II. QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU TOYOTA
1. Thế giới quan, nhân sinh quan của gia đình Toyoda
Đầu tiên phải kể đến trong quá trình phát triển và quản trị thương hiệu của Toyota đó là: thế giới quan, nhân sinh quan của gia đình Toyoda đã có
ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đến sự trường tồn của Tập đoàn Toyota.
Có lẽ hơi buồn cười nếu biết rằng vị sáng lập tập đoàn xe hơi này, Kiichiro Toyoda, lại là một chàng trai ốm yếu, bị mọi người xem là thiếu sức khỏe để trở thành một nhà lãnh đạo. Nhưng cha anh không nghĩ như vậy và Kiichiro Toyoda đã tỏ ra rất kiên định. Sakichi Toyoda giao nhiệm vụ gây dựng một công ty xe hơi cho con trai mình không phải là để gia tăng tài sản của dòng họ. Ông đã hoàn toàn có thể giao sự nghiệp kinh doanh máy dệt cho con trai. Sakichi Toyoda đã đoán chắc rằng thế giới đang thay đổi và những chiếc máy dệt điện sẽ trở thành công nghệ của quá khứ trong khi xe hơi mới là công nghệ của tương lai. Tuy nhiên, vì ông đã ghi dấu ấn của mình lên ngành công nghiệp thế giới bằng việc chế tạo máy dệt nên muốn con trai mình có cơ hội đóng góp tên tuổi cho xã hội. Ông đã bảo Kiichiro rằng: “Bất
cứ ai cũng nên thực hiện một dự án vĩ đại ít nhất một lần trong đời. Cha đã dành trọn đời để sáng chế ra những loại máy dệt mới. Giờ đây đến lượt con. Hãy nỗ lực hoàn thành một cái gì đó có ích cho xã hội”. (Reingold, 1999).
Phong cách học tập và sáng tạo của Kiichiro chính là tấm gương phản chiếu người cha của anh. Kiichiro đã xây dựng Công ty Ôtô Toyota dựa trên những triết lý và cách quản lý của cha mình, nhưng có thêm vào những sáng kiến riêng của ông. Chẳng hạn, trong khi Sakichi Toyoda là cha đẻ của cái mà sau này trở thành khái niệm tự kiểm lỗi (xác định và giải quyết vấn đề tại nguồn) trong TPS (Toyota Production System - hệ thống sản xuất Toyota), thì
nguyên tắc tức thời (JIT – Just In Time) lại là đóng góp của Kiichiro. Những ý
tưởng của ông được hình thành từ một chuyến đi nghiên cứu các nhà máy ôtô của Ford ở Michigan cũng như việc nhận thấy hệ thống siêu thị của Mĩ lấp
đầy các sản phẩm để trên kệ ngay khi khách hàng vừa mua xong. Chính những thành tựu và hành động của ông với tư cách một nhà lãnh đạo, giống như cha mình, đã để lại dấu ấn sâu sắc nhất lên Tập đoàn Toyota.
Đang trên đường xây dựng công ty ôtô thì Thế chiến thứ II nổ ra, Nhật Bản thua trận và Hoa Kỳ đã có thể cho ngừng việc sản xuất ôtô. Khi nền kinh tế Nhật hồi sinh, công ty Toyota không gặp mấy khó khăn trong việc nhận được nhiều đơn đặt hàng, nhưng lạm phát phi mã đã làm mất giá trị đồng tiền và đồng thời rất khó nhận được tiền thanh toán từ khách hàng. Luồng tiền mặt khan hiếm đến nỗi có thời điểm vào năm 1948 tổng số nợ phải thu của Toyota lên đến gấp tám lần vốn của nó. Để tránh phá sản, công ty đã áp dụng những chính sách cắt giảm chi phí gắt gao, bao gồm việc tự nguyện giảm lương của cấp quản lý cùng với giảm chi phí gắt gao và giảm 10% lương của tất cả nhân viên. Nhưng rốt cuộc thì việc giảm lương, cũng không đủ dẫn đến việc đề nghị 1.600 công nhân tự nguyện nghỉ việc. Các công ty phá sản mỗi ngày. Chuyện thường thấy lúc đó là các vị Giám đốc điều hành hoặc cố bám trụ và giữ lấy những cổ phần của họ hoặc chia năm xẻ bảy công ty ra mà bán đi. Nhưng Kiichiro đã có một quan điểm khác hẳn. Ông nhận trách nhiệm về thất bại của công ty ôtô và từ chức, mặc dù trên thực tế những vấn đề đó nằm ngoài tầm kiểm soát của ông hoặc bất kỳ ai khác. Sự hy sinh cao cả của ông đã giúp xoa dịu sự bất mãn trong công nhân. Tuy thế, sự hy sinh to lớn của ông đã để lại một dấu ấn sâu sắc hơn nhiều đối với lịch sử của Toyota. Mọi người trong công ty đều biết những gì ông làm và lý do của chúng. Triết lý của Toyota cho đến ngày nay là nghĩ xa hơn những bận tâm cá nhân vì lợi ích lâu dài của công ty, cũng như việc nhận lấy trách nhiêm khi có trục trặc.
Những thành viên trong dòng họ Toyoda đã trưởng thành với những triết lý tương tự như thế. Tất cả họ đều học cách xắn tay vào việc, học hỏi tinh
thần sáng tạo cũng như hiểu rõ những giá trị của công ty trong việc đóng góp cho xã hội. Hơn nữa, tất cả họ đều có được tầm nhìn tạo dựng một công ty đặc biệt với một tương lai lâu dài. Sau Kiichiro, một trong những nhà lãnh đạo của gia đình Toyoda đã thành hình cho Toyota chính là Eiji Toyoda, cháu của Sakachi và là em họ của Kiichiro.
Giống như người anh họ và người chú của mình, Eiji Toyoda đã phát triển niềm tin trên nền tảng: để phát triển mọi việc thì chính mình phải làm và làm bằng chính đôi tay của mình. Khi một cơ hội đến thì câu trả lời sẽ là cố gắng bằng cách học hỏi từ công việc. Với hệ thống niềm tin và giá trị này, thật khó tưởng tượng là có thể trao lại công ty cho con cháu, hoặc anh em họ nếu những người này không làm bằng chính đôi tay của mình và không có tình yêu đích thực với ngành công nghiệp xe hơi. Những giá trị ấy đã hình thành nên sự phát triển của công ty và là nền tảng cho sự lựa chọn những thế hệ lãnh đạo kế thừa.
Ngày nay, triết lý quản trị của Toyota đã được mở rộng đến tất cả các nhà quản lý khắp Nhật Bản và các chi nhánh Toyota trên khắp thế giới. Nhưng bởi vì các nhà quản lý hiện nay không phải trải qua kinh nghiệm phát triển đau thương của một công ty sau chiến tranh, Toyota vẫn luôn suy nghĩ về cách làm sao truyền đạt và củng cố hệ thống giá trị theo đó các vị lãnh đạo tiền nhiệm luôn là người làm việc bằng chính đôi tay của chính mình, luôn cải tiến và suy nghĩ thật kỹ các vấn đề trên cơ sở nhận biết dựa trên bản chất của sự việc. Đây chính là chính sách quản trị nổi tiếng của đại gia đình Toyoda.