Động cơ học tập

Một phần của tài liệu động cơ học tập của sinh viên trường đại học bình dương (Trang 39 - 42)

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

1.2.4 Động cơ học tập

1.2.4.1. Khái niệm

Động cơ học tập hay còn gọi là động lực học tập (motivation learning) có nghĩa là cái kích thích việc học tập, là nguyên nhân thúc đẩy hoạt động học tập. Nói cách khác, động cơ học tập là cái mà vì nó người ta học tập (tính mục đích), đồng thời nó kích thích, thúc đẩy hành động học (tính kích thích).

Có ba quan điểm khác nhau về động cơ học tập. Quan điểm thứ nhất xem xét “Động cơ thúc đẩy học tập là trạng thái nội tâm lâu dài có hiệu lực giúp học sinh duy trì hứng thú và ham muốn tìm tòi học hỏi, vượt qua những trở ngại” [21, 224]. Theo quan điểm này, hứng thú vừa là nguồn kích thích học sinh học tập, là biều hiện của động cơ học tập. Hứng thú bao gồm hai nhân tố là nhận thức và tình cảm “Khi ta có hứng thú về một cái gì đó, thì cái đó bao giờ cũng được ta ý thức, ta hiểu rõ ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của ta” [268, 27]. Nói một cách đơn giản, hứng thú trong học tập là việc người học cảm thấy thích thú với việc học tập, học tập mang lại cho họ niềm vui, nhiệm vụ học tập trở lên rõ ràng, dễ dàng hơn. Hứng thú không tự nhiên mà có, nó phụ thuộc vào trình độ phát triển của nhận thức và tình cảm, phụ thuộc vào những yếu tố tâm lý của chủ thể tham gia vào hoạt động học tập như sự tin tưởng vào khả năng của bản thân, nỗ lực trong học tập, vượt qua những khó khăn trong học tập. Ngoài ra, hứng thú của người học có thể được Giáo viên tác động bằng việc sử dụng phương pháp, phương tiện, hình thức, nội dung dạy học, các biện pháp kích thích tư duy sáng tạo, kích thích sự chú ý của người học.

Quan điểm thứ hai định nghĩa động cơ học tập là ý thức của chủ thể về đối tượng có thể làm thỏa mãn nhu cầu có liên quan đến việc học tập, như định nghĩa của tác giả Phan Trọng Ngọ “Động cơ học tập của học viên là cái mà việc học của họ phải đạt được để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nói ngắn gọn,

học viên học vì cái gì, thì đó chính là động cơ học tập của họ” [19, 371]. Vậy nhu cầu là gì?

A.N Lêôchiép cho rằng, nhu cầu là một trạng thái của con người cần cái gì đó cho cơ thể và cho hoạt động của mình. Nhu cầu luôn luôn có đối tượng, có thể là nhu cầu vật chất hoặc nhu cầu tinh thần. Nhu cầu với vai trò là động lực bên trong thúc đẩy con người hoạt động [16]. Theo A.A. Xmiếc nốp, bất kỳ hoạt động nào của cơ thể cũng đều nhằm thỏa mãn những đòi hỏi cấp thiết cho việc duy trì và phát triển sự sống của cơ thể ấy.

A.Maslow phân loại nhu cầu thành hai nhóm là nhu cầu cơ bản và nhu cầu bậc cao: nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố thể lý của con người như mong muốn có đủ thức ăn, nước uống, nghỉ ngơi. Nhu cầu bậc cao bao gồm các yếu tố tinh thần như được sự tôn trọng, được hiểu biết cái mới, được yêu quý, có địa vị xã hội và phát huy hết tiềm năng, nhu cầu tâm linh [19]

B.Ph. Lomov cho rằng nhu cầu có quan hệ mật thiết với động cơ, động cơ là biểu hiện chủ quan của nhu cầu và ngược lại nhu cầu là cơ sở của động cơ [17].

Nhu cầu học tập quan hệ với động cơ học tập như thế nào? Tác giả Phan Trọng Ngọ đề cập “Để có được động cơ nói chung động cơ học tập nói riêng trước hết cần phải có đối tượng bên ngoài chủ thể, có giá trị đối với chủ thể và làm nảy sinh ở chủ thể nhu cầu cần chiếm lĩnh nó. Khi nhu cầu sự chiếm lĩnh đó được cá nhân ý thức, sẽ trở thành động cơ thúc đầy, định hướng và duy trì hành động. Động cơ luôn gắn với nhu cầu, mong muốn của cá nhân. Nói khác đi, nhu cầu mong muốn là những yếu tố bên trong quan trọng nhất để hình thành động cơ” [19, 371].

Chúng ta biết rằng, hoạt động học với chủ thể là người học, còn đối tượng của nó là những tri thức khoa học. Khi chủ thể tiến hành hoạt động học, chiếm lĩnh tri thức thì chính tri thức đó trở thành cái tinh thần, thôi thúc người

học. Vì vậy, có thể hiểu học tập nhằm chiếm lĩnh tri thức khoa học, thỏa mãn nhu cầu học hỏi khám phá tri thức của người học, trở thành sức mạnh kích thích người học người ta gọi đó là động cơ bên trong. Còn có những động cơ “bám vào”, “hiện thân” trên động cơ học hỏi khám phá tri thức, khi động cơ học hỏi khám phá tri thức được đáp ứng thì đồng nghĩa các động cơ bám vào đó cũng được thỏa mãn người ta gọi là động cơ bên ngoài. Ví dụ, quá trình người học khám phá tri thức đồng thời làm cho người học thỏa mãn các mong đợi từ bên ngoài như giải tỏa áp lực từ Giáo viên và gia đình, sự tôn trọng của bạn bè, có được công việc tốt …Cả hai động cơ (nhu cầu) này đều xuất hiện trong quá trình học tập và trong từng hoàn cảnh cụ thể, điều kiện nào đó mà động cơ này hay động cơ kia chiếm vị trí quan trọng hơn, nổi lên và chiếm ưu thế trong thứ bậc động cơ.

Quan điểm thứ ba xem xét việc đề ra mục đích học tập và các hành động nhằm thực hiện các mục đích học tập là biểu hiện của động cơ học tập. Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng “Mục đích học tập là một biểu hiện cụ thể của một khâu trong chuỗi logic của đối tượng học tập. Như vậy, quá trình đạt mục đích học tập cũng là quá trình hình thành động cơ trong điều kiện cụ thể xác định của tiến trình hoạt động (học tập), cho nên không thể có một động cơ nào khác bên ngoài hoạt động áp đặt vào cho nó nghĩa là không thể có một quá trình riêng rẽ hình thành động cơ học tập bên ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ học tập. Trong thực tiễn giáo dục, động cơ học tập phải được cụ thể hóa thành hệ thống mục đích, do đó việc chiếm lĩnh đối tượng (động cơ) được thực hiện một cách hiện thực bởi chủ thể dưới hình thức thực hiện các nhiệm vụ học tập” [3, 21].

Vậy mục đích học tập là gì? Tác giả Phan Trọng Ngọ định nghĩa “Mục đích học tập là một điểm cao để học sinh hướng tới, một ý định có ý nghĩa để học sinh cố gắng thực hiện qua việc học tập” [21, 229]. Tác giả Đoàn Huy

Oánh không dùng cụm từ “mục đích” mà dùng cụm từ “mục tiêu”, ông định nghĩa “Mục tiêu là cái mà cá nhân ý thức được nó và đang cố gắng vươn tới. Mục tiêu học tập được coi là một nguồn quan trọng kích thích động cơ học tập” [19, 382].

Như vậy, mục đích được hiểu là cái mà hành động đang diễn ra nhằm hướng tới. Mục đích học tập là các nhiệm vụ học tập, các giá trị, các chuẩn mực… mà hành động học tập đang diễn ra hướng đến nhằm đạt được nó. Quá trình hình thành mục đích bắt đầu bằng việc hình thành các biểu tượng, sau đó được chủ thể tổ chức để thực hiện hóa biểu tượng trên thực tế, và khi việc thực hiện hoàn thành thì mục đích được hoàn thành.

Trong khuôn khổ đề tài này, chúng tôi nghiên cứu động cơ học tập trên quan điểm thứ hai, theo đó động cơ học tập là việc chủ thể (sinh viên) nhận thức các nhu cầu của mình và có cách hành động cụ thể nhằm thỏa mãn nhu cầu thu nhận tri thức (động cơ bên trong) và các nhu cầu thỏa mãn các mong đợi từ bên ngoài như cha mẹ, giáo viên , bạn bè …(động cơ bên ngoài).

Một phần của tài liệu động cơ học tập của sinh viên trường đại học bình dương (Trang 39 - 42)