II. QUẢN TRỊ THƯƠNG HIỆU TOYOTA
2. Quản trị thương hiệu Toyota dựa trên những triết lý dài hạn
2.4. Quản trị thương hiệu bằng tính tự lực và tinh thần trách nhiệm
Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Toyota luôn luôn chọn con đường tự lực cánh sinh và tự tay thực hiện mọi việc, hơn là trông mong vào những đối tác bên ngoài. Chẳng hạn, khi Toyota muốn đặt chân vào thị trường xe hơi sang trọng, họ đã không mua lại BMW. Thay vào đó, công ty tạo ra phân nhánh sang trọng riêng của mình, chiếc Lexus, ngay từ con số không, nhằm để bản thân họ có thể học hỏi và hiểu được sự tinh túy của một chiếc xe sang trọng.
“Toyota định hướng ngay từ đầu rằng bất kỳ công ty nào cũng có thể đi thuê thợ máy, thuê kỹ sư cùng với việc mua cái này, cái kia. Quan điểm của Toyota là trước khi bạn sản xuất một chiếc xe hơi, bạn cần phải hoàn chỉnh các quy trình mang tính mới mẻ để chế tạo nên một cái khuôn, một chiếc động cơ và những thứ khởi nguồn như thế. Và đó chính là điều tạo nên sự thành công của công ty. Quay về với điều cốt lõi” (Phương thức Toyota – 2006).
Sau này khi mà các nhà sản xuất ôtô khác của Nhật Bản sẵn lòng mua lại đồ nghề từ các đồng nghiệp người Mỹ rồi lắp ráp những bản nhái xe Mỹ thì Toyota cũng vẫn quyết định tự thiết kế và chế tạo những chiếc xe của riêng họ, rút kinh nghiệm từ những mẫu thiết kế của hàng loạt xe Mỹ. Thực chất, Toyota là công ty xe hơi đầu tiên ở Nhật Bản phát triển nhiều mẫu xe mà không viện đến sự hỗ trợ kỹ thuật từ những doanh nghiệp ôtô tiên tiến Âu Mỹ. Họ không muốn bị phụ thuộc vào sự trợ giúp bên ngoài.
Tại Toyota bạn đồng hành của sự tự lực chính là tinh thần chịu trách nhiệm trước thành công hay thất bại. “Chúng ta phấn đấu viết nên số mệnh
của mình. Chúng ta hành xử bằng tinh thần tự lực, tự tin vào khả năng bản thân. Chúng ta chấp nhận trách nhiệm về hành vi của mình cũng như việc duy trì và cải thiện những kỹ năng giúp chúng ta sản xuất ra các giá trị gia tăng”