Tuy có nhiều điểm thuận lợi, nhưng bên cạnh đó, công tác bán hàng của công ty vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế.
Điểm hạn chế thứ nhất là thị phần của SRC tại khu vực miền Trung và miền Nam còn khá thấp so với 2 đối thủ chính là DRC và CASUMINA. Tuy chiếm được vị thế vững chắc tại thị trường miền Bắc nhưng vị thế của công ty tại miền Trung và miền Nam còn quá nhỏ bé. Theo ước tính, tại mỗi thị trường miền Trung và miền Nam, thị phần của SRC đối với các sản phẩm săm lốp xe đạp, xe máy là 10%, đối với sản phẩm săm lốp ô tô là 35%.
Điểm hạn chế thứ hai là các chính sách chiết khấu chưa được áp dụng rộng rãi. Chiết khấu là một trong những công cụ khuyến khích hành vi mua sắm của khách hàng. Tuy nhiên, các chính sách này của SRC hầu như vẫn chưa hướng tới đối tượng là các khách hàng cá nhân có nhu cầu nhỏ lẻ.
Hạn chế thứ ba là hệ thống phân phối tuy nhiều (119 đại lý) nhưng vẫn chưa bao phủ hết toàn bộ thị trường. Tại Tây Nguyên và vùng sâu vùng xa SRC vẫn chưa có mặt do đó chưa được biết đến rộng rãi.
Hạn chế thứ tư là các hoạt động xúc tiến hỗn hợp chưa được đầu tư đứng mức đặc biệt là quảng cáo. Các công cụ sử dụng trong quảng cáo còn quá nghèo nàn, chưa gây được sự chú ý của khách hàng do kinh phí dành cho hoạt động này còn eo hẹp. Nguồn thông tin về công ty, sản phẩm mà khách hàng có thể tiếp cận còn quá ít.
Một điểm hạn chế nữa đó là công tác chăm sóc khách hàng của công ty tuy đã được chú trọng nhưng việc triển khai vẫn còn nhiều thiếu sót như công tác tổ chức chưa đồng bộ, nhân viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cần thiết, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của nhóm khách hàng cá nhân.
Ngoài ra, những tác động mang tính vĩ mô cũng ảnh hưởng lớn tới công tác phát triển thị trường của công ty. Sự biến động lãi suất, tỷ giá, giá nguyên vật liệu… cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, đã và đang gây ảnh hưởng tới công tác bán hàng của công ty cản trở việc đạt được mục tiêu đã đề ra.
CHƯƠNG 3:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ
HOẠT ĐỘNG BÁN HÀNG CỦA CTCP CAO SU SAO VÀNG