Cái nhìn của người miền núi viết về miền nú

Một phần của tài liệu Bản sắc văn hóa dân tộc trong tản văn Y Phương (Trang 108 - 115)

Văn học là bức tranh phản sánh chân thực đời sống văn hóa, xã hội, con người, bởi vậy mỗi nhà văn đều có một cái nhìn nghệ thuật riêng. Theo GS Trần Đình Sử: “Cái nhìn là một năng lực tinh thần đặc biệt của con người,

nó có thể thâm nhập vào sự vật, phát hiện đặc điểm của nó mà vẫn ở ngoài sự vật, bảo lưu sự toàn vẹn thẩm mỹ của sự vật, do đó cái nhìn được vận dụng muôn vẻ trong nghệ thuật” (Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Nxb GD,

1998 tr106). Mỗi nhà văn đều có cái nhìn độc đáo biểu hiện trong thế giới nghệ thuật của mình. Sự độc đáo ấy là yếu tố quan trọng tạo nên phong cách của mỗi nhà văn.

Y Phương sinh ra dưới chân núi Bo Păn ở gần biên giới Việt – Trung. Từ nhỏ được sống trong bầu khí quyển đậm chất văn hóa Tày, nên ông có cái nhìn chân thực về cuộc sống con người gắn liền với những phong tục tập quán… Ông yêu “cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói

lửa cay đắng trong hồn tôi. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi" (Hồn làng Khuổi

Ky), do vậy khi ông rời Cao Bằng về sống giữa thủ đô Hà Nội là một dịp để nhà văn tự nhận thức về mình và dân tộc mình. Y Phương coi trọng giá trị văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần bền vững nhất, là “cái còn lại sau khi

người ta đã quên đi tất cả”. Bởi vậy, trong những trang viết của mình. nhân

vật trữ tình luôn trở về sống với những kỷ niệm sinh hoạt thường ngày ở ngôi làng người Tày của mình với những phong tục tập quán từ đời này truyền sang đời khác. Nhà thơ đắm chìm trong văn hóa lễ tết của dân tộc. Lễ tết dân tộc Tày hòa chung vào tết chung của dân tộc nhưng vẫn mang bản sắc riêng: Tết tháng Giêng (Tết anh cả) với sự chuẩn bị công phu và sự đón chờ từ nửa

năm trước. Tết Thanh minh (lễ tảo mộ 3/3 âm lịch) - dịp quy tụ con cháu về với quê hương gốc gác - được nhân vật trữ tình đặc tả bằng những nét riêng: “Tết tảo mộ diễn ra giữa tiết trời ấm áp, khí núi thanh sạch, lòng người thanh thản. Mùa màng đang giữa thì thư thả. Vào cữ này, gió mùa xuân hây hẩy vừa đi. Nắng mùa hè nứng nóng đang đến gần. Bóng người thân nghiêng nghiêng vào đến ngõ.” Nhân vật trữ tình cũng thể hiện niềm háo hức, sự bận

rộn của “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy”, nên “từ sau rằm tháng Bảy, lá

gói bánh gai chưa kịp héo, họ đã lên kế hoạch cho từng tháng... Tháng Chín, tháng Mười vào rừng kiếm củi, đun nồi bánh chưng, cất lô rượu gạo. Tháng Một bện rơm lót giường, làm ghế cho khách ngồi. Tháng Chạp ủ muối cỏ khô, rơm khô dành cho trâu bò ăn…” (Tết cả), trong đó có lễ “pây tái” (đi lễ bố

mẹ vợ) rất độc đáo vùng văn hóa làng Tày “Các chàng rể phải sắm đôi vịt

béo để mang đến nhà, biếu ông bà ngoại.” (Tết Slip Sli thịt vịt). Người đọc

được biết đến Tết tháng Năm ăn thịt chó, Tết Cốm mới dưới đêm trăng rằm và nhịp chày khoẻ khoắn, nhịp nhàng của những chàng trai núi ...

Nhà văn say sưa, háo hức viết về chợ tết: “Người lèn người chặt chẹt

đến nỗi lồi cả bốn mắt cá chân. Một rừng người lao xao vừa đi vừa chào. Ai cũng diện áo mới, quần mới, khăn mũ mới, giày dép mới... khắp nơi bay ra mùi chàm thơm nức nở... các chị em đeo vòng bạc, dây xà tích, túi đựng trầu bằng thổ cẩm” (Đi chợ nhìn người). Dưới con mắt của nhà văn, quả còn

ngày xuân được miêu tả rất sống động, giàu ý nghĩa: “... quả còn chắp mười

hai mâm vải. Mỗi mâm vải có bốn màu. Mỗi màu là một mùa. Hồng - mùa Xuân. Trắng - mùa Hạ. Vàng - mùa Thu. Đỏ bã trầu - mùa Đông”(Đố bên nào ném thủng hồng tâm).

Quê hương Y Phương còn hiện lên hương vị văn hóa ẩm thực thấm đượm tình người mang hương vị núi rừng. Nhà văn tự hào khoe bánh cuốn Cao Bằng, cái tình người Cao Bằng “Người nào thì vật nấy" nên "gọi bánh

cuốn là đặc sản Cao Bằng không sai. Nhưng đúng ra phải gọi bánh cuốn là hồn cốt Cao Bằng thì mới hẳn" (Ăn cái tình)…Viết về giò Mục Mã, nhà văn

huy động tối đa các giác quan để “thăng hoa” một cách tự hào văn hóa ẩm thực Tày hấp dẫn: “ Khi ăn thấy chắc, giòn, ngọt, ấm trong miệng. Cầm vào

khúc giò, người ta để hơi lỏng tay. Để nghe giò thở ra mùi thơm nồng nàn. Nếu cầm chặt quá, tỏ ra là người háu ăn. Muốn ngoặm ngay tức khắc cho rồi. Thưởng thức giò là cả một quá trình tự sướng. Ta phải dùng đầu lưỡi liếm lên thân nó. Liếm từ xa đến gần. Mân mê nó từ ngoài rồi mới vào đến trong. Đến mươi lúc sau, giò trào ra nước ấm từ chân răng. Đấy mới là người biết thưởng thức giò” (Tết về làng người trời). Văn hóa tâm linh cũng

là một khía cạnh của tản văn được anh đề cập trong tập với những bài “Tết

thanh minh”, “Dọa ma”, “Nhào nhào con ma xay thóc”...

Trùng Khánh - vùng đất đầy tinh thần thượng võ và giàu truyền thống văn hóa, là nơi bảo tồn những làn điệu dân ca dung dưỡng tâm hồn nhà thơ để anh viết nên những "Chợ Co Xàu”, “Dân Co Xàu hát Woàng dzà”, “Kung fu

người Co Xàu”… Nhờ có Y Phương mà người đọc biết đến Dzương eng - tục

thăm gái đẻ, tục kết bạn tồng, tục chơi chữ thưởng thơ trong ngày tết…

Nhà văn có cái nhìn từ chiều sâu văn hóa dân tộc nên ông luôn có khát vọng bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Tày trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế. Nhân vật trữ tình tự hào với một bầu khí quyển văn hóa Tày độc đáo vùng núi Cao Bằng, nhưng trong sâu thẳm vẫn là sự tiếc nuối - tiếc nuối những ngày đã xa, sắp rời xa, hoặc sẽ vĩnh viễn mất trong xã hội người Tày. Những cảnh sinh hoạt văn hóa làng xã của bà con Tày Nùng, đang dần dần mai một. Lời ăn tiếng nói đậm đà mặn ngọt, tiếng Tày cứ rơi rụng đến rơi nước mắt. Chữ viết "Slư Nam" (Nôm Tày) do cha ông sáng tạo trên cơ sở kết cấu lục thư của chữ Hán, nay đang bị đào thải một cách tự nguyện. Trang phục phụ nữ Tày từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa cũng như nét đẹp

bình dị và độc đáo của dân tộc Tày ở khắp các miền đất nước đã có xu hướng “Kinh hóa”. Trong tản văn “Dạo ma”, người đọc cảm nhận thấy nỗi buồn lan tỏa khi làng Tày đã vắng dần tiếng ru “Cháu tôi chỉ đói tiếng ru của người

Tày thôi. Tiếng ru từ người bà, người mẹ. Tiếng ru truyền đến đời tôi thì ngưng hẳn. Tự nhiên tôi buồn. Một nỗi buồn như con chim không cất nổi đôi cánh. Nó nặng trĩu như núi chồng lên núi. Đâu rồi tiếng ru con một thủa”…

Ta bắt gặp trong tản văn là bức chân dung tự họa, là chân dung tâm hồn người trai Tày và những con người xung quanh: “Giống như cái thùng tôn nhẵn

gạo, tôi cứ bô lô, ba loa. Có gì ngứa ngáy trong ruột gan, tôi xả ra bằng hết…"…

Với bút pháp kể và dựng đan xen, nhân vật trữ tình hướng người đọc đến những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Tày. Nhà văn viết về “Phong

slư” vời vợi niềm tự hào: “Nhớ người yêu là ngâm phong slư. Nếu lòng này

không nói ra được thì tóc ốm tám tháng và mắt đau một năm. Nỗi nhớ người yêu chảy ra từ mười đầu ngón tay, xuống đến gót chân. Nỗi nhớ không còn đường đi. Nỗi nhớ buộc phải nhả ra đằng miệng. Ôi! Giá mà các bạn được nghe người ta ngâm phong slư trong khoảng trời chiều. Người của bạn sẽ chảy ra như sáp ong như chì nướng. Bởi một nỗi buồn tím tái từ hoàng hôn loang ra, gặp phải lòng người đang buồn rầu. Nỗi lòng bất an bị nắng vàng nhuộm sang bãi cỏ, chuyển tiếp ngược lên đến đỉnh núi. Đá núi cũng thẫn thờ, huống chi trái tim các chàng các nàng đang yêu” (Phong slư: Máu và

lửa)…

Qua cái nhìn của nhà văn, bạn đọc được trải nghiệm một góc nhìn mới về văn hóa Tày rực rỡ, độc đáo. Ẩn giấu trong tầng sâu tản văn là cái tình chân chất, hồn nhiên, kín đáo, qua đó người đọc càng càng trân trọng và yêu quý hơn tình người, tình yêu quê hương, dân tộc nồng đượm, da diết của kẻ

tha hương tự nhận mình là một “que thử”, dù “bứng ra khỏi đất Tày, nhúng

xuống thành phố vẫn cứ xanh một màu rừng”.

Bằng cái nhìn của người miền núi viết về miền núi, những trang tản văn của Y Phương không "đóng đinh" bó hẹp trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày mà vượt lên, vươn xa như một dấu nối với văn học các dân tộc khác trong thời kỳ hội nhập. Tác phẩm vì thế mà mở rộng biên độ, phong phú đề tài về cuộc sống, con người miền núi – thành thị, tình yêu đất nước – quê hương, tình cảm gia đình – bạn bè - tình yêu lứa đôi…và điều quan trọng là thẫm đẫm bản sắc văn hóa “người đồng mình”.

KẾT LUẬN

1. Bản sắc văn học như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc trong tản văn Y Phương là một hướng xem xét mối quan hệ giữa văn hóa và văn học. Trên cơ sở nghiên cứu, chúng tôi rút ra những kết luận sau:

2. Y Phương sinh ra và lớn lên trên quê hương Cao Bằng, tâm hồn ông được dung dưỡng trong bầu khí quyển văn hóa giàu truyền thống dân tộc Tày. Tản văn của Y Phương mang đậm nét văn hóa, dấu ấn, bản sắc của người Tày. Mỗi trang viết của Y Phương đều “bắt rễ” từ chính sự am hiểu, gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, con người, phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc. Thiên nhiên, cuộc sống của người miền núi giờ trở nên gần gũi, chân thực qua những nét sinh hoạt, những phong tục tập quán đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như: tập quán sinh nở và lễ đầy tháng tuổi, tục chơi chữ thưởng thơ… Người đọc đắm chìm trong không khí văn hóa ẩm thực, văn hóa tín ngưỡng, cùng dấu ấn văn hóa trong ngày tết, lễ hội từ mùa xuân tới mùa thu, vắt qua mùa đông và kéo sang mùa hạ. Hình thức sinh hoạt của người dân gắn liền với trang phục, nghề thủ công, kiến trúc, ngôn ngữ đã tạo nên nét độc đáo.

Tiếp nối cảm hứng sáng tác của các nhà văn như Nông Minh Châu, Cao Duy Sơn, Vi Hồng … Y Phương đã góp một cái nhìn chân thực, mới mẻ về con người miền núi nhân hậu, giàu yêu thương, thủy chung, tình nghĩa. Bằng sự thuộc hiểu và lòng tự hào, trân trọng kết hợp với tâm hồn và tài năng của người nghệ sỹ, Y Phương đã làm sống lại và lưu giữ bao nét đẹp văn hóa dân tộc.

3. Y Phương là người thông thạo cả hai thứ tiếng Tày và Việt, ông đã chọn lọc những tinh chất cần có để tạo nên ngôn ngữ mang đậm dấu ấn miền núi và tràn ngập chất thơ. Trong tản văn của Y Phương ta thấy ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng. Qua việc sử dụng những từ ngữ sóng đôi, những câu thành ngữ,

tục ngữ nhà văn đã giúp người đọc nhận ra một thứ ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc như chính bản chất miền núi. Y Phương đã vận dụng có hiệu quả những cách nói quen thuộc trong dân gian tạo nên những trang viết thẫm đẫm hồn cốt dân tộc. Làm nên sức hấp dẫn trong văn xuôi Y Phương còn bởi chất thơ của hệ thống ngôn ngữ. Chất thơ đó đã đưa người đọc đến với thiên nhiên và cuộc sống con người miền núi với những âm thanh, màu sắc sinh động và gợi cảm.

Tuy không ở trên mảnh đất quê hương, nhưng Y Phương vẫn nhìn và cảm nhận bản sắc văn hóa dân tộc Tày bằng con mắt và tâm thế của người con núi rừng. Bản sắc dân tộc Tày được ông thể hiện dưới ngòi bút sắc sảo trong hoài niệm, mong nhớ, xót xa của riêng nhà văn. Ta bắt gặp một Y Phương viết với tất cả tình yêu và thể hiện niềm xót xa trước sự mai một của bản sắc văn hóa dân tộc Tày.

4. Mỗi tản văn của Y Phương như những lát cắt muôn màu về đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán… mang lại cho người đọc trước hết là những tri thức về văn hóa của đồng bào dân tộc Tày – những hiểu biết mà nếu không có các bài viết ấy, rất nhiều người không biết đến và nguy hiểm hơn chúng dần đi vào quên lãng. Y Phương không chỉ là người giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Tày mà còn là dấu nối với thơ ca các dân tộc khác trong thời kỳ hội nhập.

Một phần của tài liệu Bản sắc văn hóa dân tộc trong tản văn Y Phương (Trang 108 - 115)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w