“Trang phục chính là một trong những sắc thái nổi bật nhất của văn hóa dân tộc” [Ngô Đức Thịnh (1997), Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc. tr12], bởi nó là sản phẩm vật chất được sản sinh ở từng dân tộc, từng vùng miền và là sáng tạo văn hóa của con người dân tộc đó. Tự hào với bản sắc dân tộc Tày bởi vẻ đẹp trang phục, nhà văn Y Phương đã giành nhiều trang viết để miêu tả vẻ đẹp của trang phục truyền thống cũng như lòng tự hào của người dân mỗi khi khoác trên mình bộ trang phục dân tộc.
Trang phục truyền thống của người Tày được nhuộm chàm rất công phu. Bởi vậy mà tục ngâm chàm đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc: “Chàm chuyển từ xanh lá mạ, sang xanh sẫm. Nó bắt đầu no
chặt chàm từ tờ mờ sáng”; “Họ bỏ nguyên cả cây chàm mang xuống giếng, dùng đá tảng đậy điệm cẩn thận, xong xuôi tháo nước vào ngâm. Ngâm độ vài ba ngày, lá chàm sẽ bị nước phân hủy, lắng xuống thành cao. Tháo phần nước loãng đi, chỉ giữ lại cao chàm. Cao chàm nằm dưới đáy giếng, đặc sánh như hồ dán. Người ta múc cao, vét sạch giếng, bỏ vào chum để dung dần”.
Sắc chàm dân tộc càng đặc sắc, nổi bật hơn khi được miêu tả thông qua dáng vóc của các thiếu nữ Tày. Nếu thiếu nữ dân tộc Kinh yểu điệu, yêu kiều bởi tà áo dài thướt tha làm đắm say lòng người bao đời nay thì hình ảnh: “Chiếc áo chàm mới tinh mặc trên người, không che kín làn da non
và ánh mắt dao cau” (Tết anh cả) xuất hiện trong tản văn Y Phương cũng đủ
sức khêu gợi và lôi cuốn độc giả về vẻ đẹp trang phục của dân tộc Tày - một dân tộc thiểu số vùng cao. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đã từng khẳng định: “Trong văn hóa trang phục, đặc biệt là trang phục phụ nữ, là cái mà ở
đó biểu hiện rõ rệt, thường xuyên và lâu bền nhất” (tr12). Trên cơ sở đó,
người đọc dễ nhận ra trong tản văn Y Phương nét độc đáo của trang phục dân tộc. Áo dài của người phụ nữ Tày tạo nên cái đẹp duyên dáng, óng ả: “Tà áo chàm thắt lưng the, đổ cả ra đằng sau. Hai dải thắt lưng buông một cách hững hờ trễ nải, trông như hai con nước màu chàm. Nước chàm êm đềm chảy xuống chạm gót son của những nàng thiếu nữ. Nàng thiếu nữ bước khoan thai trên cỏ xanh, phát ra tiếng kêu leng keng của vòng bạc, chạm giây xà tích. Tà áo gió đưa. Nùi áo mới thẹn thùng. Màu vải trắng của gấu áo lót, mặc ở bên trong lại làm lộ ra một cách cố ý” (Áo tân thời bước vào võng
cửa).
Chỉ bằng vài chi tiết gợi tả, Y Phương đã tác vào lòng người vẻ đẹp đặc trưng của màu chàm dân tộc. Có thể nói sắc chàm và dáng vẻ người thiếu nữa dân tộc Tày đã làm sống động những trang tản văn mang đậm bản sắc văn hóa, phong tục của ông.
Bằng sự quan sát tỉ mỉ cùng với tấm lòng yêu quý, gắn bó với những người dân quê hương ông, Y Phương đã có những trang viết sinh động và sắc sảo khi miêu tả áo người Nùng: “Đó là kiểu áo chàm năm thân cổ lá sen, cài
cúc bên nách tay phải. Ống tay rộng và đắp lên một miếng vải khác” (Dân
tộc: Người)
Niềm yêu quý, tự hào về vẻ đẹp độc đáo của trang phục dân tộc mình hòa trong niềm say mê cái đẹp đã chắp cánh cho ngòi bút Y Phương thăng hoa, khởi sắc trong việc miêu tả, cảm nhận vẻ đẹp của trang phục cũng như con người nơi đây.