan dịch, việc tuần phiên trong thôn”, điều 2 “người nào nhận chức giáp trưởng trong năm đó sẽ được trừ nửa suất quan dịch của năm đó”

[103].

Khoán ƣớc

Khoán ước có thể coi là lệ làng thành văn. Phan Kế Bính đã định nghĩa

khoán ước trong sách Việt Nam phong tục như sau: “Chốn hương thôn thường có

ước hẹn riêng với nhau, lập ra sổ sách, đồng dân ký kết gọi là khoán ước” và giải

thích thêm “Trong khoán ước có thưởng có phạt, trừ ra những việc lớn đã có phép

của nước, còn việc nhỏ thì trong dân thôn thi hành lẫn nhau” [8, tr.159]. Thông

thường, khoán ước được ghi thành các điều khoản đề cập tới nếp sống và tập quán sinh hoạt của cộng đồng làng xã.

Thôn Trung Kính Thượng từ xa xưa đã có khoán ước, bao gồm 50 điều lệ làng, được dân làng hội họp và thông qua vào năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797). Tiếp đó những năm sau 1847 đời Thiệu Trị, 1875 đời Tự Đức, 1917 đời Khải Định, dân làng lại hội họp và bổ sung thêm những điều lệ khác, nâng số điều lệ lên gần 60.

Nhìn chung, bản khoán ước này những quy định của làng về những việc như: thờ cúng, an ninh, khao vọng, ca xướng v.v…và những quy định xử phạt các tội trộm cướp, đánh nhau, thậm chí là cả hôn nhân trai gái như: “lệ bản thôn từ xưa,

28

phân biệt thân sơ đến mức hỗn loạn, bất chính bất nhân luân giống như loài cầm thú, cẩu hợp mang thai, nếu đàn bà tố cáo, kẻ gian phu thì phải nộp 33 quan tiền. Quan viên hội họp bao nhiêu phải chịu. Nếu không tố cáo, thì cha mẹ không được nhận con nữa” [103, tr.18]. Với những quy định như vậy, khoán ước đóng vai trò

một “cương lĩnh hành động” về nếp sống hàng ngày của làng xã mà mọi cá nhân, thành viên và tổ chức trong làng xã đều phải chấp hành triệt để. Có thể nói, các luật, lệ được quy định trong khoán ước một mặt góp phần bảo vệ trật tự trị an, gắn trách nhiệm của các thành viên trong dòng họ, phe, giáp với làng xã, mặt khác tích cực vun đắp và gìn giữ những thuần phong mỹ tục của cộng đồng làng.

29

Tiểu kết

Nằm trên một dải văn hóa hàng nghìn năm lâu đời, xã Kính Chủ đã phát sinh và phát triển trong môi trường đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, với nhiều lần thay đổi tên gọi và địa danh hành chính, xã Kính Chủ trở thành xã Trung Kính và sáp nhập với xã Hòa Mục thành một vùng có tên gọi Trung Hòa. Phường Trung Hòa cũng được xây dựng trên nền tảng các làng xã này.

Giống như bao làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ, nhân dân Trung Hòa lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo, trong đó trồng trọt đem lại nguồn sống chính và thường xuyên. Ngoài ra, người dân Trung Hòa cũng sớm phát triển những ngành nghề thủ công đa dạng và độc đáo, trong đó nghề làm hương nổi bật lên như là nghề đặc sản của nhân dân nơi đây. Về mặt xã hội, cuộc sống làng xã của các cư dân Trung Hòa cũng được quy định bởi các luật lệ và phong tục tập quán bản địa. Tất cả những yếu tốt trên hòa hợp đan xen tạo nên một khung cảnh làng quê đậm chất Bắc Bộ.

30

CHƢƠNG 2

CHUYỂN BIẾN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở XÃ TRUNG HÒA TỪ NĂM 1947 ĐẾN NĂM 1997

Một phần của tài liệu Chuyển biến kinh tế xã hội ở phường trung hòa, quận cầu giấy, thành phố hà nội giai đoạn 1947 2014 (Trang 25 - 30)