Hệ thống quản lý chất lượng tại Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam

Một phần của tài liệu Vận dụng lý luận về qui trình đánh giá trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán tài chính vào kiểm toán chu trình bán hàng – thu tiền do Công ty TNHH KPMG Việt Nam thực hiện (Trang 45 - 47)

QUI TRÌNH ĐÁNH GIÁ TRỌNG YẾU, RỦI RO TRONG KIỂM TOÁN CHU TRÌNH BÁN HÀNG – THU TIỀN DO

2.1.4.Hệ thống quản lý chất lượng tại Công ty kiểm toán KPMG Việt Nam

Công việc kiểm soát chất lượng là công việc không thể thiếu trong bất kỳ công ty nào, kiểm soát chất lượng bao gồm chất lượng hoạt động của cả Công ty nói chung và chất lượng của dịch vụ kiểm toán mà Công ty cung cấp nói riêng. Đối với kiểm toán BCTC, hệ thống KSCL của KPMG được thiết kế để cung cấp sự đảm bảo rằng các đơn vị thành viên trong mạng lưới KPMG và từng nhân viên của Công ty tuân thủ theo đúng các chuẩn mực hành nghề, các qui định thích hợp, qui tắc pháp lý và các báo cáo được phát hành phải phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Theo đó, hệ thống KSCL bao gồm các chính sách được thiết kế nhằm đạt được mục tiêu trên và các thủ tục nhằm giám sát việc thực hiện tuân theo đúng các chính sách đã đề ra.

Hệ thống kiểm soát chất lượng tại KPMG được xây dựng dựa trên Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 220 ban hành trong Quyết định số 28/2003/QĐ-BTC ngày 14 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ tài chính. Hệ thống này được xây dựng cho hoạt động chung của toàn Công ty và cho chất lượng của cuộc kiểm toán nói riêng. Nội dung chính của các thủ tục và chính sách này bao gồm: trách nhiệm của nhà lãnh đạo đối với việc kiểm soát chất lượng của đơn vị thành viên, các yêu cầu về đạo đức hành nghề của KTV bao gồm cả tính độc lập, chấp nhận thư mời kiểm toán đối với khách hàng mới và tiếp tục kiểm toán cho khách hàng hiện tại, quản trị nguồn nhân lực bao gồm việc phân công đội hình kiểm toán, thực hành kiểm toán và cơ chế giám sát việc thực hiện kiểm toán.

Khóa luận tốt nghiệp Khoa Kế toán

Để kiểm soát chất lượng có hiệu quả thì điều đầu tiên mà Công ty quan tâm là quản lý con người bởi suy cho cùng thì mọi thủ tục hay qui trình đều do con người đặt ra và thực hiện. Ngay từ khi bước chân vào Công ty, các nhân viên đã được trải qua khóa đào tạo về nghiệp vụ, qui trình quản lý chất lượng và đảm bảo sự bảo mật thông tin do các lãnh đạo trong Công ty thực hiện. Công ty đã cụ thể hóa rất nhiều qui định của KPMG quốc tế để đưa ra các qui định, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Trong cơ chế đảm bảo chất lượng cho cuộc kiểm toán thì việc quản lý rủi ro cũng đóng góp vai trò quan trọng, bởi khi rủi ro đã được kiểm soát thì mọi hoạt động có thể diễn ra theo đúng trình tự, tránh được những biến cố ngoài ý muốn, không ảnh hưởng tới chất lượng của công việc. Với vấn đề này, trong cả hệ thống KPMG toàn cầu đã đề ra chính sách quản lý rủi ro (Risk Managerment Manual- Global 502) được chỉnh sửa cập nhật gần đây nhất vào tháng 10 năm 2007. Chính sách này xác định các rủi ro mà KTV có thể gặp phải, cách thức tránh và có thể kiểm soát được rủi ro. Để kiểm soát rủi ro nghề nghiệp thì KPMG đã đưa ra các nội dung cụ thể về đạo đức nghề nghiệp, tính độc lập của KTV, đảm bảo sự bảo mật của thông tin, thận trọng nghề nghiệp, liên hệ với kiểm toán viên tiền nhiệm, xây dựng các điều khoản của cuộc kiểm toán: hợp đồng kiểm toán, nội dung kiểm toán, phí kiểm toán, chữ kí của các bên, giải quyết tranh chấp… . Một điểm quan trọng nữa được đưa ra là quản lý giấy tờ làm việc của KTV từ khâu chuẩn bị cho đến việc xem xét lại do các nhà quản lý và chủ phần hùn thực hiện, chỉnh sửa, hoàn thiện giấy tờ, hạn chế tiếp cận và cuối cùng là đưa vào lưu trữ làm bằng chứng cho cuộc kiểm toán đã thực hiện theo đúng chuẩn mực và là dữ liệu cho cuộc kiểm toán năm sau. Đối với các thực tập viên, ngay từ khi mới vào Công ty cũng đã có buổi đào tạo cách thức hoạt động, hạn chế rủi ro xảy ra khi sử dụng mạng thông tin của KPMG, được tham gia buổi đào tạo về quản lý rủi ro, đạo đức hành nghề và tính độc lập của KTV trong thực hiện kiểm toán.

Để kiểm soát việc thực hiện kiểm toán, KPMG đã đưa ra nguyên tắc: thực hiện giám sát trong mọi giai đoạn của cuộc kiểm toán và cấp trên phải tổ chức, phân công, quản lý, và rà soát lại công việc của cấp dưới.

Chủ phần hùn chấp nhận thư mời kiểm toán là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán nói chung. Chủ phần phải đảm bảo rằng khách hàng đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cần thiết để được chấp nhận kí

Khóa luận tốt nghiệp Khoa Kế toán

hợp đồng kiểm toán. Chủ phần hùn cũng có trách nhiệm phải lựa chọn những nhân viên có sự hiểu biết, năng lực và kinh nghiệm cần thiết để tham gia kiểm toán. Trong kiểm toán, khâu kiểm soát đầu tiên đó là lập kế hoạch và chương trình kiểm toán do nhà quản lý cấp cao thực hiện. Bước công việc này vừa mang tính chất hướng dẫn lại vừa là công cụ giám sát hữu hiệu quá trình thực hiện công việc của nhóm kiểm toán. Không chỉ ở giai đoạn đầu tiên mà trong suốt quá trình thực hiện, công việc của nhóm kiểm toán luôn chịu sự giám sát của trưởng nhóm kiểm toán và chủ nhiệm kiểm toán, sau đó lại được rà soát một lần nữa bởi các chủ phần hùn chịu trách nhiệm trực tiếp về cuộc kiểm toán. Khi xây dựng chương trình kiểm toán để thực hiện kiểm toán, trưởng nhóm kiểm toán luôn có sự cân nhắc rất kỹ càng về trình độ năng lực của từng người và căn cứ vào đó để phân công trách nhiệm cho từng thành viên trong đội, ví dụ như KTV đã có kinh nghiệm lâu năm thì đảm nhiệm các chu trình phức tạp như bán hàng – thu tiền, với các trợ lý kiểm toán mới vào thì làm phần đơn giản như tiền và hỗ trợ các KTV khác trong việc kiểm tra chứng từ. Mỗi thành viên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về phần công việc của mình, kết quả làm việc của từng người sẽ được đánh giá làm cơ sở cho việc thăng tiến của mỗi người. Sau khi cuộc kiểm toán được thực hiện, chủ phần hùn có trách nhiệm đảm bảo cuộc kiểm toán đã được thực hiện theo đúng chuẩn mực và BCTC đã được kiểm toán cùng báo cáo của KTV chỉ được phát hành khi đã đảm bảo các tiêu chuẩn đặt ra. Chính vì vậy mà báo cáo kiểm toán được phát hành với mức độ rủi ro thấp có thể kiểm soát được.

Một phần của tài liệu Vận dụng lý luận về qui trình đánh giá trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán tài chính vào kiểm toán chu trình bán hàng – thu tiền do Công ty TNHH KPMG Việt Nam thực hiện (Trang 45 - 47)