Số phận con người thời hậu chiến

Một phần của tài liệu chiến tranh qua cái nhìn của bảo ninh và erich maria remarque trong nỗi buồn chiến tranh và phía tây không có gì lạ (Trang 99 - 103)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Số phận con người thời hậu chiến

Thời gian là phương thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành những vết thương đau đớn do chiến tranh đã gây ra nhưng nỗi buồn miên man thì sẽ còn lại mãi, song hành cùng ký ức, trở thành chính tâm hồn con người. Trong tâm thức mỗi người sống sót trở về lại hình thành nên những cuộc chiến khác, in đậm dấu ấn chiến tranh.

Trong một lần phỏng vấn ở Osnabruck, các độc giả đã hỏi Remaque về lí do mà ông viết tác phẩm PTKCGL, nhà văn trả lời:

Đó là hành vi tự phân tích mà ở đó tôi đã tìm được cách trở về với những trải nghiệm chiến tranh của mình. Tôi có thể thấy hiện tượng tương tự ở những người bạn và những người mà tôi quen biết. Cái bóng

khổng lồ của chiến tranh bao trùm lên tất cả chúng tôi, đặc biệt là khi chúng tôi cố gắng loại bỏ nó ra khỏi kí ức. Ý nghĩ này xảy ra hàng ngày với tôi và tôi đặt bút viết mà không nghĩ quá nhiều về những cách thức trước đó [8,15].

Dường như có hai cuộc chiến thường nhật diễn ra trong tâm hồn Paul (PTKCGL) và Kiên (NBCT). Mỗi khi may mắn thoát khỏi “đường đạn”, họ lại có dịp lục vấn mình, không nguôi nghĩ về quá khứ và tự thấy mình không thể nào sống nổi cuộc sống “bình thường” được nữa. Bằng chứng là Paul sau mấy ngày về phép, đã thề là “sẽ không bao giờ về phép nữa”; Anh nằm xuống trên chiến trường với vẻ “rất bằng lòng”. Còn Kiên dù sống sót trở về nhưng chẳng khác nào đã chết rồi.

"Cái tàn bạo của một cuộc chiến hiện ra khi nó tước đi sinh mạng con người, nhưng kinh khủng hơn là việc nó không ngừng ám ảnh cả những kẻ sống sót, hoặc tưởng mình sống sót [39]". Kiên là một ví dụ như thế. Khi chiến đấu, anh là một lính giỏi, có kỹ năng, có lòng can đảm. Anh chiến đấu với kẻ thù, với cái Chết và trở về. Khi hòa bình, anh nhận ra tâm tưởng mình đã vĩnh viễn nằm lại trong quá khứ đã qua, thứ đang sống chỉ còn là thân xác mà thôi. Dù dặn lòng là “hãy quên hôm qua đi” nhưng mà tâm hồn Kiên thì đã “ngưng bước lại ở những tháng ngày ấy”. Một cách trực giác anh luôn nhận thấy “quá khứ vẫn đang lẩn khuất. Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa rồi vang trên hè phố lát đá [59,43]”. Hay như một nhân vật khác, Vượng, anh lính lái xe giải ngũ cứ tưởng sẽ tiếp tục hành nghề lái xe để sống đời dân thường chẳng ngờ lại mắc chứng bệnh oái ăm. Vượng chịu được xóc nảy ổ gà, ổ voi khi lái xe trong chiến trường nhưng với những con đường “êm êm, nhũn nhũn” thời bình lại khiến anh nôn ọe, say xe. Khổ thay, anh đã quen với chiến tranh mất rồi.

Chiến tranh trong tiểu thuyết hậu chiến không phải là “hữu lý” mà chủ yếu là một “nghịch lý” (Hoàng Ngọc Hiến), bởi không đâu như ở đây, người

lính trở về lại nặng mang “nỗi buồn được sống sót”. Họ cảm thấy mình “bị

bắn ra khỏi lề đường” (Ăn mày dĩ vãng), “bị mắc kẹt lại trên cõi đời này” (NBCT) và không ngờ mọi thứ ở nhà bây giờ trở nên “quá xa lạ”, “chán chường đến thế” (PTKCGL). Nhân vật của Bảo Ninh và Remarque rất giống nhau trong bước đầu ngộ nhận về chiến tranh và nhanh chóng nhận ra tính chất hủy diệt của nó. Họ dùng lí trí để suy xét moi sự diễn biến trong cuộc sống và nhận ra bản chất Người đang dần bị thay thế bằng cái Ác, cái Xấu. Vì vậy con người trở nên lạc lõng, chơ vơ. Nỗi cô đơn được nhân lên gấp nhiều lần khi họ trở về với thời bình. Họ cô độc và chẳng có gì trong “chuỗi ngày bất tận… nhạt thếch, buồn tẻ và êm đềm đến phát ốm” của hiện tại. Cũng chẳng có gì để bấu víu ngoài “mảnh quá khứ phập phồng đập trong lồng ngực ọp ẹp”. Họ hụt hẫng, đau xót và phẫn nộ trước thái độ thờ ơ của mọi người đối với cuộc chiến mà thế hệ họ đã “quăng mình vào”: “Chiến tranh mới đó, hơn chục năm chứ nhiều nhặn gì đâu mà sao cả người ngoài lẫn người trong cuộc đều chóng vánh quên đi quá thể vậy? Sao… nhắc đến mọi kỷ niệm đau thương lại ráo hoảnh như nhắc đến cuộc chiến tranh của người khác, của quốc gia khác”? (Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai). Dù có lúc người lính cũng thầm mong ước được sống bình thường và “quên hẳn chiến tranh đi” nhưng “đồng thời với điều ấy cũng làm họ ghê tởm” Người bước ra từ lửa đạn chiến tranh nhìn những người sống trong hòa bình với thái độ vừa “thèm muốn” nhưng lại vừa “khinh bỉ”. Bởi theo anh, “cuộc sống như thế làm sao lấp đầy một kiếp người được” (PTKCGL). Trong NBCT, hai chữ “thân phận” luôn luôn ám ảnh tâm trí Kiên. Trước khi bước vào cuộc chiến, trong giờ khắc ngắn ngủi bên Phương, anh cảm thấy “sự bất lực và nhỏ bé của thân phận, của nỗi niềm riêng tư của một hai con người giữa biển đời”. Sau chiến tranh nhìn lại, anh càng thấm thía

“thân phận con sâu cái kiến” của người lính trước “gánh nặng bạo lực”. Chiến tranh là “nguyên nhân của mọi khúc đoạn và nông nỗi của đời anh” và khi đi tìm ý nghĩa thực của đời mình, Kiên thấm thía một điều rằng: mình và bao đồng đội đều là nạn nhân của cuộc chiến, dù kẻ mất người còn nhưng “mỗi người đều bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng”. Sự sống sót của Kiên xét đến cùng là một sự chết dần về tinh thần. Đã có lúc anh tin rằng mình đã phục sinh, “nhưng là một sự phục sinh lùi về sâu xa. Sẽ mỗi ngày một lùi xa hơn, sẽ không ngừng phục sinh trong chuỗi dài tái hiện [59,83.]” và cuộc đời mới của anh “chính là cuộc đời đã qua, là tuổi trẻ đã mất đi trong nỗi đau buồn chiến tranh [59,83]”.

Hôm nay trở về, những người lính như Kiên, Paul sẽ không tài nào hòa nhập nổi với xu thế của đời thường.Dù không có tiếng súng, không có lửa đạn bom rơi, nhưng những cạnh tranh khốc liệt, những bộ mặt giả dối lẫn lộn thực hư của ngày nay làm họ thấy “tởm lợm”. Họ chỉ muốn “được ngồi yên thân một chỗ” hoặc là “trốn vào quá khứ” bằng cách viết, viết mãi về những chuyện đã qua… để mà còn muốn sống. Đứng trước nỗi buồn miên man vô tận này, chúng ta tự hỏi phải chăng cách nhìn của Bảo Ninh và Remarque nhuốm đầy màu sắc bi quan? Thực ra có nỗi buồn tang thương ảm đạm, gây những phản ứng tiêu cực trong lòng người. Nhưng cũng có những nỗi buồn thấm thía thiết tha đầy tính nhân văn, chạm vào những khoảng lặng tâm hồn của cả nhà văn lẫn độc giả, khiến người biết thương người hơn và càng biết trân trọng cuộc sống. Bởi những người biết đau xót trước mất mát của chiến tranh cũng chính là những người yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng hi sinh để gìn giữ hòa bình hơn cả. “Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng, nhưng nỗi buồn không bao giờ là màn kịch cả". Đó là thông điệp chính mà những nhà nghệ sĩ như Remarque, Bảo Ninh muốn gửi lại, cho thế hệ trẻ hôm nay nhận diện bộ mặt hủy diệt của chiến tranh. Để chúng ta không bao giờ

được quên quá khứ, bởi “quá khứ nhất định quay trở lại với những kẻ quên quá khứ” (Tạ Duy Anh).

Nhìn chung những con người “bước ra từ cuộc sống bất bình thường” hôm qua đã không thể lấy lại được cuộc sống bình thường hôm nay. Họ thuộc về một thế giới khác, một tuýp người “không tài nào nhấc chân ra khỏi miệng hố của chiến tranh, loại người bị ký ức quá kinh khủng đè bẹp và làm cho suy đốn(NBCT). Hay còn gọi là “thế hệ bỏ đi” (lost generation) theo cách nói nôm na của Remarque.

Một phần của tài liệu chiến tranh qua cái nhìn của bảo ninh và erich maria remarque trong nỗi buồn chiến tranh và phía tây không có gì lạ (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)