1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
1.2.1 Hoạt động và hoạt động học
1.2.1.1 Hoạt động
Hoạt động là khái niệm trọng tâm và cơ bản của tâm lý học hoạt động. P.A. Ru đích định nghĩa “hoạt động là một tổng hợp những hành động của con người nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu và lợi ích của mình” [23, 112].
Tác giả Phạm Minh Hạc cho rằng “hoạt động là quá trình con người thực hiện các quan hệ giữa mình với thế giới bên ngoài, thế giới tự nhiên và thế giới xã hội; giữa mình và người khác, mình với bản thân. Trong quá trình đó con người bộc lộ tâm lý (năng lực, ý chí, mong muốn, tính nết …) ra bên ngoài” [10, 56].
Tác giả Nguyễn Quang Uẩn coi “hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người với thế giới để tạo ra sản phẩm cả về phía thế giới và cả về phía con người” [27, 55].
A.N. Leonchiep định nghĩa “hoạt động là một quá trình thực hiện sự chuyển hóa lẫn nhau giữa hai cực: chủ thể - khách thể. Theo nghĩa rộng, nó là đơn vị phân tử chứ không phải là đơn vị cộng thành của đời sống chủ thể nhục thể. Đời sống của con người là một hệ thống (một dòng) các hoạt động thay thế nhau. Hoạt động theo nghĩa hẹp hơn, tức là cấp độ tâm lý học là đơn vị của
đời sống mà khâu trung gian là phản ánh tâm lý, có chức năng hướng dẫn chủ thể trong thế giới đối tượng” [18, 579].
Nghiên cứu của A.N. Leonchiep về hoạt động đã đưa ra sáu thành tố cấu trúc cơ bản của hoạt động bao gồm: “hoạt động” - “động cơ”, “hành động” - “mục đích”, “thao tác” -“phương tiện” được sắp xếp theo Sơ đồ cấu trúc hoạt động sau:
Mặt chủ thể Mặt đối tượng
Sáu thành tố trong sơ đồ trên cùng với các mối quan hệ qua lại giữa chúng tạo thành cấu trúc của hoạt động. Trong đó, động cơ - mục đích - phương tiện là mặt “đối tượng” còn hoạt động - hành động - thao tác là mặt “chủ thể”. Các thành tố này có thể được nghiên cứu theo các cặp đối tượng – chủ thể như “hoạt động – động cơ”, “hành động – mục đích”, “thao tác – phương tiện”. Hoặc có thể nghiên cứu hoạt động theo thứ tự cấu trúc chiều dọc như: hoạt động -> hành động -> thao tác; động cơ -> mục đích – phương tiện.
Trong mối quan hệ giữa động cơ và mục đích có thể coi động cơ là mục đích chung còn mục đích mà hành động nhắm tới là mục đích bộ phận. Có khi coi mục đích chung là động cơ xa và mục đích bộ phận là động cơ gần (động
Hoạt động Hành động Thao tác Động cơ Mục đích Phương tiện
cơ trực tiếp). Các nhà nghiên cứu khi phân tích mối quan hệ giữa các thành tố của hoạt động thường nhắc đến vai trò của nhu cầu được “vật hóa” trong “các mối quan hệ giữa các thành tố của hoạt động nảy sinh trong sự vận động hoạt động của con người. “Khi con người đặt một vật thể vào trong hệ thống hoạt động của con người, ví dụ như con người vươn tới nó rồi gắp lấy, một nhu cầu nào đó được thỏa mãn. Vật thể ấy trở thành mục đích hay động cơ thúc đẩy hành động, hoạt động rồi dần dần từ sự vận động với vật thể bên ngoài chuyển thành hình ảnh tâm lý, ta có động cơ bên trong hay mục đích trong đầu. Quan hệ qua lại giữa động cơ và mục đích (giữa động cơ chung và động cơ riêng lẻ, giữa mục đích xa và mục đích gần) nảy sinh bởi hoạt động. Quá trình hoạt động tạo nên quan hệ qua lại giữa động cơ và mục đích, sự nảy sinh và phát triển của mối quan hệ qua lại này chính là sự xuất hiện và phát triển của tâm lý, ý thức, nhân cách” [8, 35].
Như vậy, mối quan hệ qua lại giữa động cơ và mục đích, sự nảy sinh và phát triển mối quan hệ này trong hoạt động chính là cơ sở hình thành ý thức, nhân cách.
Trong việc phân loại hoạt động, có một số cách phân loại. “Xét về mối quan hệ giữa người với người, người với vật thể loài người có hai loại hoạt động là lao động và giao lưu. Xét về phương diện cá thể, có ba loại hoạt động chính đó là hoạt động vui chơi, hoạt động học tập và hoạt động lao động. Có thể chia thành hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận. Một cách chia khác nữa bao gồm hoạt động biến đổi, hoạt động nhận thức, hoạt động định hướng giá trị, hoạt động giao lưu” [7, 459].
Như vậy, theo sơ đồ cấu trúc của hoạt động và mối liên hệ giữa các thành tố, có thể thấy động cơ là nguồn gốc của hoạt động. Nó là động lực và sự định hướng giúp cho hoạt động của con người diễn ra theo đúng hướng.
1.2.1.2 Hoạt động học
Theo từ điển Bách khoa Việt Nam “học là hoạt động nhận thức có hai chức năng xã hội cơ bản: Thứ nhất, giúp con người tiếp thu những nội dung và phương pháp nhận thức, được khái quát hóa dưới dạng các tri thức, phương pháp, kỹ năng, kỹ xảo tạo ra và phát triển các phẩm chất, năng lực của con người kết tinh trong đó, làm cho tâm lý của họ hình thành và phát triển. Thứ hai, giúp cho thế hệ trẻ đang lớn gia nhập vào xã hội, lĩnh hội những chuẩn mực giá trị của nó. Hình thành được một hệ thống động cơ thúc đẩy nhưng cơ bản nhất là hứng thú nhận thức. Hình thành động cơ này là một quá trình, mỗi lần thực hiện xong một nhiệm vụ học tập, người học sẽ giải quyết được một mục đích cụ thể, các mục đích này hợp thành một hệ thống xoay quanh động cơ nhận thức cơ bản” [12, 19].
Hoạt động học tập là một trong những hoạt động cơ bản và quan trọng đối với thế hệ trẻ. Đ.B. En - cô – nhin cho rằng “hoạt động học, trước hết là hoạt động mà nhờ nó diễn ra sự thay đổi trong bản thân học sinh. Đó là hoạt động nhằm tự biến đổi mà sản phẩm của nó là những biến đổi diễn ra trong chính bản thân chủ thể trong quá trình thực hiện nó”. Hoạt động học là hoạt động có mục đích của con người nhằm nhận thức sâu sắc nội dung tri thức khoa học và nắm vững cách thức hoạt động thực tiễn, cách tiếp cận và vận dụng tri thức đó. cho phép người học đạt được những mục tiêu xác định [trích theo 12, 18].
Trong hoạt động học tập, có nhiều yếu tố tâm lý tham gia vào quá trình học tập, có thể kể đến các yếu tố sau:
- Hình thành động cơ nhận thức thể hiện ở nhu cầu nhận thức, hứng thú nhận thức, thiếu động cơ nhận thức thì không thể diễn ra hoạt động học tập.
- Có năng lực học tập, được thể hiện bằng tri thức, kỹ năng, kỹ xảo vững vàng làm chỗ dựa cho hoạt động nhận thức, bằng sự phát triển trí tuệ, phương pháp suy nghĩ. Nhờ đó mà người học có thể tự mình xác định nhiệm vụ học
tập hay thay đổi cách thức học tập của mình cho phù hợp với hoàn cảnh mới và biết đánh giá đúng đắn yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Từ đó mà có thể độc lập tự lĩnh hội tri thức từ nhiều nguồn khác nhau, có thái độ phê phán bình phẩm trong học tập, biết vận dụng những tri thức đã tiếp thu để có thể tự học, để giải quyết nhiệm vụ do thực tiễn đặt ra và đủ niềm tin để bảo vệ ý kiến của mình, bảo vệ chân lý.
- Sự tổ chức học tập bao gồm việc lập kế hoạch học tập và sự tự kiểm tra kết quả học tập. Tự kiểm tra là phương tiện kích thích hơn nữa hoạt động tự nhận thức.
- Hành động ý chí, thể hiện ở tính mục đích, tính kiên trì, tinh thần khắc phục khó khăn nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ học tập.
Bản chất của hoạt động học là quá trình tái tạo lại tri thức ở người học và để tái tạo, người học không có cách gì khác đó là phải huy động nội lực của bản thân (động cơ, ý chí ..), càng huy động bao nhiêu thì việc tái tạo lại càng diễn ra tốt bấy nhiêu. Ai học thì người đó có “sự thay đổi” – tức sự phát triển, không ai học thay thế được, người học phải có trách nhiệm với chính mình, vì mình mà học. Hoạt động học muốn đạt kết quả cao, người học phải biết cách học, phương pháp học.
Hoạt động học muốn diễn ra phải có điều kiện của nó. Điều kiện đầu tiên là có sự tham gia của các yếu tố bên ngoài (ngoại lực) như có sự hướng dẫn của Giáo viên, phương tiện học tập, hình thức học tập. Điều kiện thứ hai là sự vận động của chính bản thân người học hay còn gọi là yếu tố nội lực, đó là những tri thức mà người học đã học được, trình độ trí tuệ hiện có của người học, động cơ, ý chí, hứng thú của người học. Có đầy đủ những điều kiện đó, dù có mặt giáo viên hay không thì hoạt động học vẫn diễn ra. Có thể nói học là quá trình tương tác giữa các yếu tố nội lực và yếu tố ngoại lực trong đó yếu tố nội lực đóng vai trò quan trọng hơn yếu tố ngoại lực [18].
Như vậy, động cơ không chỉ là một trong các thành tố cơ bản, thành tố thứ nhất của cấu trúc hoạt động học tập mà còn là đặc trưng quan trọng của bản thân chủ thể trong hoạt động học tập.
1.2.2 Động cơ
1.2.2.1 Khái niệm
Động cơ hay còn gọi là động lực, trong tiếng La tinh là Motif (Tiếng Anh là Motivation) có nghĩa là cái kích thích hành động, nguyên nhân thúc đẩy hành động. Động cơ liên quan đến câu hỏi tại sao người ta lại hành động hoặc hành động như thế này mà không hành động như thế kia trong cùng một điều kiện khách quan, ví dụ tại sao trong cùng một cơ quan có những người làm việc với động cơ kiếm tiền trong khi đó số khác làm việc để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp. Vậy động cơ là gì?
P.A. Ru đích định nghĩa “động cơ hoạt động là những ý nghĩ và cảm xúc của con người, kích thích con người thực hiện một hoạt động nào đó… Động cơ hoạt động của con người đó là sự rung động do con người nhận thức được về nhu cầu của mình (hay là về đòi hỏi của mình) và sự rung động đó được biểu hiện một cách khách quan trong các ý nghĩ, các khái niệm (khái niệm đạo đức, thẩm mỹ, khoa học), các tư tưởng, cảm xúc kể cả đơn giản và phức tạp, cao cấp” [23, 114 - 116].
B.Ph.Lomov cho rằng “đối với chủ thể, động cơ của nó là động lực kích thích trực tiếp, là nguyên nhân trực tiếp của hành vi của chủ thể” [17, 308].
S.L Rubinstein định nghĩa “động cơ là sự quy định chủ quan của hành vi con người, sự quy định gián tiếp bởi thế giới khách quan thông qua quá trình phản ánh vào tâm lý, thông qua hoạt động của mình mà con người liên kết với bối cảnh của hiện thực” [6, 16].
A.N Leonchiep định nghĩa “động cơ là đối tượng (vật chất hay tinh thần) mà chủ thể cần chiếm lĩnh thông qua hoạt động nhằm thỏa mãn một nhu cầu
được vật hóa trong đối tượng đó”. Trong quan hệ với chủ thể, “đối tượng” chính là động cơ của chủ thể kích thích chủ thể tiến hành hoạt động để chiếm lĩnh nó bởi vì đằng sau đối tượng bao giờ cũng là nhu cầu. Hoạt động bao giờ cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ thể [18, 589].
Theo Nguyễn Quang Uẩn, động cơ là “cái thúc đẩy con người hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, là cái làm nảy sinh tính tích cực và quy định xu hướng của hướng tích cực đó. Động cơ là động lực kích thích trực tiếp, là nguyên nhân trực tiếp của hành vi” [27, 206].
Tác giả Phan Trọng Ngọ cho rằng “Động cơ chính là sức hấp dẫn lôi cuốn của đối tượng mà cá nhân nhận thấy cần chiếm lĩnh để thỏa mãn nhu cầu hay mong muốn của mình” [21, 370].
Trong từ điển Tâm lý học của Nga, động cơ được xác định là : “a) Các kích thích thúc đẩy hoạt động, các kích thích này liên quan với việc thỏa mãn nhu cầu của chủ thể. Đó là tập hợp các điều kiện bên trong và bên ngoài khêu gợi tính tích cực của chủ thể và định hướng cho tính tích cực. b) Đối tượng (vật chất hay tinh thần) thúc đẩy và quy định sự lựa chọn hướng của hoạt động được thực hiện để đạt được đối tượng đó. c) Nguyên nhân được nhận thức là cơ sở của sự lựa chọn hành động và các hành vi của nhân cách.
Trong Từ điển Tâm lý học của Raymond J. Corsini (Anh), động cơ được xem là cái thúc đẩy, nuôi dưỡng và định hướng các hành động tâm lý hay sinh lý. Động cơ bao gồm các lực thúc đẩy nội tâm (bên trong) như các xung năng, các hứng khởi và mong muốn” [10, 209].
Động cơ của con người có một số đặc điểm, thứ nhất đó là sự phản ánh tâm lý về đối tượng có khả năng thỏa mãn nhu cầu; thứ hai các động cơ của con người mang tính lịch sử xã hội. Về cấu trúc của động cơ, Axeev cho rằng trong động cơ của con người có yếu tố hành động tích cực và yếu tố xúc cảm giá trị. Động cơ của con người bao hàm cả yếu tố liên tục lâu dài và yếu tố
đứt đoạn ngắn hạn; động cơ của con người có quan hệ chặt chẽ với ý thức và quá trình hình thành phát triển nhân cách; động cơ của con người bao hàm khía cạnh nội dung và khía cạnh lực của động cơ.
Trong nghiên cứu về động cơ các nhà nghiên cứu rất quan tâm tới khía cạnh lực của động cơ, phản ánh độ mạnh của động cơ. “Khía cạnh lực thể hiện ở chỗ, một động cơ nhất định có khả năng thúc đẩy chủ thể thực hiện những hoạt động khác nhau nhằm thỏa mãn động cơ đó hay không? Nếu có thì nó có thể duy trì hoạt động đó đến mức nào? Tích cực, mạnh mẽ, lâu dài hay cầm chừng, nửa vời” [10, 226].
Trong cấu trúc của hoạt động, động cơ có quan hệ trực tiếp với mục đích hoạt động. Mục đích hoạt động là sự cụ thể hóa của động cơ, nó kích thích trực tiếp hành động của chủ thể. Vậy các nhà nghiên cứu định nghĩa mục đích hoạt động như thế nào?
B.Ph Lomov định nghĩa “Mục đích hoạt động là biểu tượng lý tưởng về kết quả tương lai của hoạt động, là mức độ thành đạt do cá nhân định trước (chẳng hạn như tài nghệ). Nó như là quy luật xác định tính chất và các phương thức hành động của con người”[17, 310].
Phan Trọng Ngọ cho rằng “mục đích là đối tượng mà chủ thể ý thức cần phải chiếm lĩnh nó, làm phương tiện để thỏa mãn nhu cầu hoạt động” [18, 590].
A.N Lêonchiep phân tích việc tách đối tượng bộ phận trở thành mục đích hành động dẫn đến sự phân ly chức năng của động cơ như sau: “Lúc đầu động cơ bao hàm cả chức năng kích thích và hướng dẫn chủ thể đến đối tượng thỏa mãn nhu cầu. Về sau, hoạt động được phân ly, xuất hiện những đối tượng và sản phẩm trung gian. Khi đó, động cơ giữ vai trò kích thích hoạt động của chủ thể cònmục đích có chức năng hướng dẫn chủ thể tới đối tượng thỏa mãn nhu cầu. Theo A.N. Lêonchiep, trong tình huống độc lập, hành động là quá
trình bị chi phối bởi biểu tượng về kết quả phải đạt, được thực hiện nhằm giải quyết hai câu hỏi: đạt được cái gì? đạt bằng cách nào? Mặt khác nó có chức năng trực tiếp thỏa mãn nhu cầu của chủ thể, trả lời cho câu hỏi: vì cái gì?” [18, 290].
Tóm lại, động cơ biểu hiện trong tư tưởng, ý nghĩ và cảm xúc của con người (Ru đích), động cơ của mỗi người thường không được họ nhắc đến, thường bị che giấu, lẩn khuất. Động cơ của mỗi người được họ hiểu, cảm nhận hay nhận thức về nó rõ nhất. Tuy nhiên, động cơ là cái kích thích trực tiếp, là nguyên nhân trực tiếp hành vi của chủ thể (B.Ph Lomov), mặc dù