Tập quán sinh nở và lễ đầy tháng tuổi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử, thể hiện nét văn hóa của dân tộc trong việc biểu lộ tấm lòng trân trọng, biết ơn đối với những người phụ nữ đã mang nặng để đau để duy trì nòi giống. Nhà văn Y Phương đã tái hiện lại tục thăm gái đẻ và ngày lễ đầy tháng của đứa con đầu lòng qua bài “Dzương eng, tục thăm gái đẻ”. Ngay mở đầu, nhà văn Y Phương đã giải thích cho độc giả biết về tục Dzương eng:
“Dzương eng trong tiếng Tày Nùng, nghĩa là đi thăm trẻ sơ sinh, hay thăm gái đẻ. Mẹ tròn con vuông, sinh ra con người là một điều kỳ diệu. Đi thăm điều kỳ diệu, đây là một công việc hệ trọng. Người Tày Nùng có tục dzương eng từ thời loài người, biết kính trọng người đẻ. Họ coi đó là ngày quan trọng nhất trong đời. Sau khi người sản phụ sinh đứa con, thường là con đầu lòng được vài ngày, họ hàng bên ngoại nhằm đúng vào các ngày đại cát, đại an lại gặp cung hồng loan, thiên hỷ, văn xương, văn khúc… trong tháng để đến thăm cháu”.
Trong ngày lễ đầy tháng: “Họ sắm sửa quà cáp mang sang tặng cho nụ
hoa đầu đời. Qùa cáp gồm một đôi gà mái tơ hoặc trống choai, ba đến năm ống gạo nếp cái hoa vàng, một cái địu thổ cẩm, một cái nôi đan bằng tre, có mắt hình lục giác, nan tre lên màu vàng nắng. Mỗi bà tòong tèeng một gánh làm vui. Người gánh gà. Người gánh gạo. Người gánh rượu. Người mang nôi. Họ rì rầm chân sau theo chân trước, bước nhịp nhàng về nhà gái để. Họ cố tình dùng dằng bước đi thật chậm. Đi thật chậm để cảm nhận cái ấm nóng nồng nàn của hơi đất, của khí trời, của tình người nơi đó. Bà nào cũng diện bộ cánh mới tinh, con thơm nguyên mùi chàm hồ.Mỗi khi nhấc chân lên, đặt hài xuống, tạo ra tiếng sột soạt phát ra từ váy áo, từ thắt lưng… Họ vừa đi vừa trò chuyện. Bà nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Cung đường bay ra mùi trầu cay, có lẫn mùi chàm ấm. Làm cho người đi sau cứ hít lấy hít để, cái mùi
hạnh phúc no ấm ấy mãi”... Cảnh đón tiếp của nhà nội đối với nhà ngoại đầy
sự trân trọng: “Khi ấy họ hàng bên nội, nhìn thấy bên ngoại đang rồng rắn từ
xa. Ai đó liền cất tiếng quát tháo mà như hò reo: “Chuẩn bị khăn bông hoa lau mặt, chậu nước rủa chân cho khách. Nước rửa chân phải rắc thêm mấy cánh hoa bjooc lỏong cho thơm. Nhanh tay lên chứ! Kìa! Phải dùng khăn mới. Dẹp hết đồ cũ đi. Ấy dà!”.
Thức dùng trong ngày lễ đầy tháng không thể thiếu được món canh xin
thang: Đó là món “canh thịt gà tẩm nghệ non với gừng già, lòng, phèo, gan, tiết lợn, pga một chút rượu trắng, một chút hương hoa hồi, một chút thảo quả… Không khí bắt đầu náo nhiệt hẳn lên. Chiếu hoa trải khắp nhà. Mâm bát đã sắp xong. Đồ ăn thức uống luôn sẵn sàng. Chỉ còn chờ nồi canh xin thang đang âm ỉ sôi. Đủ khách ngồi vào mâm là người ta múc canh vào bát, chần thêm rau cải xoong, rắc thêm tí hạt tiêu bắc. Thế là thành món canh đặc sản”.
Đứa trẻ ra đời là niềm vui, hạnh phúc và thỏa lòng mong mỏi của tất cả mọi người: “Niềm vui lớn ấy lây sang hàng xóm, kể cả người dưng khách lạ
đi qua đường”…“Niềm vui đầy phè tràn ra, làm nở nang bông lúa dưới ruộng, bắp ngô trên rẫy, con cá trong sông suối ao hồ. Năm đó nhà này, họ có cháu bế. Ai cũng bảo rằng đấy là cục vàng rơi xuống từ trời. Và năm đó tự dưng đỏ au cả ngói lợp trên mái. Nhà có ba mươi sáu cây cột gỗ nghiến, chạm tay vào cột nào cũng phát ra tiếng kêu loong coong, tựa hồ lục lạc”.
Nhà văn Y Phương còn chia sẻ với độc giả kỉ niệm mẹ mừng cô cháu gái đầu lòng: “Bà đã dành cả một năm trời chăm bẵm đàn gà vịt ngan ngỗng
và lũ lợn. Nào cám bã. Nào nước nôi. Nào củi đóm tất tần tật đều tự tay mình làm..." Người Kinh có câu “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”.
Người Tày có câu “Lục slao cốc gjộc khẩu têm” (con gái đầu cối gạo đầy).
“Nhà có cô con gái như cục điều hòa thời tiết nóng lạnh. Cô con gái cưng như cây hoa biết đi, nó làm tiêu tan mọi nỗi nhọc nhằn buồn bực trong lòng
người cha. Lên chín mười nó đã biết đỡ đần cơm nước, giặt giũ, chợ búa cho mẹ”.
Theo phong tục của người Tày: “Khi sinh đứa con đầu lòng, người ta
không gọi thẳng bố mẹ cháu bằng tên tục nữa, mà được gọi bằng tên của người con cả. Bố Thủy, bác Thủy, chú Thủy. Bố Ly, chú Ly. Mẹ Sa, thím Sa, cô Sa, bá Sa. Bố Nghi. Bác Nghi. Chú Nghi… nghe ấm áp, âu yếm và có ý nghĩa lớn lao như trời đất. Được gọi bằng cái tên đứa con đầu tiên do mình đẻ ra, cảm thấy trời sáng hơn, đất rộng ta. Khi sinh con rồi, ngày nào cũng là mùa xuân háng toán” (Ở Đà Tẻ tôi có một que tăm).
Y Phương đã đi sâu vào khai thác những chi tiết đời thường của dân tộc Tày thông qua tập quán sinh nở và lễ đầy tháng. Với tình yêu thương, trân trọng sâu sắc con trẻ và phụ nữ, nhà văn đã làm sống dạy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày trong dòng chảy của văn hóa truyền thống dân tộc.