- Về chủ thể giáo dục pháp luật
Sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW, Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhận thức của các Cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở bước đầu đã có sự chuyển biến. Công tác phối hợp trong phổ biến, giáo dục pháp luật tới cán bộ, nhân dân đã được đẩy mạnh. UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo và xác định trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và được coi là một tiêu chuẩn đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Đặc biệt là công tác giáo dục pháp luật cho độ ngũ CBCC chính quyền cấp xã được triển khai rộng khắp.
Việc triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí Thư và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm và có kế hoạch phổ biến pháp luật dài hạn. Tỉnh Điện Biên đã thành lập được Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp cụ thể là:
- Đối với cấp tỉnh: Ngày 01 tháng 6 năm 2004, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-UB về việc thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Điện Biên..
- Đối với cấp huyện: Theo hướng dẫn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, đến nay đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thành lập Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật :
+ Huyện Điện Biên: có 25 thành viên; + Thành phố Điện Biên phủ: 19 thành viên; + Huyện Mường Chà : 19 thành viên; + Huyện Tủa Chùa: có 23 thành viên;
+ Huyện Mường Nhé: có 19 thành viên; + Huyện Tuần Giáo : có 19 thành viên; + Thị xã Mường Lay: có 23 thành viên; + Huyện Điện Biên Đông: có 19 thành viên. + Huyện Mường Ẳng: có 15 thành viên.
- Đối với cấp xã: Việc thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đang được xây dựng điểm tại các xã cho phù hợp với thực tế, có 10 HĐPH xã đã được thành lập mới tại huyện Mường Ảng, nâng tổng số HĐPH cấp xã trên địa bàn tỉnh lên 48.
Thông qua hoạt động của hội đồng đã xây dựng được cơ chế tổ chức thực hiện của từng địa phương, đơn vị từng bước nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của từng thành viên của hội đồng. Một số ngành Thành viên đã chủ động thành lập, kiện toàn HĐPH của ngành và xây dựng Qui chế hoạt động cụ thể như Công an tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (riêng lực lượng Công an đã thành lập thêm được HĐPH của ngành tại 8/9
huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh)
HĐPH giáo dục pháp luật là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục pháp luật trên toàn tỉnh cho mọi đối tượng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục pháp luật có vị trí hết sức quan trọng. Công tác đó vừa tạo ra tiền đề, điều kiện cho việc triển khai giáo dục pháp luật như xây dựng lực lượng, xây dựng nội dung, chương trình, hình thức, biện pháp giáo dục, đảm bảo các điều kiện vật chất đầy đủ, vừa trực tiếp tổ chức quản lý các hoạt động giáo dục pháp luật cụ thể và quản lý đối tượng giáo dục pháp luật một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chỉ đạo của HĐPHGDPL tỉnh chưa tổ chức được thường xuyên, nhất là việc duy trì chế độ họp theo quy chế, nên hiệu quả của công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có mặt kết quả chưa cao.
Bên cạnh vai trò chủ chốt của HĐPHGDPL trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, còn một chủ thể nữa đó là các báo cáo viên pháp luật, ngày 23/11/2006 UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 1330/QĐ-UBND công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; Quyết định số 17/2006/QĐ- UBND ngày 23/11/2006 ban hành quy chế Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh. Nội dung quy chế Báo cáo viên pháp luật của tỉnh đã bám sát vào nội dung Quy chế Báo cáo viên của Bộ Tư pháp, đồng thời cụ thể hoá một số nội dung về tiêu chuẩn của báo cáo viên như ngoài những tiêu chuẩn chung thì bắt buộc báo cáo viên phải có trình độ từ Đại học Luật hoặc Đại học khác, đang công tác tại những lĩnh vực có liên quan đến pháp luật và có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên, cụ thể hoá thủ tục công nhận Báo cáo viên để phù hợp với địa phương.
Đây là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở tùng cơ quan, đơn vị và ở địa phương, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu hiểu biết pháp luật cho cán bộ và nhân dân, từng bước nâng cao ý thức pháp luật, năng lực lãnh đạo, quản lý và vận dụng pháp luật cho cán bộ nói chung và CBCC chính quyền cấp xã nói riêng. Trong những năm qua, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật trên địa bàn tỉnh Điện Biên hoạt động tương đối tốt, qua nhiều lần kiện toàn đến nay toàn tỉnh có 67 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 234 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.293 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 7.069 hòa giải viên cơ sở bao gồm: Lãnh đạo các sở, ban, nghành, cán bộ, hội viên Hội liên hiệp Phụ nữ tham gia công tác PBGDPL, Phóng viên, biên tập viên pháp luật các cơ quan báo, đài địa phương, … đặc biệt là các giáo viên giảng dậy môn lý luận Nhà nước - Pháp luật ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng
đóng vai trò là đội quân chủ lực trong công tác giáo dục pháp luật cho CBCC chính quyền cấp xã ở Điện Biên. Họ là những người có phẩm chất chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, am hiểu kiến thức pháp luật sâu sắc, có kinh nghiệm và phương pháp truyền đạt rõ ràng, dễ hiểu. Vì vậy, họ là chủ thể có khả năng cung cấp, kiến thức pháp luật một cách đầy đủ, khoa học và chính xác cho CBCC chính quyền cấp xã.
Để giúp đội ngũ báo cáo viên pháp luật tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện tốt nhiệm vụ, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật cho các Báo cáo viên pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan, ban ngành tỉnh đều chủ động xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật trên cơ sở lồng ghép việc tuyên truyền, vận động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các Báo cáo viên, hàng năm các cơ quan thành viên của HĐPH tỉnh đều chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PBGDPL và bồi dưỡng kiến thức pháp luật; Sở tư pháp đã tích cực chỉ đạo phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho HĐPH cùng cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật cấp huyện và Tuyên truyền viên cấp xã. Nội dung tập huấn chú trọng, tập trung vào các kỹ năng tuyên truyền miệng, kỹ năng tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, kỹ năng tư vấn, trợ giúp pháp lý...Ngoài ra, Sở Tư pháp còn thường xuyên cử Báo cáo viên pháp luật giúp các ban, ngành cấp tỉnh, HĐPH cấp huyện tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ pháp luật.
Có thể nói, trong những năm qua, đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của ngành Tư pháp đã nỗ lực phát huy vai trò của mình trong việc PBGDPL, hầu hết các hội nghị triển khai phổ biến các văn bản pháp luật đều có Báo cáo viên pháp luật ngành Tư pháp tham mưu và trực tiếp thực hiện.
Nhìn chung, phương thức tổ chức xây dựng, huy động lực lượng trên đã giúp Sở Tư pháp duy trì được một đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tuyên truyền pháp luật nhiệt tình hoạt động sâu rộng, ổn định từ tỉnh đến cơ sở. Đây chính là yếu tố quan trọng, cơ bản nhất góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, phương hướng, mục tiêu trong lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua của ngành Tư pháp tỉnh Điện Biên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: Đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện, và lực lượng tuyên truyền viên cấp xã còn những hạn chế về trình độ, kiến thức chuyên môn; thiếu về số lượng, nhất là lực lượng tuyên truyền viên cấp xã.
Hiện nay, một số báo cáo viên pháp luật đã nghỉ hưu, thuyên chuyển công tác hoặc được bổ nhiệm giữ những chức vụ quản lý cao hơn nên không còn điều kiện, nhất là điều kiện về thời gian để tham gia các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn, Sở Tư pháp đang tổ chức rà soát, khảo sát lại để trình UBND tỉnh phương án kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh trong thời gian tới. Mặt khác, 100% các Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật đều hoạt động kiêm nhiệm, chưa dành nhiều thời gian cho công tác PBGDPL; còn thiếu tài liệu để tham khảo; chế độ thù lao chưa hợp lý. Đội ngũ Tuyên truyền viên cấp xã chưa thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Đối với đội ngũ giảng viên giảng dậy pháp luật tại các cơ sở đào tạo CBCC chính quyền cấp xã của tỉnh (Trường Chính trị tỉnh và Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật ) tuy đã đóng góp nhiều cho công tác giáo dục pháp luật cho đội ngũ CBCC chính quyền cấp xã, song vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Phần lớn giáo viên mới tốt nghiệp một bằng đại học, tuổi đời còn trẻ, vốn sống thực tế còn ít, kinh nghiệm còn hạn chế, chưa có phương pháp sư phạm,
gây trở ngại cho việc truyền đạt kiến thức pháp luật. Thêm vào đó, họ chưa được tập huấn, cập nhật các kiến thức, văn bản pháp luật mới. Với thực trạng này, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ giảng viên pháp luật tại các cơ sở đào tạo CBCC chính quyền cấp xã của tỉnh là một đòi hỏi khách quan để đáp ứng nhiệm vụ được giao.