Thời điểm truyện được kể

Một phần của tài liệu chiến tranh qua cái nhìn của bảo ninh và erich maria remarque trong nỗi buồn chiến tranh và phía tây không có gì lạ (Trang 44 - 48)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Thời điểm truyện được kể

Thời điểm câu chuyện được kể hay còn hiểu là thời gian mà nhà văn bắt đầu viết câu chuyện. Theo chúng tôi, "thời điểm được kể" đóng vai trò hết sức quan trọng đối với tiểu thuyết thời hậu chiến. Bởi lẽ thông qua đó, người đọc nhận biết được câu chuyện đang diễn ra ở "thì" nào và tại sao nhà văn lại viết như vậy. Điểm lại hai tác phẩm của Bảo Ninh và Remarque, chúng ta dễ dàng nhận ra chiến tranh trong hai tác phẩm là hồi ức về "nó" chứ không phải "nó" đang diễn ra. Nhà nghệ sĩ không tái hiện lại trận chiến mà dùng tư tưởng để trình bày những suy ngẫm của cá nhân về chiến tranh. Điều này được thể hiện rất rõ trong từng nhan đề của tiểu thuyết.

"Tác phẩm văn học bắt đầu từ cái tên (Pushkin)". Nhận định ấy cho thấy rất rõ một điều: nhan đề của tác phẩm, ấy chính là một bộ phận không thể tách rời khỏi chỉnh thể tác phẩm. Do vậy mà tìm nhan đề cho tác phẩm cũng chính là một phần hữu cơ trong việc tác giả trình tác phẩm của mình ra với công chúng. Coi nhẹ hay trăn trở với việc đặt tên, ở một phương diện nào đó, là dấu hiệu cho biết về mức độ đậm nhạt trong tính chuyên nghiệp của một nhà văn… Có rất nhiều cách đặt nhan đề khác nhau. Có thể có những nhan đề thâu tóm toàn bộ tinh thần chủ đạo của câu chuyện (thường thấy trong tiểu thuyết chiến tranh truyền thống), cũng có những nhan đề chỉ là cái tên của nhân vật (Chí Phèo, Lão Hạc…); đôi khi nhan đề tác phẩm lại giống như một sự lộn trái của cái nội dung mà nó thâu tóm. Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh (bản tiếng Việt là Phía Tây không có gì lạ) của Remarque là một trong những trường hợp như thế. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh về cái chết của Paul vào một ngày tháng 10 năm 1918, một ngày mà các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ chứa gọn một câu “Mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh”

và nó đã được lấy làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết. Một nhan đề rất giàu giá trị tư tưởng. Cách tạo “ấn tượng đối lập” này của Remarque rất gần gũi với Mikhail Solokhov trong tiểu thuyết Sông Đông êm đềm. Có ai trong số những người lính tham chiến trong Đại chiến Thế giới thứ nhất lại cảm thấy yên tĩnh hay quen thuộc đến bình thản với cảnh chết chóc khủng khiếp? Có cái gì là êm đềm ở vùng sông Đông trong cơn bão táp cách mạng? Không ai cả! Không gì cả! Đó là câu trả lời dứt khoát của bất cứ ai đã đọc hai tác phẩm nói trên. Họ sẽ thấy cái nhan đề là đối nghịch với nội dung tác phẩm. Và nó là một điều gì đó thật ấn tượng, găm chặt trong ký ức của con người, một lần cho mãi mãi.

Mặt khác, trong PTKCGL, Remarque đã chủ định mở đầu trang sách bằng một lời đề từ đầy ý tứ: "Cuốn sách này không phải là một bản cáo trạng, cũng không phải là một bản phát biểu chính kiến. Nó chỉ thử nói về một thế hệ bị chiến tranh hủy hoại. Ngay cả khi thế hệ ấy đã thoát khỏi những viên đạn đại bác [62,5]". Không ngôn từ nào có thể nói rõ ràng hơn, ngắn gọn hơn những gì nhà văn đã nói trong lời đề từ. Bằng cách “rào trước đón sau” Remarque đã bộc lộ tư duy nghệ thuật của mình – một lối tư duy có thể sẽ bị nhiều người phản đối. Nhưng nó lại phù hợp với lối viết thời hậu chiến. Tất cả chỉ là nhìn lại và suy ngẫm về quá khứ quá khứ tồn tại trong người lính năm xưa ngay cả khi người đó đã trở về với hòa bình. Nếu đã là suy ngẫm lại, thì chiến tranh có thể được nhìn ở những góc độ khác so với diễn tiến của lịch sử

những góc độ mà do hoàn cảnh người ta thường tránh nói tới. Từ đó sản sinh ra những câu chuyện chiến tranh với những tựa đề có tính “giải thiêng” như NBCTcủa Bảo Ninh.

Tiểu thuyết chiến tranh trước 1975 ở Việt Nam thường mô tả những cảnh chiến đấu hoành tráng, vì vậy cái “nhan đề” cũng mang đậm tính chiến đấu và cho thấy độ mở bao la sử thi. Đó là Vùng trời, Vỡ bờ, Sống mãi với thủ

đô... còn đến với Bảo Ninh, người ta thấy lần đầu tiên từ “chiến tranh” được kết hợp với từ “buồn” – một từ vô cùng thích hợp, nhưng trước đó chưa từng ai sử dụng. Ở góc độ nào đó, nhan đề đã bộc bạch tâm tư của người cầm bút vốn từng là chiến binh đã xả thân trên chiến trường. Nó là một “nửa sự thật” cần được hoàn chỉnh sau khi chiến tranh kết thúc. Vì vậy có thể nói câu chuyện mà nhà văn viết ra không hẳn là “bôi đen” và cũng không “tô hồng” sự thật lịch sử. Chiến tranh và những diễn biến của nó không phải tâm điểm của cuốn tiểu thuyết. Câu chuyện bị gián đoạn, phân tán và chia đều nhau giữa các cảnh trước, trong và sau chiến tranh. Thậm chí, cảnh sau chiến tranh chiếm tỉ lệ rất lớn trong hai cuốn sách của Bảo Ninh và Remarque. Chúng ta sẽ so sánh điều này qua bảng thống kê sau:

1. NBCT của Bảo Ninh (2009), Nxb Văn học, HN.

Thời gian Số cảnh Tỉ lệ

Trước chiến tranh 6 25%

Trong chiến tranh 6 25%

Sau chiến tranh 12 50%

2. PTKCGLcủa Remarque (1962), Nxb Văn hóa, Viện văn học, HN.

Thời gian Số cảnh Tỉ lệ

Trước chiến tranh 3 17%

Trong chiến tranh 6 33%

Sau chiến tranh 9 50%

Nhìn tổng thể cách dàn dựng câu chuyện, ta thấy rất rõ dụng ý nghệ thuật của nhà nghệ sĩ. Hai tác phẩm đều có số cảnh “sau chiến tranh” nhiều nhất, chiếm số trang và tỉ lệ lớn nhất trong toàn bộ cuốn sách. Phải chăng, đây là một thông điệp mà nhà văn muốn nhấn mạnh khi kể chuyện: cuộc sống và

suy nghĩ của con người thời hậu chiến. Trong NBCT, tỉ lệ các cảnh có sự chênh lệch khá cân đối: 6 : 6 : 12. Các cảnh trước chiến tranh và trong chiến tranh chiếm tỉ lệ tương đương, trong khi cảnh hậu chiến gấp đôi các cảnh còn lại. Điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nội dung cốt truyện và tiến trình phát triển tâm lí nhân vật. Từ đó, ta thấy rằng cựu chiến binh Bảo Ninh không lấy thời điểm chiến tranh làm trọng tâm cho tác phẩm của mình, mà ông dùng chiến tranh làm “đòn bẩy” để bộc lộ “cái nhìn” của con người hôm nay về bản chất của chiến tranh. Ông không chú trọng mô tả chiến tranh đang xảy ra, khi mà mỗi sự kiện, mỗi hành động, mỗi hành vi được diễn tả như xảy ra một lần và duy nhất. Ở đây là những hồi ức, những thước phim tua đi tua lại, vì thế mọi thứ diễn đi diễn lại, với những tầng bậc trải nghiệm, cấp độ cảm xúc mỗi lúc khác nhau. Tương tự như vậy, Remarque cũng có tổ chức thời gian khá rõ ràng giữa ba giai đoạn: trước chiến tranh, trong chiến tranh và sau chiến tranh qua diễn tiến cuộc đời của nhân vật Paul. Mặc dù ranh giới giữa cảnh chiến trận và hậu chiến còn mờ nhạt hơn so với NBCT nhưng nhờ vào “tính tự thuật trực tiếp” nhà văn đã khắc họa thành công tâm trạng của Paul lúc ở hậu phương cũng như lần về phép của anh. Đây chính là nơi để nhân vật bộc lộ những suy ngẫm của mình về chiến tranh, những suy ngẫm không có tính chất anh hùng, cao cả, hi sinh… của người lính trên chiến trường. Khi viết về đề tài chiến tranh và con người trong chiến tranh sau khi kết thúc cuộc chiến, những nhà văn như Remarque và Bảo Ninh đã nhìn nhận, khám phá hiện thực chiến tranh ở một góc độ khác. Họ nhìn thấy bộ mặt gớm ghiếc của chiến tranh, sự bất an của con người. Đúng như dự cảm của Phương trong một buổi đi dạo bên Hồ Tây với Kiên: "Em nhìn thấy tương lai – Đấy là sự đổ nát”, “ngọn lửa thiêu các bức tranh, thiêu đốt cha và luôn cả đời em”. Đúng như Paul từng nói: "Chiến tranh biến chúng mình thành những người vô tích sự".

Như vậy, thời điểm câu chuyện được kể là điểm nhấn vô cùng quan trọng để lí giải “điểm nhìn” nghệ thuật của nhà văn. Cùng một đề tài, một cuộc chiến nhưng ở những thời điểm khác nhau, sẽ sản sinh ra những cách nhìn nhận khác nhau. Với mục đích khơi gợi hướng đối thoại từ phía người đọc, hai nhà văn đã tạo ra tiếng nói “đa thanh” trong tiểu thuyết dựa vào việc dịch chuyển điểm nhìn trần thuật. Nhờ đó, tác phẩm văn học không chỉ là “hư cấu” của nhà văn mà còn là cuộc đời, là số phận của cá nhân trong chiến tranh. Ở đó, người ta thấy hiện thực với nhiều chiều kích khác nhau, gắn với số phận của từng người, tạo nên tiếng nói chung cho cả nhân loại: tiếng nói lên án chiến tranh. Để biết rõ hơn điều này ta phải đi vào kết cấu trần thuật vì đây là nơi tổ chức điểm nhìn của tác giả.

Một phần của tài liệu chiến tranh qua cái nhìn của bảo ninh và erich maria remarque trong nỗi buồn chiến tranh và phía tây không có gì lạ (Trang 44 - 48)