1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
2.2.3.2 Một số biện pháp giáo dục động cơ học tập cho sinh viên trường
trường ĐHBD
* Phía Nhà trường
Từ thực trạng sinh viên “thiếu các hoạt động thực hành, thực tập thực tế” và “thiếu tài liệu, phương tiện học tập và thựa hành”, Nhà trường nên:
+ Xây dựng Chương trình đào tạo mới thiết thực hơn theo hướng tăng cường các kiến thức thực tế, thực hành. Đầu tư cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm) và giảng viên cho các môn học thực hành, nâng cao chất lượng các giờ thực hành thực tập dựa trên các quy trình chuẩn. Xây dựng chính sách bắt buộc hoặc khuyến khích GV giảng dạy gắn lý thuyết với thực hành trong các môn học, xây dựng chính sách về quyền lợi và thù lao giảng dạy nhằm đẩy mạnh việc GV tổ chức cho SV học thực hành, thực tế. Chú trọng quan hệ với các doanh nghiệp, địa phương để đưa sinh viên đi thực tập, thực tế.
+ Không chỉ chú trọng đầu tư các trang thiết bị cho từng Khoa mà cho phép tất cả các sinh viên Khoa khác có nhu cầu đều có thể tham quan, sử dụng trang thiết bị học tập. Xây dựng các quy định thông thoáng hơn với việc sử dụng trang thiết bị trong trường như máy tính để xem điểm, phòng sinh hoạt chung, thư viện mở …
Từ thực trạng sinh viên “lo lắng không hoàn thành các nhiệm vụ học tập”, Nhà Trường và Khoa nên:
+ Công bố và tư vấn mục tiêu, nội dung, kế hoạch học tập và chuẩn đầu ra không chỉ đầu khóa học mà đầu năm học, đầu học kỳ cho SV. Theo đuổi các chuẩn đầu ra trong quá trình thực hiện, tránh thay đổi quy định liên tục sẽ khiến sinh viên hoang mang lo lắng về các điều kiện tốt nghiệp, giá trị của bằng cấp. Động viên các em yên tâm, phấn đấu học tập.
+ Xây dựng đội ngũ cố vấn học tập, có các kênh thông tin nhằm tư vấn hỗ trợ sinh viên từ Đoàn thanh niên, Phòng Công tác sinh viên, các Câu lạc bộ học thuật, Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, Câu lạc bộ tư vấn học đường. Gắn việc hoạt động của đội ngũ cố vấn với hoạt động của các Câu lạc bộ và hoạt động giảng dạy của các Khoa, kết hợp với các chính sách khen thưởng các sinh viên học tốt, nghiên cứu khoa học giỏi nhằm tạo nên môi trường tích cực, thi đua trong học tập.
+ Xem xét lại các chuẩn đánh giá trong các đề thi kiểm tra kiến thức nhất là đề thi trong hệ thống ngân hàng câu hỏi trên máy tính. Đảm bảo tính vừa sức đối với SV, vì kết quả học tập không cao hoặc quá trình học tập thất bại (thi không đậu) khiến sinh viên hoang mang lo lắng, không duy trì được động cơ học tập lấy kiến thức mà chú trọng vào việc học “để lấy điểm”. Động cơ học tập chỉ có thể duy trì được nếu mục đích học tập và chuẩn kiến thức mang tính thách thức nhưng không quá nặng nề. Cả mục tiêu môn học và mục tiêu cá nhân đều phải được đặt ra một cách phù hợp. Sinh viên sẽ hứng thú nếu những thách thức mang tính thực tế và có thể đạt được nếu họ cố gắng học tập bên cạnh việc hướng dẫn, giúp đỡ của Giáo viên.
Từ thực trạng sinh viên “thiếu phương pháp học tập” trong khi vai trò của “không khí học tập trong tập thể” rất yếu vì vậy các Khoa và phòng ban chức năng nên chú trọng thường kỳ tổ chức các hội thảo, diễn đàn về phương pháp học Đại học, trong đó tư vấn cho sinh viên tự ý thức trong việc xây dựng động cơ học tập đúng đắn, cách khắc phục các khó khăn về các yếu tố chủ quan và
khách quan có thể xảy ra trong quá trình học tập, cung cấp cho sinh viên các phương pháp học tập hiệu quả phù hợp với từng môn học, khuấy động tinh thần thi đua học tập trong sinh viên đồng thời dành nhiều suất học bổng hơn nữa cho các sinh viên học tốt.
* Phía Giảng viên
Từ thực tế sinh viên trường tư thục có chuẩn đầu vào thấp, mức độ tiếp thu có phần hạn chế so với sinh viên trường công lập đòi hỏi Giảng viên phải đầu tư bài giảng nhiều hơn, mất nhiều thời gian hơn trong việc giảng dạy, nội dung và hình thức giảng dạy phải phong phú hơn. Để sinh viên có “kỹ năng thực hành nghề” và “học hỏi thu nhận kiến thức” đòi hỏi Giảng viên phải: + Đầu tư bài giảng thực hành, xây dựng hệ thống bài tập thực hành với nội dung thiết thực và phong phú qua các dạng bài tập sáng tạo, bài tập tình huống, kích thích sinh viên suy nghĩ, tưởng tượng để tìm ra phương án giải quyết tối ưu phù hợp với mục tiêu giảng dạy của từng môn học, từng ngành học. Gắn các biện pháp sinh viên tự học với yêu cầu của việc kiểm tra đánh giá, bắt buộc sinh viên phải sưu tầm tài liệu, nghiên cứu chuyên đề, viết tiểu luận, thuyết trình, đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, đi thực tế.
+ Sử dụng nhiều hình thức dạy học đan xen vào nhau giữa học cá nhân (tự học), học nhóm, học trên lớp và học trong phòng thí nghiệm, tại các doanh nghiệp, địa phương có liên quan đến ngành học. Không chỉ yêu cầu sinh viên đi thực tế một vài lần trong suốt khóa học mà từng học kỳ, các môn học quan trọng đều được thực hành, thực tế.
+ Quan tâm tới việc đổi mới phương pháp dạy học và cách trình bày bài giảng hấp dẫn hơn. Sử dụng nhiều phương pháp dạy học đan xen vào nhau giữa việc thuyết trình và các phương pháp tích cực khác như: phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp thực hành, phương
pháp động não, phương pháp đóng vai, phương pháp dạy học bằng tình huống…
+ Trang bị cho sinh viên các kiến thức nền tảng đồng thời hướng dẫn, yêu cầu sinh viên tự tìm kiếm tài liệu, xử lý tài liệu nhằm “học hỏi thu nhận kiến thức” bằng cách dành thời gian cho việc nghe giảng trên lớp, đọc sách, làm bài báo cáo.
Giảng viên là người khuyến khích, động viên sinh viên học tập bởi vì “để được GV khen ngợi, chú ý” cũng là một nguồn động lực giúp sinh viên học tốt hơn. Bên cạnh đó GV có thể sử dụng các phương pháp dạy học tích cực hướng tới mục tiêu làm sao trong quá trình học tập SV được làm việc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn. Qua đó SV “học thầy không tày học bạn”, quá trình SV học bạn là quá trình SV nỗ lực phấn đấu so sánh với việc học của bạn, cố gắng học bằng bạn để “khẳng định vị thế của bản thân trong tập thể”.
Giảng viên phải hướng dẫn cho sinh viên các phương pháp học tập bộ môn, trang bị cho SV những phương pháp tự học bộ môn hiệu quả, khắc phục tình trạng học tập thiếu hiệu quả do sinh viên “thiếu phương pháp học tập” như hiện nay. Sinh viên không thể tự mình thực hiện tốt nếu GV không truyền đạt những kinh nghiệm, kiến thức làm nền tảng cho việc học tập độc lập.
* Phía sinh viên
Người học nên trung thực với việc xác định và bày tỏ động cơ học tập của mình bởi vì không có động cơ học tập nào là xấu. Thực tế sinh viên còn nhiều suy nghĩ lệch lạc từ việc cho rằng học tập vì tấm bằng Đại học là điều không tốt, cứ phải cho rằng học tập vì hiểu biết là động cơ quan trọng nhất, điều đó là không đúng sự thực. Rất nhiều SV gia cảnh khó khăn, đi học vì muốn có bằng, có việc làm tốt để giúp đỡ cha mẹ.
Trong quá trình học tập, việc đầu tiên là phải xác định mục đích, xây dựng động cơ học tập. Xây dựng động cơ học tập đúng đắn là việc trước hết đi học là để lấy kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp - hai mục tiêu quan trọng nhất của người sinh viên. Và học là “thể hiện trách nhiệm với bản thân”, học cho mình và không ai học thay cho mình được. Học được một nghề, có tấm bằng hành nghề, có thu nhập có thể báo đáp cha mẹ, thể hiện “trách nhiệm với gia đình” và trở thành một người lao động có hiệu quả thể hiện “trách nhiệm với xã hội”. Muốn hoàn thành trách nhiệm với bản thân – gia đình – xã hội, khi ngồi trên ghế Nhà trường thể hiện ở việc SV chăm chỉ, sáng tạo trong học tập, hoàn thành các môn học…
Sinh viên phải rèn luyện tinh thần tự giác, tích cực, chủ động trong việc tự học hàng ngày, tự học phải trở thành mục tiêu học tập của sinh viên, không “phụ thuộc vào sự nhắc nhở hay bắt buộc của GV”, phải có “nỗ lực và kỷ luật” đối với việc tự học.
Sinh viên là lứa tuổi có nhu cầu giao tiếp xã hội rất cao, thời gian và sự quan tâm cho các quan hệ liên cá nhân rất nhiều trong khi nhiệm vụ chính vẫn là học tập, vì vậy nên nhìn nhận thay đổi thói quen làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ học tập nhất là thói quen “dành thời gian cho các nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi, đi chơi”. Sinh viên cần nghiêm túc hơn nữa trong học tập, phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm và chưa làm được, không nên đổ lỗi việc học tập của không thành công là do yêu cầu cao của Nhà trường. Thực tế nhiều sinh viên không xây dựng được động cơ học tập rõ ràng và mạnh mẽ, không biết họ học để làm gì và học như thế nào, thường xuyên bỏ giờ học trên lớp, thời gian dành cho tự học dành cho các nhu cầu khác như ăn uống, nghỉ ngơi, đi chơi dẫn đến kết quả học tập kém, phải dành thời gian và tiền bạc cho việc trả nợ các môn học hơn là tập trung vào các môn học trong học kỳ, dẫn đến việc SV không đủ điều kiện nhận bằng hay nhận bằng không đúng thời hạn.
2.2.4 Tiểu kết
Kết quả nghiên cứu thực trạng có một số điểm đáng chú ý như sau:
Sinh viên ĐHBD nhận thức về các động cơ chi phối việc học tập theo thứ tự ưu tiên là học để có kỹ năng nghề, thu nhận kiến thức, có bằng, có điểm, tranh đua với bạn bè, để được thầy cô và cha mẹ khen ngợi động viên. Nhận thức về các động cơ chi phối việc học tập thể hiện rất rõ họ đang phấn đấu học tập vì các động cơ bên trong. Trong việc biểu hiện động cơ học tập qua hành vi, sinh viên ĐHBD thể hiện rõ họ đang học tập vì các động cơ bên ngoài như để có bằng Đại học và có điểm, tiếp theo là các động cơ có kiến thức và kỹ năng nghề, nhu cầu tranh đua và được khen ngợi. Đây là kết quả nghiên cứu phù hợp với giả thuyết của đề tài.Sử dụng tương quan Pearson để tìm sự mối liên hệ giữa nhận và hành vi cho thấy không có sự tương quan giữa nhận thức về các động cơ chi phối việc học tập với hành vi tương ứng.
Trong các yếu tố thuộc chủ thể, yếu tố phương pháp học tập có ảnh hưởng lớn nhất đến động cơ học tập của sinh viên, thứ hai là sự tuân thủ kỷ luật trong tự học, thứ ba là việc dành thời gian thỏa mãn các loại nhu cầu cơ bản, thứ tư là niềm tin vào năng lực của bản thân và cuối cùng là sự lo lắng thái quá. Trong các yếu tố khách quan, tài liệu phương tiện học tập có ảnh hưởng lớn nhất đến động cơ học tập của sinh viên, thứ hai là các hoạt động thực hành thực tập, thứ ba là sự bất cập trong cách thi một số môn, thứ tư và thứ năm là yếu tố giảng viên, thứ sáu là không khí học tập trong lớp.
Mặt nhận thức về ĐCHT cho thấy sinh viên nam giới, sinh viên ngành Kỹ thuật có xu hướng coi trọng học được kỹ năng nghề hơn nữ, hơn sinh viên ngành Xã hội. Nữ giới coi trọng nhu cầu tranh đua với bạn bè hơn nam giới. Sinh viên học theo NV1 cho rằng họ muốn học hỏi thu nhận kiến thức cao hơn sinh viên NV2. Sinh viên càng có học lực thấp càng coi trọng động cơ có bằng và có điểm.
Về mặt biểu hiện ĐCHT qua hành vi cho thấy sinh viên nhóm Kinh tế đọc tài liệu nhiều nhất, sau đó là sinh viên nhóm Xã hội và ít đọc tài liệu nhất là sinh viên Kỹ thuật. Sinh viên Kỹ thuật học qua thực hành, nghiên cứu khoa học nhiều nhất, tiếp theo là sinh viên Xã hội và sinh viên Kinh tế ít được học qua việc thực hành và nghiên cứu khoa học nhất. Sinh viên nam học thực hành, nghiên cứu khoa học nhiều hơn sinh viên nữ. Sinh viên nữ, sinh viên ngành Xã hội quan tâm đến việc có bằng Đại học và giá trị của tấm bằng nhiều hơn sinh viên nam và sinh viên khối ngành Kỹ thuật. Sinh viên ngành Xã hội thường bàn luận việc học và so sánh điểm với bạn bè hơn cả, tuy vậy sinh viên ngành Kỹ thuật thể hiện nhu cầu được Giảng viên khen ngợi nếu học tốt hơn và chọn cách phát biểu ý kiến để được Giảng viên chú ý. Nhóm sinh viên Kinh tế thể hiện nhu cầu được cha mẹ khen ngợi việc học hơn sinh viên hai nhóm còn lại. Sinh viên học theo nguyện vọng 1 tham gia nghe giảng trên lớp thường xuyên nhất, chọn cách phát biều ý kiến trước lớp nhiều hơn, nhóm này cũng tập trung hơn hai nhóm còn lại vào việc học để có bằng. Các sinh viên học theo nguyện vọng 3 thể hiện động cơ để được cha mẹ khen ngợi hơn sinh viên học theo nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Kết quả điều tra cho thấy sinh viên có học lực tốt thường tham gia nghiên cứu khoa học và ứng dụng kiến thức nhiều hơn, tuy vậy sinh viên có học lực kém hơn thường dành thời gian cho việc tự học ở nhà và thư viện nhiều hơn, thường dùng cách phát biểu ý kiến trước lớp để được GV chú ý. Sinh viên năm thứ ba thể hiện nhu cầu tranh đua, khẳng định bản thân trong nhóm bạn nhiều hơn trong khi đó sinh viên năm nhất thể hiện nhu cầu được GV khen ngợi bằng việc phát biểu trước lớp nhiều hơn và nhóm này cũng thích cha mẹ khen ngợi việc học tập của họ nhiều hơn cả.
Các yếu tố ảnh hưởng bởi chủ thể cho thấy sinh viên nam bị ảnh hưởng nhiều hơn nữ trong việc dành thời gian học tập cho việc thỏa mãn các nhu cầu
khác như ăn uống, nghỉ ngơi, đi chơi. Sinh viên nam nhận định về năng lực học tập của bản thân thấp hơn nữ giới. Sinh viên nguyện vọng 3 biểu hiện lo lắng về việc thi không đậu hoặc không hoàn thành nhiệm vụ học tập nhất, ít lo lắng nhất là sinh viên nguyện vọng 1. Sinh viên có học lực thấp bị thiếu phương pháp học tập, thiếu nỗ lực và kỷ luật trong tự học và thiếu tự tin vào khả năng của mình hơn là các sinh viên có học lực tốt hơn. Các yếu tố khách quan cho thấy sinh viên nguyện vọng 1 ít bị ảnh hưởng bởi phương pháp giảng dạy của giảng viên trong khi đó sinh viên nguyện vọng 3 phụ thuộc vào các biện pháp kích thích của giảng viên. Sinh viên có học lực kém phụ thuộc vào sự nhắc nhở hay bắt buộc của Giảng viên đối với việc tự học của họ. Những sinh viên có học lực càng cao càng ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu tài liệu học tập hay thiếu các hoạt động học thực hành. Có thể suy luận những sinh viên có học lực cao thì tính tích cực, chủ động trong học tập của họ cũng cao.
Trong việc đề xuất một số phương án giải quyết tình trạng động cơ học tập của sinh viên coi trọng động cơ có bằng và có điểm cùng một số khó khăn có ảnh hưởng đến động cơ và hành vi học tập của họ, chúng tôi đã đề xuất một số biện pháp cụ thể phù hợp với Nhà trường, Giảng viên và sinh viên.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ