2.3.1 Thuận lợi
Thứ nhất, Việt Nam sẽ được tiếp cận với một thị trường vốn toàn cầu năng động hơn bao giờ hết.
Thứ hai, ngoài tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tiếp cận với các yếu tố sản xuất khác, đặc biệt là với khoa học, công nghệ, tri thức quản lý, mô hình sản xuất...
Thứ ba, là thành viên của AFTA và WTO, cùng với việc kí kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương khác, Việt Nam sẽ tiếp cận được với một thị trường hàng hoá và dịch vụ rộng lớn hơn, do vậy sẽ có sức hút lớn hơn với FDI.
Thứ tư, xuất phát từ xu hướng tìm nguồn từ bên ngoài, Việt Nam sẽ trở thành một bộ phận của dây chuyền sản xuất quốc tế trong một số ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Do vậy, một nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn sẽ dần được hình thành. Và ngược lại sẽ có sức hấp dẫn đối với FDI hơn.
Cuối cùng, tất cả những thuận lợi trên sẽ là điều kiện để Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh của mình qua việc xác định, lựa chọn, cải thiện và nâng cao lợi thế so sánh vốn có của một số yếu tố sản xuất, do vậy cũng sẽ tạo môi trường thu hút FDI thuận lợi hơn. Thực tế một số quốc gia đã thành công trong việc cải tạo lợi thế cạnh tranh của mình. Chẳng hạn Trung Quốc và Ấn Độ không thể được coi là có lợi thế tuyệt đối về công nghệ thông tin so với Mỹ, song hai quốc gia này lại đang là hai trong số những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về các sản phẩm liên quan tới công nghệ thông tin, mà thị trường chủ yếu lại là Mỹ và các nước có nền công nghiệp phát triển.