TRONG TƯ TƯỞNG TRỊ NƯỚC CỦA THỜI LÊ SƠ
3.4.2. Nội dung " đức trị " đã được qui chế hóa bằng luật pháp
Việc qui chế hóa, luật pháp hóa các chuẩn mực đạo đức Nho giáo cũng như các hành vi đạo đức truyền thống của dân tộc rõ ràng mang tính tất yếu của một triều đại vừa đề cao đường lối đức trị của Nho giáo, vừa thừa nhận không thể thiếu luật pháp trong điều hành đất nước của nhà nước Lê Sơ. Đây là sự kết hợp đức trị với pháp trị trong tư tưởng trị nước nhằm xây dựng nhà nước phong kiến mạnh, tức nhà nước phong kiến trung ương tập quyền cao độ.
Có thể lấy mốc khởi đầu cho việc nghiên cứu tư tưởng trị nước của Lê Lợi là năm Bính Ngọ (1426) với việc Bình Định vương Lê Lợi tiến quân ra bắc giải phóng Đông Đô. Theo sách Lam sơn thực lục và Đại Việt sử ký toàn thư, trong thời
gian ngựở dinh BồĐề, Lê Lợi đã tiến hành những công việc của một nhà nước thực thụ. Ông đã họp đại hội các tướng lĩnh và các quan văn võ để định công ban thưởng, theo công cao thấp mà định thứ bậc. Lê Lợi đã nhận thấy rằng để cho quân sĩ hết lòng với mình thì việc thưởng phạt phải công minh nên ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa việc định công ban thưởng đã được ông hết sức quan tâm. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Hạ lệnh thưởng công cho các tướng hiệu bắt đầu từ việc lập công mới: đại thần đến thiếu úy có công lao lớn, được thưởng phù vàng thì được ăn lộc một quận; chức chấp lệnh mà có công thì được ăn lộc một ấp; các đốc tướng, quân nhân có công cũng được ăn lộc một quận hay một ấp theo thứ bậc khác nhau. Người nào không có công, không được thưởng thì đều phải giáng làm dân thường [67, tr. 302].
Lê Lợi nhận thấy rằng, muốn phát huy được sức mạnh của quân đội và thu phục được lòng dân để dân theo về với mình trước hết phải làm cho quân của mình tuân theo pháp luật và không được phá hoại của dân. Chính vì vậy mà ngay từ khi khởi binh đánh Minh vua đã hạ lệnh cho các tướng sĩ của mình rằng: "Dân chúng khổ về chính sách bạo ngược của giặc đã lâu rồi. Những châu, huyện nào chúng ta đi tới, không được mảy may xâm phạm của dân. Nếu không phải trâu bò, thóc lúa của bọn ngụy quan, thì dẫu đói khát khốn khó đến đâu cũng không được lấy bậy" [67, tr. 253-254]. Nhờ quân lệnh cứng rắn như vậy nên "quân lính đã ba ngày chưa được ăn mà không có ai vi phạm lệnh đó. Dân thấy pháp lệnh đã được ban ra và thi hành nghiêm ngặt như vậy liền đem hết trâu bò, thóc lúa của giặc Minh cấp cho quân lính" [67, tr. 254]. Đối với tướng sĩ và binh lính Lê lợi thể hiện sự quyết đoán khoan dung khi nghỉ ngơi nhưng nghiêm khắc khi ra trận, chính vì vậy mà ông đã hạ lệnh cho bọn Thiếu úy, Chấp lệnh, Tổng giám rằng: "ngày thường quân nhân phạm pháp thì không được tự ý giết chết, khi ra trận mà trái lệnh thì cho chém trước tâu sau" [67, tr. 267].
Một trong những nội dung quan trọng của đường lối pháp trị là thưởng hậu phạt nặng, do đó hình phạt luôn là vấn đề quan trọng bởi lẽ dùng pháp trị mà hình phạt không nghiêm, không đủ sức răn đe tất người vi phạm sẽ khinh nhờn. Hình phạt
nặng ngay cả trong trường hợp rút quân mà bỏ lại đồng đội để chạy thoát riêng mình: "Hạ lệnh rằng các quân khi ra trận, nếu 50 người hoặc 100 người kéo nhau rút chạy mà bỏ lại 1, 2 người không cứu thì bị chém cả toán. Nếu không may có người chết tại trận mà cùng nhau góp sức khiêng xác ra ngoài thì được tha tội" [67, tr. 273]. Trong lúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang ởđỉnh cao Lê Lợi luôn động viên binh lính "thưởng phạt đúng mức nên tiến đánh cố sức". Ông từng nói với các tướng lĩnh chỉ huy quân thiết đột "đồng lòng liều chết đánh tan quân giặc là sức của các ngươi, còn xếp đặt lo toan, áo cơm khen thưởng thì do ở ta. Bọn các ngươi chớ ngại khó nhọc, chớ lo nghèo túng. Bao giờ thấy vợ con ta nghèo túng thì vợ con các ngươi mới nghèo túng. Mong các ngươi một lòng đánh giặc, chớ nảy lo phiền" [67, tr. 268].
Sau khi dẹp yên giặc Minh chủ trương trị nước dựa vào pháp trị càng được Lê Lợi chú ý nhiều hơn. Ngay những ngày đầu tiên giặc minh về nước (1428) Lê Lợi đã "hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy, Hành khiển bàn định pháp lệnh cai trị quân dân, để người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân, cũng để răn dạy quân dân biết là có pháp luật. Mọi công việc đều có các cơ quan phụ trách, dâng lên vua xem" [67, tr. 291].
Thấm nhuần tư tưởng của các bậc quân vương rằng trị nước thì phải dựa vào pháp luật, hơn nữa đây là giai đoạn xã hội Đại Việt vừa thoát khỏi chiến tranh loạn lạc nên còn nhiều tệ nạn, dân chúng còn chưa có phép tắc ổn định, do đó ngay từ những ngày đầu giành được độc lập vị vua đầu tiên của triều Lê Sơ đã đặc biệt chú ý đến việc xây dựng luật pháp. Ông xác định: "Từ xưa đến nay trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ, biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm chẳng lành thì tránh, chớ đểđến nỗi phạm pháp" [67, tr. 291].
Đến Lê Thánh Tông, ông vua thứ tư của triều đại Lê Sơ (không kể Lê Nghi Dân) thì sự kết hợp giữa đức trị và pháp trị trong đường lối trị nước của triều đình Lê Sơ đã lên đến đỉnh cao, trở thành triều đại phong kiến nổi tiếng nhất trong lịch sử chế độ phong kiến nước ta. Có thể nói, tư tưởng trị nước của Lê Thánh Tông chính là sự kế thừa tiếp nối, đồng thời phát triển đến đỉnh cao những quan điểm chính trị của các nhà vua thời Lê Sơ trước ông. Ông đã thừa hưởng được
ở Lê Thái Tổ truyền thống "ấn định luật lệ, chế tác lễ nhạc... xây dựng quan chức, thành lập phủ huyện" [67, tr. 307], ở Lê Thái Tông cái tinh thần "bên trong chế ngự quyền thần, bên ngoài đánh dẹp di địch, trọng đạo sùng Nho, mở khoa thi chọn kẻ sĩ" [67, tr. 309], ở Lê Nhân Tông quan niệm "thương người làm ruộng, yêu nuôi muôn dân" [67, tr. 386].
Sự tập trung chuyên chế của một vị hoàng đế mạnh được Lê Thánh Tông triển khai thành một bộ máy nhà nước tập quyền mạnh. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Lê Thánh Tông là người chủ trương nhiệt thành một thứ "chủ nghĩa nhà nước" một "chế độ toàn trị cực quyền". Nhà nước của Lê Thánh Tông là một nhà nước quan liêu, chỉ huy quản lý và can thiệp vào mọi mặt của đời sống của dân chúng trong các làng xã một cách chặt chẽ hơn trước từ kinh tế, chính trị đến xã hội, tư tưởng. Nó dựa trên những cột trụ vững chắc của chế độ là: Một hệ thống quan liêu hoàn chỉnh, một quân đội mạnh, một pháp luật nghiêm và một hệ tư tưởng - lễ giáo chặt chẽ. Chính Lê Thánh Tông đã nhấn mạnh đến hai chức năng chủ yếu của nhà nước đó là: "Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo. Hai điều đó là việc cần kíp của chính sự, là chức trách của các quan nuôi giữ dân" [67, tr. 497].
Vai trò của một hoàng đế mạnh, một nhà nước mạnh được Lê Thánh Tông bổ trợ bằng việc đề cao tinh thần quốc gia dân tộc mạnh. Lê Thánh Tông rất kiên quyết trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc - lãnh thổ, điều đó thể hiện ở lời dụ cho viên quan Thái bảo: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? (...). Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội chu di" [67, tr. 462]. Nhà vua còn tiến hành khảo sát đo đạc, miêu tả tỉ mỉ hình thể núi sông, đường sá của đất nước trong tập bản đồ Hồng Đức để dùng vào việc nội trị, đó còn là công cụ phục vụ cho việc mở mang bờ cõi qua những cuộc Nam chinh và Tây chinh. Dưới thời Lê Thánh Tông, quốc gia Đại Việt đã trở thành một cường quốc khu vực, được các nước xung quanh kính nể.
Lê Thánh Tông là một nhà vua điển hình cho chủ nghĩa quy phạm. Ông đã từng tuyên bố: "Người ta sở dĩ khác giống cầm thú là vì có lễ làm khuôn phép giữ gìn" [67, tr. 438]. Trong 38 năm làm vua, ông đã ban ra rất nhiều các lệnh chỉ, sắc dụ một cách tỉ mỉ, quy định lễ nghĩa trong mọi mặt của đời sống của quan lại đến
dân chúng từ hôn thú, tang ma, mũ áo, xưng hô, đi đứng, tâu bày cho đến chắp tay quỳ lạy... kèm theo những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mọi hành động không thực hiện đúng các quy phạm đó. Có một thực tế là ở thời Lê Thánh Tông, sự ảnh hưởng của Nho giáo đến các mặt của đời sống xã hội là nhờ việc can thiệp của các điều khoản luật pháp, tạo nên những quy phạm buộc mọi người phải tuân thủ vô điều kiện.
Đối với Lê Thánh Tông, thậm chí đức trị cũng cần được luật pháp hóa. Việc duy trì đức trị với tư tưởng trọng Lễđã được luật pháp hóa của Lê Thánh Tông làm cho việc trị nước trở nên hanh thông hơn. BộQuốc triều hình luật nổi tiếng được hình thành dưới triều đại ông đã được thi hành và kế thừa trong nhiều thế kỷ, mà nội dung chủ yếu là bảo vệ vương quyền, chếđộ quan liêu, trật tựđẳng cấp và gia đình phụ hệ gia trưởng thông qua cơ chế của các mức hình phạt. Nhưng ngay cả bộ Quốc triều hình luật, được xem là một bộ luật nghiêm khắc, song trong nó vẫn chứa đựng những yếu tố của đức trị, thể hiện nguyên tắc nhân đạo đối với một số người phạm tội như phụ nữ, người già, người tàn tật, trẻ em (các điều 1, 16, 17, 18, 19...). Chẳng hạn, Điều 16 quy định: Những người từ 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và người tàn tật mà phạm tội lưu thì cho chuộc. Điều 17 quy định, khi phạm tội chưa già cả, tàn tật đến khi già cả, tàn tật mới bị phát giác, thì xử theo luật già cả, tàn tật. Khi còn nhỏ phạm tội đến khi lớn mới phát giác, thì xử theo luật khi còn nhỏ. Hoặc những điều khoản ưu tiên người phụ nữ khi xử phạt (từĐiều 1 đến Điều 5) theo đó khi bị tội đồ và lưu, nam giới bao giờ cũng phạt thêm một trượng thì nữ phạm nhân chỉ phải chịu 50 roi thay thế. Cho phạm nhân nữ chuộc tội bằng tiền nếu chồng có quan phẩm (Điều 7), hay các biện pháp khác nhau đối với phạm nhân nữđang có thai nghén (Điều 680).
Cùng với tinh thần đức trị đó điểm nổi bật trong tư tưởng trị nước của Lê Thánh Tông là tinh thần trọng pháp, được thừa kế từ thời Lê Thái Tổ. Ông nói: "Pháp luật là phép công của nhà nước. Ta và các ngươi đều phải theo, ngươi nên nhớ lấy" [67, tr. 401]. Tuy nhiên, trên thực tếđường lối pháp trị vẫn cơ bản dựa vào ý chí và quyền lực tối thượng của cá nhân nhà vua. Đó là nhà nước nhân trị, lễ trị kết hợp với pháp trị chứ không phải chỉ là nhà nước pháp trị cấp tiến như thời Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa.
Một trong những điều mà Lê Thánh Tông hằng quan tâm trăn trởđối với hàng ngũ quan lại là tệ nạn tham nhũng, hối lộ. Thậm chí, có những năm (như năm 1468) nhà vua đã liên tiếp ban sắc dụđến ba lần nhằm ngăn chặn tệ nạn này. Đối với tội hối lộ nhà Lê Sơđặc biệt nghiêm trị, chẳng hạn thời Lê Thái Tổđã có lệnh chỉ, quyết định xử trảm viên quan nào nhận hối lộ từ một quan tiền trở lên [67, tr. 333]; còn thời Lê Thánh Tông, Điều 138 Quốc triều hình luật đã quy định xử tội biếm hay bãi chức viên quan nào ăn hối lộ từ một quan đến 9 quan, từ 20 quan trở lên xử tội chém [81, tr. 74]. Tuy nhiên, các vụ xử trảm các quan lại mắc tội tham nhũng vẫn cứ xảy ra.
Trong thời Lê Hiến Tông, một trong những vấn nạn lớn của xã hội chính là nạn tham nhũng, do đó ông ra lệnh: "Kể từ nay, các nha môn trong ngoài, nếu có ai liêm khiết, có tài, trung thực đáng khen thưởng cất nhắc, cùng những kẻ tham lận bỉ ổi, không làm nổi việc, đều phải xét rõ sự thực kê tên tâu lên. Ai dám a dua theo nhau, hay vì thù riêng, trao đổi đút lót, mà xếp đặt không đúng thì sẽ bị trị tội nặng không tha" [67, tr. 523]. Đến việc tiến cử người tài, nhà vua đã từng nói: "Tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất hiếu, đó là việc lớn của chính trị. Cho nên dùng người hiền không lưỡng lự, bỏ kẻ gian không ngần ngừ" [67, tr. 523]. Do đó nhà vua đã có chiếu chỉ rằng: "Kẻ nào dám riêng tư tiến cử bậy loại ngu dốt, thô bỉ, nhút nhát, hèn kém thì phải trị tội nặng hơn luật thường" [68, tr. 9-10].
Mặc dù coi trọng pháp trị nhưng ở Lê Hiến Tông, mỗi khi quan quân có lỗi lầm ông chỉ "răn bảo, quở trách nhẹ nhàng, không lỡ đánh roi làm nhục" [63; tr. 335]. Tư tưởng pháp trị ở Lê Hiến Tông mang tính nhân đạo nhiều hơn. Ông đã sắc dụ cho Bộ Hình, Ty Đình úy và các quan xét kiện trong ngoài rằng: "việc dùng hình ngục, quan hệ tới sinh mệnh của dân, xửđúng đạo thì dân thỏa lòng, xử trái đạo thì dân chịu hại" [68, tr. 10].
Tiểu kết chương 3
Từ việc nghiên cứu những nội dung cơ bản trong tư tưởng trị nước của thời Lê Sơ, chúng tôi rút ra một số nhận xét sau đây:
1. Trong chính sách xây dựng và quản lý đất nước triều đại Lê Sơ đã quan tâm và có những chính sách đối đãi cho từng tầng lớp nhân dân cũng như thực hiện chủ trương đối ngoại phù hợp để thiết lập ổn định xã hội và giữ vững độc lập dân
tộc. Trong chính sách đối nội, triều đình Lê Sơ đã chú trọng đến vấn đề an dân bằng những biện pháp trừ gian, trừ bạo ngược như nạn tham ô, nhũng nhiễu của quan lại đối với dân. Ngoài ra, triều đình còn chú trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của dân, đặc biệt là sự quan tâm đến các đối tượng của xã hội như người già, trẻ em và phụ nữ. Vềđối ngoại, nhà Lê Sơ đã thực hiện một chính sách đối ngoại mềm dẻo mang tính hòa hảo với Trung Quốc trên tinh thần độc lập dân tộc gắn với bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với điều kiện lúc bấy giờ.
2. Để thực hiện mục đích xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền cao độ, nhà Lê Sơ đã chú trọng đến lĩnh vực giáo dục - khoa cử để đào tạo nhân lực cho bộ máy cai trị. Những người được tuyển dụng thông qua thi cử, tiến cử hoặc bảo cử đều phải được đào tạo lại cho phù hợp. Với cách xây dựng quan chức như vậy nhà Lê Sơ đã tạo ra được một số lượng quan chức đông đảo, có năng lực trong bộ máy chính quyền.
3. Cách thức cai trị dựa trên sự kết hợp đức trị với pháp trị dưới thời Lê Sơ là nhất quán, tuy "trọng đạo sùng Nho", song ở đó việc dùng pháp luật cùng với lễ nghĩa là để sửa tốt lòng dân luôn được đề cao. Thực chất của đường lối cai trị đó là đường lối đức trị của Nho giáo đã được Việt hóa và từng bước quy chế hóa bằng pháp luật. Trong thời Lê Sơ, để ổn định, phát triển và bảo vệ đất nước, triều đại này đã chú trọng tư tưởng văn trị, song không phải vì thế mà sao nhãng an ninh quốc phòng.