TRONG TƯ TƯỞNG TRỊ NƯỚC CỦA THỜI LÊ SƠ
3.3. XÂY DỰNG BỘ MÁY QUAN CHỨC TRONG THỜI LÊ SƠ
Lê Lợi và các vị vua kế tiếp ông đã sớm nhận ra rằng, giành nước trên mình ngựa được nhưng không thể ngồi trên mình ngựa để mà giữ nước được. Do vậy việc xây dựng một bộ máy quan chức chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu trong đường lối cai trị của thời Lê Sơ.
Ở Việt Nam trong suốt thời kỳ phong kiến không có một trường đại học nào dùng để đào tạo ra những chuyên ngành riêng cụ thể. Bởi thế cũng không có trường lớp đào tạo quan chức cho những ngành cụ thể chuyên biệt. Những người học tập ở Quốc Tử Giám lẫn các lộ chủ yếu học tập các kinh sách của Nho giáo nhưng không phải khi học xong họ đều được làm quan. Quan lại trong chế độ phong kiến là những người làm việc công cho nhà nước được tuyển dụng từ những người thi đỗ trong các kỳ thi do nhà nước tổ chức hoặc qua con đường tiến cử bảo cử, một số khác thông qua con đường chiến tranh trận mạc. Vì vậy các trường học ở trung ương và địa phương tuy không phải là những trường chuyên đào tạo quan chức nhưng trên thực tế chúng đã làm chức năng của trường đào tạo quan chức. Vì vậy, nhà nước Lê Sơ rất chú trọng đến lĩnh vực giáo dục - khoa cử theo tinh thần sùng Nho, coi bộ máy quan liêu của nhà nước gồm những người từ chiếc mũ nhà nho mà ra. Nói cách khác, việc xây dựng bộ máy quan lại thời Lê Sơ dựa trên hệ thống giáo dục và tuyển dụng quan lại thông qua khoa cử. Nghiên cứu về nền giáo dục và tuyển dụng quan chức thời Lê Sơ trên thực tế đã được tác giả Đặng Kim Ngọc tiến hành trong công trình Chếđộđào tạo và tuyển dụng quan chức thời Lê Sơ (1428 - 1527). Với tư cách là một nội dung trong tư tưởng trị nước cần phải làm rõ nên trong phần này chúng tôi có kế thừa những kiến thức về lịch sử và các đánh giá của tác giả về lĩnh vực này để làm rõ sự ảnh hưởng của nền giáo dục và chế độ tuyển dụng đến đường lối trị nước của giai đoạn này trên cơ sởđó rút ra những bài học cho công tác giáo dục và quản lý cán bộ hiện nay.