Lý tưởng nhân văn

Một phần của tài liệu chiến tranh qua cái nhìn của bảo ninh và erich maria remarque trong nỗi buồn chiến tranh và phía tây không có gì lạ (Trang 109 - 112)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Lý tưởng nhân văn

Chiêm nghiệm chiến tranh còn gắn liền với những trăn trở day dứt của người lính về vấn đề nhân tính. Người lính trong tiểu thuyết của Bảo Ninh và Remarque không bị đặt nặng vấn đề ý thức hệ mà được soi chiếu dưới cái

nhìn mang tính nhân loại phổ quát. Họ là những con người đi qua chiến tranh, phải buộc trở thành những “cỗ máy giết người” không ghê tay, phải giết chóc như một lẽ tất yếu để tồn tại. Trong NBCT, Can – một đồng đội của Kiên đã bộc bạch: “Tôi vẫn tự nhủ là tránh giết người bằng dao và lê mà quen tay mất rồi [59,20]”. Kiên cũng đã phải chứng kiến tận mắt “những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng”, nhưng rồi… “cả thế hệ anh đã lao vào trận chiến một cách hăng say, một cách hung dữ”. Tương tự, đầy rẫy những cảnh chém giết rất tàn bạo trong PTKCGL: “Bây giờ có kiểu xung phong chỉ bằng lựu đạn và xẻng. Cái xẻng mài sắc là thứ vũ khí thuận tiện và lợi hại hơn nhiều. Không những nó có thể cắm phập vào yết hầu quân địch, mà nhất là có thể quật những nhát hết sức mạnh. Đặc biệt nếu quai một nhát chéo góc khoảng giữa cổ và vai, nó có thể sả đến tận ngực như chơi” [59,98]. Tình người, lòng nhân đạo không có chỗ trong cõi một sống một chết như chiến tranh. Bởi khi người lính trong một khoảnh khắc đánh mất lý trí vì lòng thương có thể bị trả giá bằng chính mạng sống của mình. Chỉ một câu nói “sắp giã nhau kịch liệt” mà có sức mạnh hơn cả “sự sắc bén của một lưỡi lê dưới ánh trăng”, nó buộc “cái sinh mệnh quý báu nhất và thầm kín nhất” trong tâm hồn người lính phải “chồm lên để tự vệ” [62,58]. Dù thấy mình trở nên “cục súc”, biến tính đến “kì quái và đau đớn” nhưng người lính cũng “không còn đủ sức để buồn phiền nữa”. Nỗi đau và sự sợ hãi thường trực trên mặt trận đã tước đi của họ linh hồn và lý trí, tất cả những gì họ cần làm và phải làm là tự vệ, chống trả một cách điên cuồng và mù quáng và rồi trở về với một nhân dạng méo mó, tật nguyền.

Tuy vậy cũng có những hoàn cảnh, lòng thương trỗi dậy mạnh mẽ như một thứ bản năng trong mỗi người lính, khiến giữa những con người cầm súng ở hai đầu chiến tuyến không còn sự phân biệt địch – ta mà chỉ còn niềm thương xót cho số kiếp làm người. Paul không hề muốn giết Duval miễn là anh ta

“cũng phải biết điều một chút”. Khi đối diện trước cái chết của kẻ bên kia chiến tuyến, anh thấy hoang mang, sợ hãi. Paul tìm đủ mọi cách để chăm sóc người lính Pháp như chính đồng đội của mình. Anh sẵn sàng đánh đổi 20 năm tuổi xuân để cho “bạn đứng dậy”, “sẵn sàng chịu đựng tất cả để cho hắn sống”. Paul tự nhủ: kẻ thù chỉ là “một ý nghĩ, một sự tính toán trong đầu, và mình đã đâm vào sự tính toán ấy [62,190]”.

Câu chuyện của Phán trong NBCTlà một trường hợp như thế. Trong một trận chiến giữa đại đội trinh sát của Phán và một đại đội biệt động của Ngụy vào một chiều mưa, như một sự sắp đặt của định mệnh, Phán và một kẻ thù cùng ngã lộn vào một hố bom. Ban đầu, theo bản năng tự vệ, Phán đã đâm tới tấp vào tên Ngụy. Nhưng khi nhận ra anh ta đã bị thương từ trước đó thì Phán thấy “khủng khiếp quá và thương tâm quá”! Anh “xé áo để băng”, chạy đi tìm bông băng nhưng cơn mưa rừng ập tới khiến anh lạc mất cái hố có tên lính ngụy bị thương đang nằm đó. “Ngụy ơi, Ngụy ơi, tôi gọi lồng lên chạy tìm cuống quýt… Nghĩ tới cảnh ngộ của anh ta lòng tôi đau đớn cuồng thắt. Suốt đêm tôi mò mẫm lăn lộn lần tìm…[59,89]”. Tiếng gọi và hành động cuống cuồng, tuyệt vọng ấy của Phán, là sự thức tỉnh của lòng nhân tiềm ẩn trong sâu thẳm tâm tính người. Đâu đó vẫn còn vang vọng lời cảnh báo của người lính ở Sân bay Tân Sơn Nhất: “Liệu mà coi chừng nhân tính”. Tiếng nói ấy đã làm rạng ngời vẻ đẹp của tình người trong chiến tranh.

Viết về những trăn trở của tâm hồn, sự hướng thiện, sự đối chất giữa sự hủy diệt và bài ca bất diệt là lí tưởng nhân văn cao đẹp mà Bảo Ninh và Remarque muốn hướng tới trong tác phẩm của mình. Theo cách nhìn này của nhà nghệ sĩ thì “chiến tranh càng phải giữ gìn nhân tính chứ chiến tranh đâu có phải miếng đất cho thú tính tràn vào” (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai). Nói khác đi, chiến tranh có thể tàn phá tâm hồn và thể xác con người nhưng không huỷ diệt được lòng nhân ái và đó mới là sức mạnh của con người thế kỉ XX.

Ta có thể thấy rõ điều này qua nhiều tác phẩm nổi tiếng trên thế giới như Mặt trời vẫn mọc, Chuông nguyện hồn ai của E. Hemingway hay Số phận con ngườicủa M. Solokhop. Lòng nhân ái, sự vi tha đã giúp con người vững bước vượt qua thương đau. Đó là một trong những chủ đề chính mà Solokhop muốn chuyển tải trong tác phẩm Số phận con người. Người cựu chiến binh Socolop là biểu tượng cho những người lính Nga cũng như nhiều người lính khác trên thế giới thời hậu chiến.

Bằng việc khắc hoạ chân dung những con người vừa đời thường, trần thế vừa đẹp đẽ, thánh thiện, luôn khao khát cái đẹp và hướng tới cái thiện, hai nhà văn đã làm nổi bật ý nghĩa nhân văn khi nhìn nhận lại con người trước và sau chiến tranh, tạo nên tiếng nói đa thanh đầy “hoà âm” và “nghịch âm” trong tiểu thuyết.

Một phần của tài liệu chiến tranh qua cái nhìn của bảo ninh và erich maria remarque trong nỗi buồn chiến tranh và phía tây không có gì lạ (Trang 109 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)