6. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Thân phận người lính chiến
Chiến tranh đánh cắp tuổi xuân, thể xác, tâm hồn và những khát vọng bình dị nhất của con người, mà trước hết là những người lính chiến. Mất mát trong chiến tranh không loại trừ một ai, kể cả người ở mặt trận lẫn người ở hậu phương, từ phía bên kia cho đến phía bên này cuộc chiến. "Chiến tranh không vui gì, đối với bất cứ dân tộc nào, dù là tự vệ hay xâm lược, chiến tranh đều mang ý nghĩa bi kịch. […] Với từng con người, chiến tranh là thứ dung dịch cực mạnh. Trong dung dịch đó tất cả đều hiện ra, lên màu, lên nét
[43,115]". Có thể chiến tranh “chỉ là một gián đoạn đối với những người đã có gia đình” như Detering, Kat… Nhưng với những người lính rất trẻ như Paul, Kropp, Kiên, Tạo, Can, Thịnh,... khi bắt đầu biết được ý nghĩa của cuộc sống thì “chỉ còn là cái chết”. Họ bị mất tất cả: tuổi thơ, ước mơ, tương lai, bạn bè, người yêu… và đánh mất chính mình, cả “nhân hình lẫn nhân tính”. Khi đã đi sâu vào cuộc chiến, họ “chỉ biết rằng mình đã trở nên thằng cục súc một cách kì quái và đau đớn” dù rằng đôi khi người ta “không còn đủ sức để cảm thấy buồn phiền nữa” [62,31]. Và như bao nhiêu người khác, Kiên đã ra đi, đã tiêu tán cuộc đời cho chiến tranh, cho lý tưởng, để rồi trong một phút định thần ngoảnh lại, Kiên đứng lặng ngắm toàn cảnh đời mình đang mất đi, đang trôi xa, đang vĩnh biệt chính mình. Ðộc thoại trên đây nói lên một thực tại rớm máu: những nhỏ nhặt, tầm thường như ăn, ngủ, chơi, vui, buồn, đau, sầu, nhớ... của cuộc sống hàng ngày, một khi đã bị che khuất bởi những vinh
hạnh to lớn như Tổ quốc, lý tưởng thì nó vĩnh viễn không hồi sinh được nữa: con người đã bị đánh bật ra khỏi cuộc đời.
Ở lứa tuổi 18, Paul Boymer cùng đám bạn có mặt tại mặt trận. Những đứa trẻ mới rời vòng tay bố mẹ và bài giảng của thầy cô giờ đây buộc phải đối mặt không những với kẻ thù mà còn với những điều kiện sống vô nhân đạo. Rất nhiều điều trên thế gian này con người biết chỉ như khái niệm. Paul sẽ mãi mãi hiểu thiên đường một cách tương đối thôi nếu anh không phải sống trong địa ngục. Trước chiến tranh, anh và đám bạn vô tư dường như không bao giờ đặt ra câu hỏi thế nào là thiên đường cuộc sống, đến khi sống trong hoàn cảnh địa ngục của cuộc chiến, anh mới biết mình đã đánh mất một thiên đường. Nhớ về một thiên đường đã mất, người lính chỉ còn biết sống bằng hy vọng sẽ có ngày được trở về nhà, lấy lại thiên đường ấy. Thế nhưng hoá ra thiên đường ấy vốn đã không có: ở đó những đứa trẻ đáng lẽ được sưởi ấm trong tình yêu, được đến giảng đường đại học, thì lại bị cả một bộ máy tuyên truyền, một tinh thần dân tộc chủ nghĩa sô-vanh đánh lừa, đẩy chúng ra mặt trận. Sau những thất vọng và đổ vỡ, Paul chỉ còn biết khóc thương tiếc một thiên đường mà mình không bao giờ trở về được nữa.
“Người ta sinh ra không phải đã là lính” (K. Simonov). Ai cũng có cha mẹ sinh thành, nuôi nấng và kì vọng mình phát triển một cách bình thường theo quy luật tự nhiên của con người. Điều này tưởng như rất đơn giản nhưng lại không hề giản đơn trong thời chiến. Khi nghĩ về điều này, Bảo Ninh đã triết lí như sau: "thời buổi chiến tranh, thời buổi ngược đời, cho nên những chuyện được coi như là lớn lao, những mối nguy to tát đều là sự thường nhật, còn những gì nhỏ, cỏn con như niềm vui nỗi buồn hàng ngày của kiếp người thì lại rất trái lẽ và họa hoằn lắm mới có nổi [59,30]". “Chiến tranh tàn phá về vật chất, gây nên những mất mát đau thương trên thân thể, trong tâm hồn, nhưng trước hết và trên hết, nó đã làm ức chế, tước đoạt những nhu cầu tự
nhiên nhất của bản năng con người [15]”. Trong lớp Paul, Lia là “đứa đầu tiên có nhân tình”, thế rồi anh và các bạn bước vào chiến trận, mang theo cả tình yêu đầu đời của mình là sách vở và những cánh bướm. Paul chưa từng được tiếp xúc với phụ nữ. Để giải tỏa ức chế, hoặc là họ phải đến nhà thổ hoặc là lặn lội trong đêm, vượt qua sông, thậm chí có thể bị “ăn đạn” để được hẹn hò với mấy cô gái Pháp. Cùng chung “cảnh ngộ”, các anh em của trung đội trinh sát (NBCT) dũng cảm, ngang tàng là vậy nhưng họ chưa từng được “yêu” trước khi bước vào đời lính. Vô tình gặp ba cô gái trong tổ sản xuất bị bỏ quên giữa đường chiến tranh, họ đã chung đụng một cách lén lút, tủi nhục. Tình yêu và đời sống bản năng là nhu cầu thiết yếu để duy trì mối quan hệ, dòng giống loài người, vậy mà trong thời buổi chiến tranh, nó đã bị hủy hoại không thương tiếc.
Chiến tranh cướp đi sinh mạng của vô số người. Đầy rẫy những cái chết rất khác nhau được miêu tả cụ thể qua hai tác phẩm. Kí ức của Kiên trong
NBCTlà kí ức về những cái chết của đồng đội. Can chết trên đường đào ngũ, chỉ còn lại “mặt của xác chết quả rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục”; Quảng phải tự hủy khi quá đau đớn vì “lục phủ ngũ tạng đã đứt hết”. Hòa chết trong tủi nhục bị cưỡng hiếp. Oanh chết khi đã sát giờ chiến thắng. Có những trận càn “xóa sổ” cả một trung đoàn, và từ đấy không còn ai biết đến họ nữa. Sinh trở về với mảnh đạn trong đầu và chết dần chết mòn trong căn nhà cũ… Chúng ta cũng bắt gặp các trạng huống tương tự trong tác phẩm của Remarque: Tetgien “thét lên gọi mẹ, mắt mở trừng trừng, tay cầm lưỡi lê, đầy vẻ hoảng hốt” trước khi chết. Trong khi đó, Kemmerich chỉ âm thầm “khóc”, nó không hề nhắc đến ai cả. Nó chết khi “mặt còn ướt đẫm nước mắt”. Còn Han Kramer bị “một quả đại bác nghiền nát như tương”; Kat trong lúc bị thương, một viên đạn lạc vào đầu, chết rất lặng lẽ… Mỗi người một vẻ khác nhau nhưng họ đã từng là những người “cùng chung chiến hào”, “vào sinh ra
tử” có nhau. Chỉ vô tình mà sống sót, vô tình mà chết đi, không ai biết trước được. Người lính trên chiến trường luôn ở trong tâm thế “một đi không trở về”.
Thân phận của người lính trong chiến tranh là gì? Là “con sâu”, “cái kiến”, là những “người lính thường đã góp phần tạo nên sức mạnh vô địch của cuộc chiến” nhưng "sự thực là mỗi người trong số họ đã bị chiến tranh chà nát theo một kiểu riêng, mỗi người ngay từ ngày đó đã mang trong lòng một cuộc chiến tranh của riêng mình nhiều khi hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung, những nhìn nhận mà sâu trong lòng cực kỳ khác nhau về con người, về thời đại chiến trận, và đương nhiên mỗi người một số phận hậu chiến [59,257]". Không để cho các nhân vật được chết “yên bình” trên chiến trường như Remarque đã làm trong tác phẩm của mình, Bảo Ninh với NBCT tập trung xoáy sâu vào số phận của con người thời hậu chiến. Nếu như Paul chết “trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi bản thông cáo chỉ ghi là mặt trận phía Tây vẫn yên tĩnh”, dĩ nhiên là cùng lúc đó các bạn anh, người bị tàn tật, người thì chết, người mất tích…cả đại đội 150 người, không còn một ai. Anh chết “với nét mặt bình thản” và có vẻ “bằng lòng với kết cục như vậy”. Điều này không những có giá trị tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh mà còn là một dụng ý nghệ thuật của tác giả, nhằm thoát khỏi những ám ảnh mà người sống sót phải gánh chịu trong hòa bình. Mấy ngày về phép của Paul là minh chứng rất rõ ràng cho suy nghĩ này của nhà văn. Chết là một trong những nỗi đau lớn nhất mà con người phải gánh chịu nhưng sống mà giày vò ruột gan, tâm trí đảo điên thì cũng khổ sở không kém. Chưa nói đến tâm trạng của những gia đình có người thân tử trận. Biết bao người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, gia đình ly tán. Chua xót hơn là cảnh “không chết người trai khói lửa, mà chết người em nhỏ hậu
phương” (Đồi tím hoa sim – Hữu Loan). Cả người chiến thắng lẫn người bại trận trở về đều bị mất đi những gì gần gũi nhất với đời mình.
Có thể thấy đau thương và mất mát trong chiến tranh là có thực. Ở đó con người bị hủy hoại cả thể xác lẫn tâm hồn. Dù muốn dù không chúng ta cũng phải đối mặt với sự thật thảm khốc này. Nhưng với bản năng sinh tồn và sức mạnh vượt trội của mình, con người đã khắc phục được những mất mát để bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới trong tương lai. Có điều ở một góc độ nào đó, những người sống sót trở về vẫn nặng mang những kí ức khôn nguôi của quá khứ, điều đó cũng để nhắc nhở chúng ta không bao giờ được quên hôm qua với những “oai hùng” lẫn đau thương, “cả những vinh quang và cay đắng”. Nhìn thẳng bộ mặt tàn khốc của chiến tranh, nói lên tiếng nói cảnh báo về những hiểm họa của chiến tranh để lại sau chiến tranh, nhưng đồng thời dựng lại hình ảnh của những con người bằng sự chịu đựng và sức mạnh anh hùng đã làm nên sức mạnh cho cuộc chiến, đó là tất cả những gì mà Remarque cũng như Bảo Ninh đã hết lòng gửi gắm trong những đứa con tinh thần của mình.