Quan điểm và chính sách hội nhập từ “Đổi mới” đến nay:

Một phần của tài liệu Tác động của toàn cầu hoá tới đầu tư trực tiếp nuớc ngoài ở Việt Nam (Trang 34 - 38)

Hơn 20 năm hội nhập kinh tế là cả một chặng đường dài trong nỗ lực hoà nhập vào nền kinh tế thế giới của Việt Nam. Để thấy rõ được những chuyển biến tích cực của những bước hội nhập trong quan điểm và chính sách của đất nước, có thể chia ra làm hai chặng đường lớn. Một là giai đoạn từ năm 1986 – 1990 - được coi là giai đoạn của chính sách đổi mới, mở cửa đơn phương để hội nhập. Giai đoạn thứ hai là từ 1991 tới nay – giai đoạn của chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế và hội nhập thị trường khu vực - thị trường thế giới.

Thời kỳ những năm đầu đổi mới (từ 1986 đến 1990): giai đoạn của chính sách đổi mới, mở cửa đơn phương để hội nhập

Công cuộc “Đổi mới” của nước ta được chính thức khởi xướng và phát động từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12 năm 1986). Với nội dung cơ bản, trước hết là đổi mới trong lĩnh vực kinh tế, từng bước xoá bỏ cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế tự chủ. Cơ chế này được thực hiện mở đầu trong nông nghiệp đem lại những thành tựu lớn.Cùng với những thành tựu của chuyển đổi cơ chế trong nông nghiệp, các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ và cả lĩnh vực kinh tế đối ngoại cũng từng bước chuyển sang thực hiện cơ chế mới.

Trong thời gian này, các nước trong hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa thế giới cũng có những biến động nhất định. Các quan hệ hợp tác, liên kết kinh tế giữa các nước cũng đi vào chiều sâu, nhiều hợp đồng kinh tế giảm, hoạt động kinh tế đối ngoại gặp những khó khăn nhất định. Đồng thời kinh tế trong nước lúc đó vừa trải qua cuộc khủng hoảng nhưng để ổn định và phát triển đất nước phải giải quyết nhiều nhiệm vụ to lớn. Đó là ổn định, phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế, tiếp tục thực hiện công nghiệp hoá, thậm chí phải điểu chỉnh cả cơ cấu tiêu dùng trong dân cư.

Với điều kiện kinh tế thế giới thay đổi và những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội trong nước cho phép, Nhà nước Việt Nam xác định một số quan điểm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại. Ngoài những chủ trương cơ bản mở rộng quan hệ phân công, hợp tác toàn diện với Liên Xô, Lào, Campuchia... Đảng và Nhà nước đã chú ý tới các đối tác mới với chủ trương “tranh thủ mở mang quan hệ kinh tế và khoa học - kỹ thuật với các nước thế giới thứ ba, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi”. Điểm nổi bật trong quan điểm của Nhà nước ta là đã chủ trương công bố chính sách “khuyến khích nước ngoài đầu tư vào nước ta dưới nhiều hình thức, nhất là đối với các ngành và cơ sở đòi hỏi kỹ thuật cao, làm hàng xuất khẩu”. Nhà nước Việt Nam hoan nghênh và kêu gọi các tổ chức kinh tế của nước ngoài quan hệ trực tiếp với tổ chức kinh tế Việt Nam để mở rộng quy mô hợp tác, thoả mãn lợi ích hai bên, theo chính sách, luật pháp nước ta.

Có thể tóm tắt bước tiến trong nhận thức quan điểm và chính sách của Việt Nam về quan hệ kinh tế quốc tế trong những năm đầu đổi mới như sau:

Một là, chuyển mạnh từ mục đích tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ về kinh tế, khoa học kỹ thuật để ổn định phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sang mục đích quan hệ hai bên cùng có lợi.

Hai là, mở rộng thêm các hình thức quan hệ kinh tế quốc tế, các đối tác. Đó là kêu gọi các nhà đầu tư quan hệ trực tiếp đầu tư vào Việt Nam; khuyến khích các tổ chức kinh tế nước ngoài quan hệ trực tiếp với các tổ chức kinh tế Việt Nam.

Có thể thấy rõ kết quả của việc thực hiện những chủ trương trên của Đảng và Nhà nước ta. Đó là quan hệ kinh tế quốc tế đã đóng góp nhất định vào việc ổn định phát triển kinh tế, làm cho nền kinh tế từng bước ra khỏi khủng hoảng và đi vào thế ổn định. Đồng thời, những đổi mới trong quan điểm trên đã tạo điều kiện cho Việt Nam bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời kỳ từ năm 1991 đến nay: giai đoạn của chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế và hội nhập thị trường khu vực - thị trường thế giới.

Bước sang những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chính trường chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Thể chế xã hội chủ Nghĩa ở Liên Xô tan rã và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, nền kinh tế của các nước này chuyển sang cơ chế thị trường, các cam kết hợp tác quốc tế dưói các hình thức truyền thống như trao đổi hàng hoá, hợp tác lao động, liên kết kinh tế với Việt Nam hầu như không còn hiệu lực.

Trong bối cảnh đó, Nhà nước ta vẫn ý thức được vai trò quan trọng của quan hệ kinh tế quốc tế đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Với những thành tựu bước đầu của công cuộc Đổi mới, tự tin với đường lối đối ngoại độc lập, quyết tâm ổn định và phát triển kinh tế bằng nhiều con đường, chính sách trong đó chính sách kinh tế đối ngoại, trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 của Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương “Đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ kinh tế với mọi quốc gia, mọi tổ chức kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi. Củng cố và tăng cường vị trí ở các thị trường quen thuộc và với các bạn hàng truyền thống, tích

cực thâm nhập, tạo chỗ đứng ở các thị trường mới, phát triển quan hệ mới”. (Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000)

Hơn nữa, việc khuyến khích người nước ngoài vào nước ta kinh doanh đã được cụ thể hoá bằng chủ trương tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, “Xây dựng thể chế đồng bộ, ổn định, thuận tiện và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất đầu mối giải quyết các thủ tục và yêu cầu đầu tư của nước ngoài...chủ động chuẩn bị các dự án gọi vốn đầu tư nước ngoài...”. (Đảng Cộng sản Việt Nam - Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000)

Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của những hiện tượng tích cực và tiêu cực của toàn cầu hoá, các nước thực hiện các quan hệ kinh tế đối ngoại không chỉ đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mà còn phải chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Ở nước ta trong điều kiện thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quan điểm và chính sách chủ động hội nhập kinh tế đã đặt ra yêu cầu mới, thiết thực đối với các chủ thể kinh tế trong nước. Hội nhập kinh tế quốc tế, theo tinh thần đó, đã trở thành nhiệm vụ và sự quan tâm của Chính Phủ, các Bộ, ngành và doanh nghiệp.

Có thể tóm tắt quan điểm chính sách về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay là:

Một là, thực hiện đường lối kinh tế đối ngoại độc lập, tự chủ, mở rộng đa phương hoá các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế.

Hai là, “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm sự độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. (Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX)

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của chủ thể kinh tế, của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường thế giới và trong nước.

Bốn là, tạo môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh ổn định dựa trên quy chế, luật lệ của các thể chế hội nhập, không bị phân biệt đối xử, không bị các động cơ chính trị hay những lý do khác cản trở việc giao lưu hàng hoá, dịch vụ và đầu tư.

Những phương châm và nguyên tắc trên đã giúp Việt Nam bước vào hội nhập kinh tế quốc tế với thế và lực riêng của mình và đạt được những thành tựu đáng kể.

Một phần của tài liệu Tác động của toàn cầu hoá tới đầu tư trực tiếp nuớc ngoài ở Việt Nam (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w