- Căn cứ đưa ra giải pháp: Hiện tại, giá bán các sản phẩm của công ty trên thị trường miền Bắc là cao hơn so với các đối thủ chính như DRC hay CASUMINA. Ngày nay với tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn, khách hàng thường xuyên phải so sánh, cân nhắc trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, việc giá bán cao có thể sẽ làm cho công ty mất đi một số khách hàng, đặc biệt là những khách hàng có năng lực tài chính eo hẹp.
- Nội dung của giải pháp:
+ Cần cân nhắc đến những mục tiêu cần đạt được của công ty. Ví dụ như đối với những thị trường mới (thị trường Tây Nguyên, các tỉnh vùng sâu, vùng xa) công ty có thể thiết lập mức giá thấp để xâm nhập thị trường nhanh chóng; hay đối với sản phẩm lốp máy bay, SRC có thể tận dụng lợi thế là đơn vị đầu tiên sản xuất thành công lốp máy bay ở Việt Nam để định giá cao trước sau đó sẽ xem xét tình hình thị trường để hạ dần giá xuống.
+ Để có một chính sách giá cạnh tranh thì công ty cần phải giảm đến mức thấp nhất có thể các khoản chi phí trong quá trình hoạt động như:
• Tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng, mua với số lượng lớn khi vụ mùa tới với giá rẻ và tích trữ nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất trong thời gian trái vụ, khan hiếm (giá cao);
• Ký hợp đồng dài hạn với những nhà cung cấp uy tín để được hưởng những ưu đãi từ họ;
•Tận dụng hết công suất máy móc, sản xuất với số lượng lớn để giảm chi phí cố định tính trên một đơn vị sản phẩm;
• Đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhằm tăng năng suất sản xuất, giảm chi phí sửa chữa, giảm rủi ro sản xuất bị gián đoạn do máy móc, thiết bị hư hỏng;
• Rà soát lại toàn bộ định mức vật tư sử dụng trong công ty, nhằm tiết kiệm nguyên liệu vật tư, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh về sản phẩm;
• Duy trì và củng cố quan hệ với các tổ chức tài chính; lựa chọn cơ cấu nguồn vốn tối ưu nhất để giảm chi phí tài chính đặc biệt là chi phí lãi vay;
• Thắt chặt thêm quan hệ với khách hàng, nâng cao hơn nữa lòng trung thành của khách hàng để giảm bớt chi phí marketing…
+ Quan sát và phán đoán động thái của các đối thủ cạnh tranh để có những phản ứng kịp thời mà một trong những phản ứng phổ biến đó là các quyết định về giá cả.
- Ý nghĩa của giải pháp: một chính sách giá đúng đắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến kết quả và nâng cao hiệu quả hoạt động tiêu thụ của công ty.
3.2.4. Hoàn thiện và mở rộng kênh phân phối
- Căn cứ đưa ra giải pháp: Các quyết định phân phối có ảnh hưởng rất lớn đối với những hoạt động bán hàng. SRC có một hệ thống phân phối khá hiệu quả tuy nhiên với vị thế còn yếu trên thị trường như hiện nay công ty cần có những chiến lược để mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các kênh phân phối.
- Nội dung của giải pháp:
+ Tổ chức rà soát, hoàn thiện, xây dựng bản đồ hệ thống tiêu thụ sản phẩm SRC tại miền Bắc, hướng tới mở rộng, phát triển thị trường tại miền Trung và miền Nam
+ Công ty cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống phân phối thông qua đẩy mạnh tiếp xúc trực tiếp với các đại lý và người tiêu dùng.
+ Công ty cần tiếp tục duy trì và tăng cường các chương trình, chính sách ưu đãi dành cho các đại lý để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm như:
• Duy trì chính sách ưu đãi hợp lý, tổ chức khen thưởng cho các điểm bán đạt doanh số cao; gắn quyền lợi, nghĩa vụ của các trung gian phân phối như là nhân viên công ty.
• Đối với các điểm bán ở khu vực thị trường tiêu thụ chậm, công ty nên có những chính sách gia hạn thêm ngày thanh toán nhằm khuyến khích các điểm bán tiếp tục bán hàng cho công ty.
+ Tổ chức thêm các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại các khu vực đông dân cư, các đầu mối giao thông
+ Công ty cũng cần đầu tư phát triển theo hướng mở rộng mạng lưới phân phối tới các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
- Ý nghĩa của giải pháp: Một kênh phân phối toàn diện sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tiêu thụ, tránh tình trạng hàng giả lan tràn trên thị trường, hạn chế rủi ro do ứ đọng hàng hóa, tiết kiệm chi phí giúp bao phủ rộng thị thường hiện tại cũng như thâm nhập vào thị trường mới.