Đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên

Một phần của tài liệu động cơ học tập của sinh viên trường đại học bình dương (Trang 36 - 39)

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

1.2.3.2 Đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên

Sinh viên là đại biểu của một nhóm xã hội đặc biệt, đang được đào tạo trong các trường Đại học, Cao đẳng, gồm những người đang trong quá trình chuẩn bị tri thức, nghề nghiệp để trở thành những người lao động có tay nghề cao, bổ sung vào đội ngũ tri thức, trở thành chuyên gia hoạt động, lao động trong một lĩnh vực nhất định.

Hoạt động học tập ở Đại học mang tính chất chuyên ngành, cách thức đào tạo mang tính chất mở nghĩa là người học có thể học bằng nhiều cách, học bằng nhiều nguồn tài liệu. Trong 4 - 5 năm học, sinh viên phải nắm vững một chuyên môn cả về lý thuyết lẫn thực hành, có thể hành nghề sau khi ra trường.

Với nhiệm vụ nặng nề đó, nhịp độ học tập trở lên căng thẳng, đòi hỏi sinh viên phải duy trì và tăng cường việc học tập ở trên lớp cũng như tự học. Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ thông tin, môi trường học tập của sinh viên đang có sự thay đổi lớn do những cải cách trong vấn đề phương pháp học và nội dung học tập. Phương pháp dạy học chuyển dần từ kiểu dạy học người giáo viên là trung tâm sang kiểu học lấy người học làm trung tâm, phát huy cao độ năng lực, sở trường của người học. Nội dung dạy học từ việc cứng nhắc, sách giáo khoa là mẫu mực sang kiểu nội dung mở người học tự khám phá tri thức từ nhiều nguồn.

Theo tác giả Nguyễn Thạc - Phan Thành Nghị,hoạt động học tập của sinh viên là hoạt động nhận thức độc đáo nhằm mục đích chuẩn bị trở thành chuyên gia phát triển toàn diện, sáng tạo, có trình độ nghiệp vụ cao. Hoạt động học tập của sinh viên có một số đặc điểm sau:

- Quá trình học tập có tính chất nghiên cứu được tiến hành dưới vai trò tổ chức điều khiển của giáo viên nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ dạy học ở Đại học. Sinh viên không máy móc tiếp thu những tri thức có sẵn mà có khả năng tiếp nhận tri thức với óc phê phán hoài nghi khoa học, lật ngược vấn đề, đào sâu hoặc mở rộng.

- Sinh viên bắt đầu tham gia tìm kiếm chân lý mới thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học từ mức độ thấp đế cao, từ bài tập nghiên cứu sau mỗi học phần, niên luận, khóa luận. Những hoạt động nghiên cứu này giúp sinh viên từng bước vận dụng những tri thức khoa học và hình thành các phẩm chất tác phong của nhà nghiên cứu.

- Hoạt động học tập mang tính độc lập trí tuệ cao. Cốt lõi của việc học tập là sinh viên tự ý thức về việc học tập của họ, ý thức về mục đích, động cơ, biện pháp học tập. Họ ý thức sâu sắc rằng mình là chủ thể của việc học tập nên bản thân họ phải là người định hướng tổ chức, tự đề ra mục đích học tập,

có nhiệm vụ giải quyết mục đích học tập đó, tự hoàn thiện các hành động học tập sao cho biết cách học và học có hiệu quả cũng như các biện pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập.

- Có tính chất độc đáo về mục đích và kết quả hoạt động. Mục đích sinh viên học tập để tiếp thu các tri thức khoa học, hình thành kĩ năng kĩ xảo nghề nghiệp, phát triển những phẩm chất nghề nghiệp trong tương lai. Kết quả hoạt động học tập của sinh viên không phải tạo ra sản phẩm vật chất phục vụ cuộc sống mà là kết quả là làm thay đổi chính bản thân người học.

- Hoạt động học tập của sinh viên bao gồm cả hoạt động trên lớp và ngoài lớp. Hoạt động học tập trên lớp tuân theo thời khóa biểu nên sinh viên được thông báo trước và có kế hoạch học tập, còn hoạt động ngoài lớp là sự hoàn thành có logic các giờ học trên lớp. Hoạt động ngoài lớp không có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà sư phạm nhưng kết quả hoạt động sẽ được họ phân tích, đánh giá qua các bài kiểm tra và thi cử. Hoạt động học tập ngoài lớp thể hiện rõ rệt các sở trường, năng lực tổ chức và sáng tạo của sinh viên [25].

Tóm lại, hoạt động học của sinh viên vừa có điểm giống nhau và khác nhau với hoạt động học của học sinh phổ thông. Giống nhau ở chỗ về bản chất đều là quá trình tiếp nhận tri thức, vẫn cần có sự giúp đỡ của giáo viên, bao gồm cả quá trình học tập ở trên lớp và ngoài lớp. Khác nhau ở chỗ bản chất học tập ở đại học là quá trình tiếp nhận tri thức với óc phê phán hoài nghi khoa học, nội dung kiến thức được đào sâu và mang tính chuyên ngành, bên cạnh việc học tri thức như ở phổ thông sinh viên Đại học chú trọng việc thực hành nghiên cứu khoa học nhằm từng bước ứng dụng các kiến thức đã học. Ở Phổ thông, học sinh hoàn thành các nhiệm vụ giáo viên giao phó là hoàn thành nhiệm vụ thì ở Đại học, hoạt động học tập của sinh viên mang tính độc lập trí tuệ cao. Cốt lõi của hoạt động học tập của sinh viên là sự tự ý thức về động cơ học tập, mục đích học tập, biện pháp học tập.

Một phần của tài liệu động cơ học tập của sinh viên trường đại học bình dương (Trang 36 - 39)