6. Cấu trúc luận văn
2.2. Kết cấu trần thuật
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (2006), Trần Đình Sử, Lê Bá Hãn, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), kết cấu là "toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm" [tr.156] được tiến hành qua quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn, kết cấu đã ra đời như một cách tổ chức lại cốt truyện, sắp xếp bố trí các nhân vật, sự kiện, chi tiết... tạo ra được một hình thức văn bản nghệ thuật có khả năng thể hiện tối ưu nhất chủ đề và tư tưởng tác phẩm, có sức mạnh chiếm lĩnh trái tim người đọc một cách trọn vẹn nhất. Trong đó kết cấu bao hàm luôn cả bố cục và các yếu tố khác như tổ chức hệ thống tính cách, tổ chức thời gian, không gian,… Như vậy kết cấu là thuật ngữ tương đối rộng, bao hàm cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, biến tác phẩm thành một chỉnh thể thẩm mĩ tương đối toàn vẹn. Trong tác phẩm kết cấu giữ vai trò rất quan trọng. "Nhờ vào cấu trúc mà việc đọc của chúng ta mới toàn vẹn và có kí ức" (Jean Yves Tadié).
Do thuộc thể tài lịch sử – dân tộc, lấy xung đột chiến tranh và xung đột xã hội làm đối tượng phản ánh trung tâm, tiểu thuyết truyền thống đã sử
dụng loại hình kết cấu lịch sử – sự kiện để phản ánh hiện thực trong các mâu thuẫn xung đột mang tính sử thi. Kết cấu trần thuật thường trùng khít với kết cấu cốt truyện. Mạch câu chuyện được triển khai có lớp lang, trật tự rõ ràng. Do sự chi phối của “cảm quan thời đại”, kết cấu trần thuật sẽ chi phối cách tổ chức tuyến nhân vật (bên thiện – đại diện cho phe chính nghĩa đối lập với bên ác – đại diện cho phe phi nghĩa), thời gian (sự kiện), không gian (quy mô, hùng tráng…). Câu chuyện thường kết thúc bằng những chiến thắng về vật chất hoặc tinh thần của người anh hùng cách mạng. Cũng bắt nguồn từ đề tài chiến tranh, cũng xây dựng lại quá khứ của những trận chiến, nhưng Bảo Ninh và Remarque sáng tạo một mô hình kể chuyện rất mới lạ. Hoàn toàn
phá vỡ tính “quy phạm”, “siêu truyện” và “đại tự sự”, người nghệ sĩ khai thác câu chuyện dưới “dòng ý thức” của một nhân vật. Thủ pháp này là công cụ vô cùng hữu hiệu cho sự hoà trộn giữa mơ và thực, giữa những suy nghĩ tỉnh táo và sự mê loạn diễn ra triền miên trong tác phẩm, kéo tiểu thuyết ra khỏi thể loại sử thi truyền thống – "lịch sử lớn" về chiến tranh luôn được xây dựng như một mô hình chỉnh thể mang thời – không gian tuyến tính. Cảm quan về thế giới như sự hỗn loạn, sự hỗn loạn đặc trưng cho chiến tranh và cách mạng, đã khiến PTKCGL và NBCT mang trong mình những dấu ấn rất riêng biệt về văn học chiến tranh. Và ở đây, hai nhà nghệ sĩ đã gặp gỡ nhau trong kĩ thuật viết tiểu thuyết theo trường phái dòng ý thức.