3. Phân theo trình độ lao động
2.5. Kết quả kinhdoanh của công ty qua 3 năm 2007-
Nghiên cứu kết quả hoạt động kinh doanh giúp cho nhà quản trị kịp thời nhận diện thực trạng hoạt động kinh doanh, từ đó đề xuất các giải pháp phát huy những thành công, những nhân tố tích cực và khắc phục những tồn tại, yếu kém.
Doanh thu
Biểu đồ 4: Tình hình doanh thu của công ty từ 2007-2009
Nhìn vào biểu đồ 4 ta thấy tổng doanh thu của công ty qua 3 năm có sự biến động khá phức tạp, năm 2008 doanh thu của công ty là 8.145.086 nghìn đồng giảm 305.572 nghìn đồng so với năm 2007 tương ứng giảm 3,64%. Nguyên nhân một phần là do những biến động khách quan từ thị trường, mặt khác là công tác tiêu thụ của công ty chưa thực sự hiệu quả nên làm ảnh hưởng đến doanh thu tiêu thụ. Năm 2009, tổng doanh thu đạt được là 14.561.004 tăng 6.415.918 nghìn đồng so với năm 2008 tương ứng 78,77%. Đây là những cố gắng tích cực mà công ty cần phát huy hơn nữa nhằm ổn định tình hình hoạt động và phát triển kinh doanh trong thời gian tới.
Giá vốn hàng bán
Biểu đồ 5: Tình hình GVHB của công ty từ 2007-2009
(Nguồn: Phòng kế toán)
Tương quan với doanh thu bán hàng, nếu bán được nhiều hàng hóa thì tổng doanh thu sẽ càng lớn nên giá vốn hàng bán của các mặt hàng cũng có những biến động tăng giảm tương đối theo tổng doanh thu. Năm 2008, giá vốn hàng bán là 7.394.474 nghìn đồng giảm 608.298 nghìn đồng so với năm 2007 tương ứng 7,6%. Năm 2009 tương ứng tổng mức tiêu thụ tăng thì giá vốn hàng bán là 13.731.884 nghìn đồng tăng 6.337.410 nghìn đồng so với 2008 tương ứng tăng 85,70%. Ngoài ra, từ bảng số liệu chúng ta có thể
thấy được rằng tốc độ tăng trưởng hay giảm của giá vốn, năm 2008 tốc độ giảm giá vốn hàng bán (GVHB) có phần giảm mạnh hơn so với tốc độ giảm doanh thu, cụ thể doanh thu giảm 3,64%, GVHB giảm 7,6%. Do đó có thể thấy giá thành hàng hóa, thành phẩm năm 2008 giảm hơn so với 2007. Năm 2009 tốc độ tăng trưởng GVHB cao hơn so với tốc độ tăng tổng doanh thu tiêu thụ, điều này chứng tỏ giá thành thành phẩm, hàng hóa năm 2009 có phần tăng khiến cho GVHB của công ty có tốc độ tăng cao hơn so với tổng mức doanh thu bán được, cụ thể tốc độ tăng doanh thu tiêu thụ năm 2009 là 78,48% so với năm 2008 trong khi đó tốc độ tăng GVHB là 85,70%. Một trong những nguyên nhân khiến cho lợi nhuận gộp sau này tăng không cao hay giảm là do phần GVHB có tốc độ tăng cao hơn so với tổng doanh thu tiêu thụ.
Ta có thể thấy sự biến động của lợi nhuận gộp qua các thời kỳ chủ yếu phụ thuộc vào GVHB, cụ thể năm 2007 lợi nhuận gộp là 449.886 nghìn đồng, năm 2008 là 750.612 nghìn đồng tăng 300.726 nghìn đồng tương ứng 66,84% trong khi đó tổng mức tiêu thụ như đã thấy ở trên là giảm so với 2007, điều đó là do tác động tích cực của GVHB. Năm 2009, mặc dù lợi nhuận gộp là 805.272 nghìn đồng tăng 54.660 nghìn đồng tương ứng 7,28% nhưng có thể thấy tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận gộp hoàn toàn không tương xứng với tốc độ tăng trưởng doanh thu năm 2009 so với 2008 là 78,48%, chênh lệch quá lớn, kết quả của vấn đề này là do tốc độ tăng trưởng GVHB 2009 cao hơn mức doanh thu tiêu thụ khiến cho lợi nhuận giảm.
Nhìn chung, ta thấy được rằng tình hình hoạt động của công ty không được ổn định trong thời gian qua và có những biến động phức tạp. Một phần của sự không ổn định này là do ảnh hưởng của yếu tố khách quan từ thị trường, mặt khác cũng phải kể đến công tác quản lý, hoạch định, phát triển kinh doanh của công ty chưa thực sự hiệu quả.
Thu nhập từ hoạt động tài chính và thu nhập từ hoạt động dịch vụ
Biểu đồ 6: Thu nhập từ hoạt động tài chính của công ty từ 2007-2009
(Nguồn: Phòng kế toán)
Biểu đồ 7: Thu nhập khác (dịch vụ) của công ty từ 2007-2009
(Nguồn: Phòng kế toán)
Trong các năm qua ngoài nguồn thu nhập chính từ kinh doanh cà phê công ty còn có thêm phần thu nhập từ hoạt động tài chính và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Các nguồn thu nhập này góp phần làm tăng chỉ tiêu lợi nhuận kế toán sau này. Nguồn thu
nhập từ tài chính của công ty chủ yếu là nguồn lãi suất tiền vay từ vốn cho công nhân vay, còn nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ là khoản thu nhập lấy lệ phí từ việc sửa chửa, kiên cố hoá hệ thống kênh mương tưới tiêu cho bà con. Các chỉ tiêu về thu nhập cũng có những biến động khá phức tạp, không theo chiều hướng ổn định qua từng năm như các chỉ tiêu trên. Cụ thể năm 2007 doanh thu hoạt động tài chính và dịch vụ là10.416 nghìn đồng và 723.666 nghìn đồng, năm 2008 là 415.308 nghìn đồng và 454.229 nghìn đồng, năm 2009 là 289.235 nghìn đồng và 413.702 nghìn đồng.
Chi phí kinh doanh
Biểu đồ 8: Chi phí tài chính của công ty từ 2007-2009
Biểu đồ 9: Chi phí bán hàng của công ty từ 2007-2009
(Nguồn: Phòng kế toán)
Biểu đồ 10: Chi phí quản lý doanh nghiệp từ 2007-2009
Biểu đồ 11: Chi phí khác của công ty từ 2007-2009
(Nguồn: Phòng kế toán)
Bên cạnh các chỉ tiêu trên thì để đánh giá chính xác kết quả quá trình kinh doanh của công ty ta cần liên hệ đến tình hình chi phí kinh doanh (CPKD). CPKD của các doanh nghiệp nói chung và của công ty nói riêng đều có tính chất quyết định đến kết quả lợi nhuận sau này. Nhìn tổng thể ta thấy chỉ tiêu về chi phí đều tăng qua các năm, trừ chi phí quản lý doanh nghiệp vì trong giai đoạn này lao động của công ty có xu hướng giảm, vẫn chưa thể phục hồi. Trong số các chỉ tiêu chi phí kinh doanh thì chi phí tài chính chiếm rất lớn, chỉ tiêu này chủ yếu là chi phí trả lãi vay ngân hàng của công ty qua các năm. Con số trả lãi vay liên tục tăng với tỷ lệ cao khiến cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Điều này là do số nợ vốn từ nhiều năm trước công ty vay các ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng đến giờ vẫn chưa thể trả được vì gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty hiện đang dần mất khả năng thanh toán, tình hình tài chính kém phải dựa vào sự giúp đỡ của Tổng công ty cà phê Việt Nam. Năm 2007 chi phí tài chính là 3.023.122 nghìn đồng, năm 2008 là 3.936.717 nghìn đồng tăng 913595 nghìn đồng so với 2007 tương ứng 30,22%, năm 2009 là 4.973.209 nghìn
đồng tăng 1.036.492 nghìn đồng tương ứng 26,33%. Đây thực sự là một rủi ro lớn cho công ty khi tốc độ tăng lãi vay qua các năm lại ngày càng cao.
Ngoài ra, do đặc tính hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nên không như các doanh nghiệp thương mại chi phí bán hàng chiếm tỷ lệ nhỏ so với các chi phí khác. Cụ thể chi phí bán hàng năm 2007 là 7.491 nghìn đồng, năm 2008 là 9013 nghìn đồng tăng 1.522 nghìn đồng so với 2007 tương ứng 20,32%. Năm 2009 để cải thiện tình hình kinh doanh công ty đã có nhiều nổ lực nhằm tăng lượng tiêu thụ hàng hóa, mặt khác là giá cả các dịch vụ gia tăng nên chi phí bán hàng vì thế cũng tăng hơn nhiều so với mọi năm, chi phí bán hàng của công ty năm 2009 là 30.287 nghìn đồng tăng 21.274 nghìn đồng so với năm 2008 tương ứng 236,04%.
Bên cạnh đó chi phí quản lý kinh doanh cũng chiếm một tỷ trọng tương đối trong cơ cấu chi phí, ta thấy qua 3 năm chi phí kinh doanh có xu hướng giảm, năm 2007 là 1.151.027 nghìn đồng, năm 2008 là 869.645 nghìn đồng giảm 281.382 nghìn đồng so với 2007 tương ứng giảm 24,45%, năm 2009 là 1.044.476 nghìn đồng tăng 174.831 nghìn đồng so với năm 2009 tương ứng 20,1%. Nguyên nhân một phần làm giảm chi phí quản lý kinh doanh là do trong thời gian qua lực lượng lao động của công ty giảm, năm 2009 chi phí quản lý tăng hơn so với 2008 là do chính sách tăng lương cán bộ của chính phủ nhằm cải thiện đời sống cho cán bộ công nhân viên chức phù hợp với tình hình hiện tại. Chính sách tăng lương sẽ là một khuyến khích rất lớn để thu hút lao động trong tương lai, giúp công ty ổn định tình hình lao động. Từ những số liệu trên ta thấy chi phí kinh doanh của doanh nghiệp có tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của công ty, nhất là đối với chi phí lãi vay quá lớn sẽ là nguyên nhân chính làm giảm lợi nhuận sau này.
Lợi nhuận sau thuế