Mỗi một dân tộc đều có phong tục tập quán, trình độ phát triển xã hội, trình độ dân trí và bản sắc văn hóa khác nhau, những đặc điểm này đã tạo nên sự đa dạng về văn hóa tín ngưỡng. Ở một chừng mực nào đó, văn hóa tín ngưỡng không chỉ làm nên những giá trị tinh thần, tình cảm, tâm thức và tâm linh của văn hóa mà còn góp phần tạo nên bản sắc và sức sống lâu bền của văn hóa dân tộc. Tín ngưỡng là một hình thái biểu thị đức tin, niềm tin của con người và cộng đồng người ở một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định vào một thái thiêng liêng, cái đáng sung kính trong thế giới người hoặc thế giới siêu nhiên nào đó.
Người Tày có những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất đặc sắc. Trong đó, tín ngưỡng thờ Mẹ Hoa là tín ngưỡng nguyên sơ, chưa bị ảnh hưởng của tam giáo. Mẹ Hoa là người có một vị trí vô cùng quan trọng trong thế giới tâm
linh người Tày Nùng: “Từ khi các cháu bé lọt lòng mẹ, Ngọc Hoàng thượng
đế đã cắt cử Hoa Vương Thánh Mẫu làm người trực tiếp chăm sóc, cai quản phấn hồn các cháu. Người Tày gọi đó là mẻ bjooc mẻ woa – Mẹ Hoa”. Bởi
vậy mà “bất kể trong nhà người Tày nào, dù định cư ở đâu, họ cũng đều lập
bàn thờ Mẹ Hoa. Bàn thờ đặt vào nơi trang trọng nhất. Mồng một hôm rằm hoặc lễ tết, người nhà phải thắp hương cúng khấn. Mẹ Hoa không những là người cai quản mà còn phân phối chia đều con trai con gái cho từng nhà từng người”. Người Tày quan niệm vợ chồng lấy nhau chưa có con thì cho
rằng mẹ Hoa trên thiên đình chưa ban cho và phải “lập đàn chay cúng khấn thỉnh cầu Mẹ Hoa”. Mỗi dân tộc có một quan niệm khác nhau về hồn. "Người Tày gọi hồn là khoăn. Hồn nhẹ như mây, nên hồn mọc tự nhiên, bay lang thang. Vía nặng như sắt, nên vía dính liền với thể xác con người. Hồn của trẻ con mải chơi đùa nghịch. Nên hồn của chúng thích bay lên mặt trăng, nhấp nháy cùng sao, hò reo cùng tiếng nước chảy, đu lên xem bông hoa nở … mà quên đường trở lại nhà". Cách gọi hồn con cái về nhà của dân tộc Tày
mang màu sắc riêng: "Nhằm vào giờ dậu ngày rằm. Các bà hay các mẹ cầm
ba thẻ hương với con gà nhép, ra tận ngã ba đường. Bà thắp hương, vái lạy bốn phương trời mười phương đất. Vừa vái lạy vừa lầm rầm gọi: Ơ hồn thằng Chóc con Chéc ở đâu thì về với mẹ. Đừng lang thang mà lạc trong mây. Đừng mải mê chơi mà ngủ trong hoa. Ơ hồn! Mươi phút sau, thấy ngọn cây lao xao. Gói và bụi quẩn bên chân người. Biết là hồn đứa trẻ đi lạc nay đã tìm về. Người bà người mẹ liền vãi một ít muối gạo, đốt tiền vàng mã trả công cho gió. Bởi gió đã tìm thấy và đưa trả hồn đứa con lạc đường về cho mẹ. Mẹ thầm pjom bái cảm ơn cơn gió, và xách con gà, cõng hồn lên lưng về nhà". Điều đặc biệt cần chú ý: "Khi gặp cảnh này đang diễn ra, những người đi đường không được phép chào hỏi. Lỡ đánh động hồn thằng bé. Hãy làm như không có chuyện gì xảy ra. Cứ phải nép vào ven đường mà bước. Bước
thật nhẹ. Thật nhẹ. Tránh gây ra tiếng động lớn. Hễ có tiếng động lớn là hồn bỏ đi liền. Lần này hồn mà bỏ đi không biết chừng nào mới về lại". Dân tộc Tày kiêng không bao giờ người lớn cốc vào đầu vào trán con trẻ vì đầu và trán là nơi trú ngụ của phần hồn.
Ngoài tín ngưỡng thờ Mẹ Hoa và cách gọi hồn, dân tộc Tày còn có cách dọa ma rất độc đáo. Khi trẻ em thường khóc về đêm, theo "kinh nghiệm
từ những người già trên làng Cổ Phương. Họ bảo đấy là căn chứng tiểu nhi dạ đề. Do trẻ bị căng thẳng thần kinh trước khi đi ngủ. Nó nhìn thấy những con ma lạ hoắc, con mặt đỏ, con râu vàng đến quấy rầy. Nên cứ nhắm mắt vào là thấy, làm nó sợ. Trẻ khóc suốt đêm là vì vậy. Mãi đến gần sáng nó mới hết khóc và thiếp dần vào giấc ngủ. Bà xuống dưới bếp lấy lên bốn con dao nhọn, nín thở, cầu trời khấn phật. Con xin trình lạy mẹ Hoa ba lạy. Rồi bà lẩm nhẩm những gì. Chẳng biết mẹ Hoa trên trời nói sao, tôi thấy trên ban thờ nhà mình phjọp phjẹt nở những bông hoa tám cánh. Hoa như được làm bằng băng tuyết. Khấn xong, bà ngoại nhẹ nhàng đặt từng con dao nhọn yểm xuống dưới bốn góc chiếu, nơi cháu nằm. Dao nhọn sẽ trừ khử những con ma quấy rối giấc ngủ. Dao nhọn sẽ dọa giết kẻ nào dám phá giấc mơ ngọt ngào của cháu tôi. Đây là những con dao được rèn bằng thỏi thép già. Từ những bàn tay của người thợ rèn lành nghề Phúc Sen đã làm ra. Những con dao mới tinh, còn thơm mùi lửa lẫn mùi sắt chín. Dao này chưa ai dùng vào việc giết mổ. Nếu đã dính một chút máu là dao mất thiêng. Không dọa được ma quỷ".
Cách dọa ma rất đơn giản: "Bà vạch chiếu lên đưa dao nhọn chĩa mũi về đằng
đông. Nơi ấy ma quỷ có nước da xanh màu nước biển. Chúng có bộ mặt trơn nhầy như cá mõm lợn. Cá mõm lợn chỉ ăn mỗi rong rêu. Nên người nó béo. Thịt nó chắc. Môi nó dầy. Nhưng ma quỷ thì lại nghiện ăn tóc tơ của trẻ. Cứ thấy mùi trẻ con ở đâu là nó ứa nước miếng. Chúng thè lưỡi liếm từ mép trước trán đến sau gáy là hết nhẵn tóc. Về sau người ta gọi là tóc bò liếm.
Khá lâu, tóc mới có thể mọc lại được. Dao nhọn khác quay mũi về đằng Tây. Nơi ấy ma quỷ có bộ mặt đỏ quạch. Mũi khoằm, cằm dài, tai chuột. Chúng rất hay ăn bí đỏ. Vì bí đỏ vừa ngon ngọt lại vừa bổ óc. Thường xuyên ăn bí đỏ sẽ không bao giờ bị tắc đường đưa máu lên não. Ma quỷ nhìn thấy cái đầu trẻ nhỏ lúc la lúc lắc, nó đã tưởng nhầm bí đỏ. Nên đêm đêm chúng đi rình mò kiếm tìm cái đầu ngọ nguậy. Dao nhọn chĩa mũi về Nam. Nơi có ma quỷ đầu bẹt, mặt xanh như đít nhái, giọng nói khàn khàn tựa vịt đực. Giống ma quỷ này chỉ nghiện làm nũng. Dường như nó ham thích làm nũng từ trong bụng mẹ. Nên nó thấy trẻ nhỏ luôn luôn được mọi người cưng chiều nịnh nọt. Trẻ nhỏ đúng là một ông vua con. Muốn gì được nấy. Tuy là vua con nhưng oai oách ngang bằng một ông vua lớn. Nên ma quỷ nghĩ mình phải ăn trộm cái nũng nịu kia mới được. Dao nhọn chĩa mũi về phương Bắc. Nơi ở của ma quỷ có cặp mắt trắng dã, môi thâm xì. Vành tai mỏng dính như nấm khỉ. Con ma quỷ này chỉ thích kẹo sôcôla và áo mới. Nó ghen với trẻ nhỏ. Bởi ngày nào chúng cũng được người lớn cho quà. Lập tức con ma này rình rập, nấp sau tấm rèm. Khi mọi người tắt đèn đi ngủ, là thời khắc chúng thoải mái vo ve trêu tức" (Dọa ma).
Những trang viết về quan niệm ma gà của dân tộc Tày đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả. Người Tày Nùng đều tin ở một số người có ma gà, con ma đó luôn luôn đi theo người như hình với bóng để làm hại người khác. Những lời đồn về ma gà "như vòng kim cô ở nơi nhạt muối của
những người thiếu lòng thiện chí", đã vô tình làm cho nhiều gia đình lâm vào
cảnh khốn đốn. Đồng bào còn cho rằng những người có "ma gà nhìn vào đâu
cũng làm cho muôn vật bị lây nhiễm. Lời nói của họ như phun thuốc độc. Nó sẽ làm héo úa hoa màu cây cối. Làm tiêu tan máu chảy trong người. Trẻ thì biếng ăn..." Những câu chuyện về ma gà như: Cháu bé năm tuổi người Kinh "không hề biết tiếng Nùng Giang. Tự dưng có một hôm, cháu buột miệng nói
tiếng Nùng Giang, nói một cách rõ ràng mạch lạc. Không sai một âm tiết. Ai đứng gần đấy đều trố mắt ngạc nhiên. Nói xong nó chạy. Vừa chạy cháu vừa bảo: “Tôi phải về nhà ngay với bố mẹ. Bố mẹ chờ tôi đã năm năm rồi”. Người bố vội vàng chạy theo để giữ con mình lại. Chạy vòng vèo từ nhà đến Kéo Lồm. Từ Kéo Lồm lại về Phja Phủ. Hai bố con chạy đuổi nhau gần hết cả buổi sáng mà không tài nào bắt kịp. Con bé chạy như chân không bén đất. Nó thoắt ẩn thoắt hiện. Lúc thấy lúc không. Người bố thở không ra hơi. Nói không thành lời. Nhưng nỗi sợ mất con làm ông gắng sức hết sức mình chạy đuổi theo, thế rồi đành bất lực đứng nhìn con gái. Con bé chạy hầu như không thở. Chỉ thấy bóng lướt qua cái bóng. Một lúc sau, bỗng thấy nó đổ gục ngay trước cửa nhà mình. Cháu hộc lên một tiếng. Máu tràn ra đằng miệng. Một vũng máu đỏ lòm to bằng miệng nón. Mọi người hàng phố cùng ào xông đến, bế người cháu lên. Thì trời ơi! Cháu đã…"
Bên cạnh đó, Y Phương còn kể về một người bạn ấy học giỏi nức tiếng. "Trong một cơn mơ, bạn đã giải trình xong bài toán vì sao pi bằng ba
phảy mười bốn. Nhưng sau đó thì nghe đồn là nhà bạn ấy có chuyện như vậy. Mãi về sau này, và ngay cả bây giờ, tôi thấy đời sống của bạn tôi bình thường như mọi người khác. Mọi chuyện đồn đại hình như đã lắng xuống. Khi mà gia đình bạn ấm êm hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái trưởng thành, có nhà riêng năm tầng mặt phố chính. Nghe đâu bạn tôi sắp được điều ra tỉnh để phụ trách một ngành lớn và quan trọng." Với tản văn “Chuyện ma gà”, nhà
văn đã chỉ cho người đọc thấy đây chỉ là một quan niệm của những người dân tộc thiểu số ở thời kỳ cuộc sống còn nhiều khó hăn thiếu thốn.
Qua tín ngưỡng thờ Mẹ Hoa, quan niệm về hồn, về ma gà và cách dọa ma đặc trưng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Tày.