CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRỊ NƯỚC CỦA THỜI LÊ SƠ
2.3. TIỀN ĐỀ VĂN HÓA TƯ TƯỞNG VÀ CÁCH THỨC TRỊ NƯỚC CỦA CÁC TRIỀU ĐẠI TRƯỚC CHO SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRỊ NƯỚ C TH Ờ
LÊ SƠ
Nằm trong khuôn khổ một nước phong kiến phương Đông và chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa Trung Hoa nên tư tưởng trị nước của thời Lê Sơ chịu
ảnh hưởng rất lớn từ quan điểm trị nước của các trường phái triết học Trung Hoa cũng như kinh nghiệm trị nước của quốc gia này. Trong phần này, chúng tôi sẽ phân tích quan điểm trị nước của một số trường phái triết học Trung Hoa có ảnh hưởng đến việc hình thành và thực hiện tư tưởng trị nước của nhà Lê Sơ cũng như những tiền đề tư tưởng, lịch sử có ảnh hưởng đến tư tưởng trị nước của triều đại này.
2.3.1.Quan điểm trị nước ở một số trường phái triết học chính trị - xã
hội Trung Hoa cổđại
2.3.1.1. Quan điểm trị nước của Nho giáo
Nho giáo xuất hiện ở Trung Quốc từ thời cổ đại do Khổng Tử (551 - 479 Tr.CN) sáng lập. Tuy nhiên, những tư tưởng Nho giáo đã xuất hiện sớm hơn, vào sơ kỳ Tây Chu. Chu Công Đán đã đề xuất "kính đức, bảo dân" (tôn trọng đạo đức, chăm lo cho dân); những tư tưởng, nguyên lý cơ bản của Nho giáo đã nằm rải rác ở các bộ sách Thư, Thi, Lễ, Dịch, Xuân Thu. Công lao của Khổng Tử theo nhận định của giới nghiên cứu ở chỗ, ông là người đầu tiên san định những bộ kinh điển này, đồng thời xây dựng Nho giáo thành học thuyết chính trị - xã hội lấy đạo đức làm nền tảng. Tuy nhiên, trong luận án này chúng tôi không trình bày quá trình hình thành, phát triển cũng như toàn bộ nội dung của Nho giáo, mà chỉ tập trung vào tìm hiểu, phân tích quan điểm trị nước của học thuyết này với tư cách là tiền đề lý luận để triều đại Lê Sơ tiếp thu trong việc xây dựng đường lối trị nước của mình.
Thứ nhất, đó là quan niệm của Nho giáo về xã hội lý tưởng. Trong quan niệm của Khổng Tử và các học trò của ông, xã hội lý tưởng là xã hội ổn định, thái bình và mang tính đại đồng. Trong xã hội đó, con người có cuộc sống hòa mục, thân ái, bình đẳng. Trong Luận ngữ, Khổng Tử cho rằng: "Vua chư hầu hay quan đại phu chẳng lo dân ít mà chỉ lo không đồng đều, chẳng lo nghèo mà chỉ lo không được an ninh. Là vì hễđồng đều thì chẳng nghèo, người hòa thì dân số không ít, có an ninh thì nước nhà không nghiêng đổ" [123, tr. 510].
Trong xã hội lý tưởng đó, vai trò của người cầm quyền phải coi thiên hạ là của chung, tuyển chọn người hiền và cử người tài năng, nói điều tín và tu sửa hòa mục. Cho nên người ta không chỉ tôn kính cha mẹ mình, không chỉ yêu thương con cái mình, còn khiến cho người già được sống trọn đời, người trai tráng được sử
dụng, trẻ thơ được lớn lên, người không vợ, người không chồng, trẻ mồ côi, người không con, người tàn tật, tất cảđều được chăm sóc [110, tr. 76].
Tựu trung lại, trong quan niệm của Nho giáo xã hội lý tưởng là xã hội bao gồm những đặc trưng cơ bản sau đây:
Một là, xã hội thái bình, ổn định, có trật tự kỷ cương, lễ giáo, mọi người trong xã hội đều có quyền lợi, sống bình đẳng hòa mục và được chăm sóc;
Hai là, xã hội có đạo đức, trong xã hội đó có vua thánh, tôi hiền và con người có đời sống vật chất tương đối đầy đủ, trên cơ sở đó, kỷ cương và trật tự xã hội được thiết lập;
Ba là, xã hội có giáo dục, mọi người trong xã hội đó phải được giáo hóa về nhân, nghĩa, trí, tín. Khổng Tử coi giáo dục là một trong những biện pháp quan trọng để tạo lập và duy trì trật tự xã hội.
Những đặc trưng ấy cũng là những tiêu chí, kỳ vọng muôn thuở của con người. Vấn đề quan trọng là khả năng và cách thức thực hiện các tiêu chí đó như thế nào trong học thuyết Nho giáo.
Thứ hai, vềđường lối trị nước, Nho giáo chủ trương sử dụng đường lối Đức trị trong trị nước, an dân.
Đường lối Đức trị là lấy đạo đức để cai trị, coi nó như là công cụ chủ yếu để trị nước. Bên cạnh khái niệm Đức trị còn có các khái niệm khác nhưlễ trị, nhân trị, văn trị. Tất cả các đường lối cai trị như vậy đều dựa trên phương pháp lấy đạo đức, văn hóa làm công cụ trị nước, được gọi là vương đạo. Tư tưởng trị nước vương đạo lấy những chuẩn mực, nguyên tắc, quy phạm đạo đức đểđiều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội. Do đó, nó khác căn bản với bá đạo vốn sử dụng vũ lực áp đặt con người phải tuân thủ các qui định của tầng lớp thống trị.
Trong quan niệm của Nho giáo, đạo đức là công cụ, phương tiện để lập lại trật tự, kỷ cương của xã hội, để trị nước an dân và "bình thiên hạ" như Khổng Tử nói trong sách Luận ngữ: "Nếu dẫn dắt dân bằng đạo đức, sửa trị bằng lễ giáo, thì dân không những có lòng hổ thẹn mà còn cảm hóa quy phục" [126, tr. 245]. Còn "làm chính trị bằng đức thì tự mình sẽ giống như sao Bắc Đẩu, ở nguyên một chỗ mà mọi vì sao khác chầu quanh mình" [126, tr. 124]. Sau này, Mạnh Tử cũng cho rằng, "người có đức nhân thì không ai địch nổi" [14, tr. 17].
Trong quan niệm của Nho giáo, đạo đức là tiền đề quan trọng nhất để trị nước, an dân, đạo đức quan trọng hơn cả của cải và sức mạnh quân sự. Vì thế Mạnh Tử đã nói: "Thành quách chẳng hoàn bị, binh giáp chẳng nhiều, chưa phải tai họa cho đất nước, ruộng nương chẳng mở mang, của cải chẳng tích tụ, cũng chưa phải nguy hại cho đất nước, nhưng người trên không giữ lễ, người dưới không học hỏi, dân hung hăng dấy lên, thì nước mất chưa biết ngày nào" [44, tr. 1015-1016].
Để thực hiện đường lối Đức trị, theo Nho giáo, cần phải thực hiện những yêu cầu sau đây:
Một là, người cai trị phải có đức và phải lấy tu thân, tự sửa mình làm gương giáo hóa cho dân chúng, còn gọi là "thân giáo". Khổng Tử khẳng định: "Người quân tử chẳng bao giờ rời bỏ điều nhân dù chỉ trong khoảng thời gian một bữa ăn, dẫu trong cơn vội vàng hay trong lúc nghiêng ngả chao đảo, người ấy cũng vẫn ở với điều nhân" [126, tr. 280]. Người cai trị luôn phải lấy việc tu thân sửa mình làm đầu. Tu thân đểđạt đến đức nhân bằng cách "khắc kỷ phục lễ vi nhân". Tu thân là bước đầu tiên, là tiền đề để "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Nho giáo khẳng định: "Nếu tự mình giữ theo chính đạo, thì chẳng đợi lệnh dân cũng ăn ở trúng phép, còn như tự mình chẳng giữ theo chính đạo thì dẫu ra lệnh buộc dân cũng không theo" [14, tr. 201].
Hai là, trị nước bằng đạo đức phải gắn liền với việc trọng dụng người hiền tài. Trong quan niệm của Nho giáo, người hiền tài phải là người bao gồm cả tài và đức, nhưng đức luôn phải đặt trên tài. Trong chủ trương trị nước, Nho giáo cho rằng trách nhiệm của bậc làm vua là dùng người tài và trách nhiệm của kẻ dưới là tiến cử người tài để giúp đời. Khổng Tử nói: "Cử dùng những bậc chính trực, phế bỏ những kẻ cong vạy thì dân phục. Cử dùng những kẻ cong vạy, phế bỏ những bậc chính trực thì dân chẳng phục" [14, tr. 25].
Ba là, người cầm quyền phải quan tâm đến dân và giáo hóa dân. Điểm quan trọng bậc nhất trong Nho giáo chính là quan niệm của trường phái này về dân, mặc dù dân trong quan niệm của Nho giáo là lớp người tiểu nhân, không có khả năng hấp thụđược "linh khí" của trời đất và bị cai trị. Nho giáo tuy coi dân như cỏ, người quân tử, tức kẻ thống trị như gió làm cho cỏ phải rạp theo, song quan niệm về dân của nó cũng mang tính tích cực nhất định khi đề cao vai trò của dân, coi dân là gốc của nước, không có dân thì không có vua và cũng không có nước. Trong quan niệm
của Mạnh tử "nhân dân đáng quý trọng nhất, sau đó đến xã tắc, còn nhà vua thì thường thường vậy thôi" (dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh) [126, tr. 758]. Quan điểm đề cao vai trò của dân có ở hầu hết các nhà nho, ở Khổng Tử là "dân vi bản", ở Mạnh Tử là "dân vi quý", còn ở Tuân Tử thì ông khẳng định: "Vua là thuyền, thứ nhân là nước. Nước chở thuyền, nước cũng có thể lật thuyền" [126, tr. 758].
Từ quan niệm về dân như trên, nên Nho giáo cho rằng trách nhiệm của người cầm quyền là phải làm cho dân đông, phải dưỡng dân và giáo dân (thứ, phú, giáo). Dưỡng dân và giáo dân tức là phải "vỗ về những kẻ khó nhọc, phải săn sóc những người ở xa đến, phải uốn nắn những điều sai trái lệch lạc, đưa mọi cái vào khuôn phép cho ngay thẳng; phải giúp dật nâng đỡ chúng dân, làm cho họ tự thấy được đạo lớn, rồi lại nhân đó mà dạy dỗ thêm, ban ơn huệ thêm để cho họ khỏi lạc nẻo lầm đường" [126, tr. 703-704].
Bốn là, dùng hình pháp chỉ là điều bất đắc dĩ. Nho giáo thừa nhận trong xã hội vẫn có những hạng người ngu đần, không thể giáo hóa được nên vẫn phải dùng hình phạt. Tuân Tử khẳng định: "Từ bậc sĩ trở lên thì phải dùng lễ nhạc mà đối đãi, đối với dân chúng trăm họ thì phải dùng pháp lệnh mà cai trị… người nào lấy điều thiện đến với ta thì dùng lễ mà đối đãi họ, người nào lấy điều bất thiện đến với ta thì dùng hình phạt đối đãi với họ" [134, tr. 273]. Tuy nhiên, trong tương quan giữa hình pháp và đạo đức lễ giáo thì dùng đạo đức và lễ giáo vẫn tốt hơn, bởi lẽ theo Khổng Tử, "dẫn dắt bằng chính pháp, sửa trị dân bằng hình phạt, thì dân chỉ tạm tránh được khỏi tội lỗi, chứ không có lòng hổ thẹn. Nếu dắt dân bằng đạo đức, sửa trị bằng lễ giáo thì dân không những có lòng hổ thẹn mà còn cảm hóa quy phục" [126, tr. 245]. Thậm chí dùng hình pháp đôi khi lại còn là tiền đề để xã hội mất ổn định như quan điểm của Giả Nghị đời Hán cho rằng: "Lễ là cấm cái sắp xảy ra, pháp là cấm cái sau khi đã xảy ra; dùng lễ nghĩa mà trị thì lễ nghĩa mỗi ngày chất mỗi nhiều, dùng hình phạt mà trị thì hình phạt chất thêm lên. Hình phạt mà chất thêm lên thì dân oán thán và phản, lễ nghĩa mà chất lên thì dân hòa thuận và thân thiết" [9, tr. 563].
Năm là, cai trị bằng đường lối Đức trị đòi hỏi phải thực thi nhân, lễ và
chính danh. Nhân và lễ là biện pháp chủ yếu để có thể lập lại trật tự và kỷ cương xã hội bằng con đường Đức trị như sách Kinh Lễ khẳng định "đạo đức nhân nghĩa phi lễ bất thành" [127, tr. 734].
Để thực hiện đường lối đức trị, người cầm quyền phải có đức nhân. Nhân theo nghĩa rộng nó bao gồm mọi phẩm chất của con người. Có đức nhân thì người quân tử không phải lo âu; có trí thì biết phân biệt phải trái; có dũng khí thì sẵn sàng dấn thân vì việc nghĩa. Mặt khác, có Nhân thì người quân tử mới đủ khả năng thực hiện Lễ. Lễ là phạm trù dùng để chỉ tôn ti, trật tự kỷ cương của xã hội mà mọi người phải học và tuân theo. Lễ còn là phương pháp, những quy tắc ứng xử trong xã hội: đối với vua thì phải trung, đối với cha mẹ phải hiếu,… Người quân tử hành động phải theo lễ, tức là phải thận trọng trong từng chi tiết của hành vi, để những gì "trái với lễ, đừng xem; trái với lễ, đừng nghe; trái với lễ, đừng nói; trái với lễ, đừng làm" [126, tr. 423].
Ngoài ra, để thực hiện được đường lối đức trị, Nho giáo yêu cầu phải "chính danh". Chính danh trong tư tưởng của Nho giáo là mỗi sự vật phải đúng với tên gọi của nó, mỗi người phải có phẩm chất đúng với địa vị của mình, không được tiếm quyền, vượt quyền, không tranh giành địa vị và bổn phận của người khác. Đó cũng là phẩm chất cần có của người quân tử mà Khổng Tử đã dạy: "Lo tính không vượt ra ngoài cương vị của mình" [126, tr. 477]. Chính danh trong tư tưởng đức trị của Nho giáo rõ ràng là gắn liền với định phận.
Tư tưởng đức trị ở Trung Hoa đến thời Đổng Trọng Thư đã được thần bí hóa và biến nó thành đường lối cai trị tất nhiên. Chủ trương đức trị theo hướng của ông vừa góp phần củng cố, thống nhất được vương quyền, vừa ru ngủ được dân, góp phần xoa dịu được mâu thuẫn xã hội thu phục được nhân tâm và trở thành đường lối cai trị được các triều đại phong kiến Trung Hoa sử dụng trong suốt lịch sử phong kiến về sau. Đó là đường lối đức trị thần quyền.
Tóm lại, theo Nho giáo, muốn thiết lập kỷ cương, trật tự xã hội và tiến tới xây dựng mô hình xã hội lý tưởng, nhà cầm quyền phải thực thi đường lối đức trị. Quan điểm vềđường lối Đức trị vừa là mục đích, vừa là phương pháp để các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp thu có chọn lọc nhằm xây dựng một đường lối cai trị của mình phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Dưới triều đại Lê Sơ, đường lối đức trịđó cần có sự bổ sung những yếu tố thích hợp của pháp trị.
2.3.1.2. Quan điểm trị nước của Pháp gia
Trong chủ trương cai trị, nếu Nho gia đề ra đường lối cai trị bằng đạo đức coi đạo đức là biện pháp chủ yếu để trị nước an dân, thì Pháp gia lại chủ trương
dùng pháp luật. Đường lối pháp trị cũng là một khuynh hướng trị nước tích cực hữu vi trong lịch sử tư tưởng chính trị Trung Hoa. Về hai đường lối trị nước này, nhiều nhà nghiên cứu cho đó là hai khuynh hướng trị nước đối lập nhau, bởi lẽ một bên dựa vào dư luận xã hội để khiến các cá nhân điều chỉnh hành vi của mình trong các quan hệ xã hội, còn bên kia hoàn toàn mang tính áp đặt. Tuy nhiên, theo chúng tôi đây là hai khuynh hướng trị nước khác nhau nhưng chúng không đối lập nhau hoàn toàn, giữa chúng có những điểm tương đồng. Đó là mục đích cuối cùng về thiết lập trật tự xã hội. Pháp gia không tán thành thuyết tính thiện, cho đó là đầu mối của mọi tội phạm, còn Nho gia thì không bác bỏ hoàn toàn yếu tố pháp trị trong đường lối trị nước.
Pháp trị với tư cách là học thuyết về cách cai trị và quản lý xã hội nó được đề xuất, xây dựng và phát triển qua nhiều thời kỳ bởi các tác giả xuất sắc của nó như Quản Trọng (khoảng thế kỷ thứ VI Tr.CN), Thận Đáo (370 - 279 Tr.CN), Thân Bất Hại (401 - 337 Tr.CN), Thương Ưởng (388 - 338 Tr.CN) và đặc biệt nó được hoàn thiện và phát triển bởi một đại biểu tiêu biểu của Pháp gia là Hàn Phi Tử (280 - 233 Tr.CN).
Trước Hàn Phi, Pháp gia có ba phái là: Trọng thuật; Trọng thế và Trọng pháp. Sự phân chia này chỉ mang tính tương đối do căn cứ vào việc đề cao một yếu tố nào đó của pháp trị. Đến Hàn Phi, ông nhận thấy những hạn chế của việc tách rời pháp, thuật, thế nên ông đã tiến hành tổng hợp, thêm bớt, sửa chữa đểđưa đến một học thuyết.
Quản Trọng (khoảng thế kỷ thứ VI Tr.CN) là một trong những người đầu tiên bàn về vai trò của pháp luật như là một cách trị nước và ông chủ trương công bố pháp luật công khai cho dân chúng. Tư tưởng của Quản Trọng được ghi lại trong bộ "Quản Tử", trong đó ông chủ trương trong phép trị nước phải đề cao "luật, hình, lệnh, chính". Luật là đểđịnh danh phận cho mỗi người, lệnh là để cho dân biết việc mà làm, hình là để trừng phạt những người làm trái luật và lệnh, còn chính là để sửa cho dân theo đường ngay lẽ phải [10, tr. 334-335]. Ông cho rằng luật pháp phải