Môi trường FDI toàn cầu còn được định hướng bởi các nền kinh tế và liên kết kinh tế lớn trên thế giới. Trong tiến trình toàn cầu hoá kinh tế, các nền kinh tế chủ chốt ở một số khu vực ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc dẫn dắt và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của các nền kinh tế nhỏ hơn và làm cầu nối của khu vực với các khu vực khác trên thế giới.
Có thể kể đến một số nền kinh tế lớn trên thế giới như sau: Ở Bắc Mỹ có Mỹ và Canada; Nam Mỹ có Braxin, Acghentina; Tây Âu có Đức, Anh, Pháp, Italia...; Đông Âu có Nga; Châu Á có Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore. Đây là những nền kinh tế đóng vai trò chính trong việc tạo động lực cho sự di chuyển vốn, lao động, thúc đẩy thương mại tự do.
Biểu đồ 1.2: Dòng vốn FDI ra và vào theo khu vực, 2005 – 2007 (Tỷ USD) FDI vào và ra
Nguồn: UNCTAD. World Investment Report 2008
Từ biểu đồ mô tả dòng FDI vào và FDI ra trên thế giới (2005-2007) trên có thể thấy vai trò to lớn của khối các nền kinh tế phát triển trong việc dẫn dắt hoạt động đầu tư trực tiếp. Lượng FDI vào các nước phát triển tăng cao trong năm 2007 – lần tăng tiếp theo trong 4 năm liên tiếp, đạt 1.248 tỷ USD (tăng 33% so với 2006). Mỹ tiếp tục giữ vị trí là quốc gia thu hút lượng vốn FDI lớn nhất, đồng thời Châu Âu cũng là khu vực nhận nhiều vốn FDI nhất so với các nhóm nước phát triển (thu hút 2/3 tổng lượng FDI trên toàn thế giới). Không chỉ có vậy, lượng vốn FDI ra của khối nước phát triển cũng đạt kỳ tích trong năm 2007, với tốc độ tăng thậm chí còn vượt xa so với FDI vào. So với năm 2006, FDI ra của các nước phát triển tăng 56% đạt 1.692 tỷ USD cao hơn FDI vào 445 tỷ USD. Trong đó, Mỹ đứng đầu các quốc gia trên thế giới về số vốn FDI đầu tư ra nước ngoài. (wir 2008 [07] )